Các nội dung cơ bản của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam

Các nội dung cơ bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam? Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm những nội dung chính gì?

Hiến pháp – một thuật ngữ ít được nghe nhắc đến đời sống hằng ngày, tuy nhiên ít ai có thể biết được đây chính là đạo luật cao nhất của nước ta. Hiến pháp có một vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia, mọi vấn đề trong đời sống xã hội đều hoạt động dựa theo cơ chế của Hiến pháp. Vậy, Hiến pháp là gì? Các nội dung cơ bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam?

1. Hiến pháp là gì?

Trước kia tại một số quốc gia trên thế giới, cụm từ Hiến pháp đã nhắc đến rất nhiều lần và cũng được xem là một đạo luật gốc của nhà nước nên hiến pháp có vai trò rất quan trọng, ý nghĩa đối với chính trị, văn hóa và xã hội. Chính vì vậy đã có nhiều quan điểm để đưa ra định nghĩa cho cụm từ này. Và ở nước ta, trước khi có hiến pháp như bây giờ thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về vai trò của hiến pháp đối với sự phát triển của đất nước ta. Xuất phát từ một nước thuộc địa nửa phong kiến vì vậy, tư tưởng, quan điểm về hiến pháp gắn liền với độc lập, tự do của dân tộc và quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Theo quan điểm của Hồ chủ tịch, người cho rằng “Trước chúng ta đã bị chế độ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng các quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ ”.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu khái niệm “Hiến pháp” như sau:

Hiến pháp được hiểu là một đạo luật cơ bản nhất của một quốc gia, là một văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, là hệ thống các quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định những vấn đề cơ bản nhất của chủ quyền quốc gia, xác định thể chế chính trị, cách thức tổ chức, hoạt động của một quốc gia. Đồng thời còn thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân tồn tại ở trong hoặc ngoài nhà nước đó, nhưng vẫn là nhân dân thuộc nhà nước đó.

2. Các nội dung cơ bản Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam:

2.1. Quyền con người, quyền cơ bản của công dân:

  • Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đây là quyền cơ bản nhất của con người, nhằm hạn chế nạn phân biệt đẳng cấp, tầng lớp trong xã hội.
  • Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mọi vấn đề trong đời sống xã hội đều được đối xử công bằng, dựa trên các yếu tố ảnh hưởng, tác động mà Đảng và Nhà nước sẽ đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Mọi người đều có quyền đối xử công bằng.
  • Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Việc trở thành công dân Việt Nam được xác định dựa trên nhiều yếu tố, nhưng thông thường những cá nhân có cha mẹ là quốc tịch Việt Nam thì con cái cũng sẽ mang quốc tịch Việt Nam từ lúc sinh ra và không có bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào có quyền cản trở, ngăn cấm. Đây cũng chính là cơ sở để công dân Việt Nam hưởng được các quyền lợi từ Nhà nước.
  • Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Mọi hành vi vi phạm pháp luật tại nước ta sẽ được xử lý theo quy định của nước ta đối với công dân Việt Nam mà không có bất kỳ quốc gia nào có thẩm quyền yêu cầu giao nộp công dân Việt Nam.
  • Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. Việc bảo hộ và quản lý được thực hiện thông qua cơ quan đại diện quốc gia cụ thể là Đại sứ quan Việt Nam tại quốc gia đó.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
  • Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
  • Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân Việt Nam đều được quy định chi tiết và cụ thể tại các văn bản pháp luật như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự…
  • Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
  • Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.
  • Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Những hành vi đăng, chia sẻ những thông tin riêng tư, bí mật của cá nhân sẽ bị xử phạt nghiêm, trường hợp gây thiệt hại thì sẽ bị yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần và vật chất.
  • Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
  • Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
  • Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
  • Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay, tại nước ta có nhiều tôn giáo như phật giáo, nho giáo, tin lành, thiên chúa giáo…và nhà nước ta không can thiệp vào tự do tín ngưỡng của mỗi người, ai cũng sẽ có nhu cầu tôn giáo riêng. Nhưng tất cả các hoạt động truyền giáo, hay đạo không được mang tính chất mê tín dị đoan, xúc phạm nhà nước hay có hành vi lôi kéo phản động…
  • Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
  • Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
  • Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
  • Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định, tại mỗi nhiệm kỳ 05 năm, tất cả người dân đủ điều kiện sẽ được nhà nước tạo điều kiện tham gia quyền lợi của mình đối với quốc gia.
  • Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
  • Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
  • Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
  • Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất. Hành vi phản bội nhà nước được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như truyền bá những tư tưởng không đúng sự thật về Đảng và Nhà nước, lôi kéo người dân tham gia biểu tình lật đổ chính quyền…

2.2. Nghĩa vụ cơ bản của công dân:

  • Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Đây là nghĩa vụ cao nhất đối với mỗi công dân Viêt Nam. Chỉ có lòng trung thành với đất nước thì mới tạo được những giá trị, những hành động xây dựng đất nước.
  • Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Bất kỳ một thế lực nào bên ngoài có ý định xâm chiếm đất đai, bờ cõi nước ta hay hành vi thao túng biển đông đều là những hành vi xâm phạm đến quốc gia, chính vì vậy công dân Việt Nam cần phải có những hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
  • Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
  • Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.
  • Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định. Việc nộp thuế chính là cơ sở để nhà nước có thể duy trì được những hoạt động liên quan đến lợi ích quốc gia như xây dựng bệnh viện, đường, cầu, các điểm vui chơi giải trí công cộng…
  • Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể chỉ cần công dân vi phạm đến lợi ích quốc gia khác đều sẽ bị trục xuất về nước ta, chính vì vậy khi nhà nước ta đã tạo điều kiện làm việc, học tập tại các quốc gia đó thì công dân Việt Nam cần phải thực hiện theo đúng với những quy định của quốc gia đó và Việt Nam để tránh gây ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia.
  • Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét cho cư trú.

2.3. Kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường:

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

  • Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
  • Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
  • Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Cụ thể đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến giảm thuể, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
  • Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
  • Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
  • Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
  • Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
  • Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
  • Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Chính vì vậy, công dân Việt Nam cần phải có thái độ và hành vi cư xử phù hợp để hỗ trợ nhà nước xây dựng lợi ích quốc gia.

Ngoài ra, hiến pháp còn quy định bảo vệ tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.

Đối với hệ thống chính trị thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.  Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Bên cạnh đó, Hiến pháp Việt Nam còn quy định nhiệm vụ, chức năng và vai trò của lãnh đạo như Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương…

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com