Các trường hợp nào pháp luật cho phép được chia thừa kế lại?

Thời hiệu chia thừa kế? Trường hợp nào được phép chia thừa kế lại? Trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế?

Trong các quyền mà chủ sở hữu tài sản được thực hiện đối với tài sản của mình thì quyền định đoạt tài sản của mình sau khi chết thông qua việc để lại di chúc là một trong những quyền đặc thù. Thừa kế không chỉ là là việc chuyển giao tài của một người sau khi người này chết cho người khác dựa trên cơ sở nội dung di chúc của họ mà việc chuyển giao này còn có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật nếu trong trường hợp người có tài sản không có di chúc, hoặc di chúc để lại không hợp pháp. Vậy, pháp luật hiện hành có quy định như thế nào về thời hiệu chia thừa kế? Và nếu việc thừa kế đã được chia thì trong những trường hợp nào pháp luật quy định được chia thừa kế lại?

1. Quy định về di sản thừa kế:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015, di sản thừa kế được hiểu là những tài sản  thuộc sở hữu của người chết để lại, bao gồm tài sản riêng của họ và cả phần tài sản trong khối tài sản chung của người khác. Những tài sản này rất đa dạng, có thể là các vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản theo quy định.

Thứ hai, về thời điểm và địa điểm mở thừa kế: Theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015, thời điểm, địa điểm mở thừa kế được xác định như sau:

– Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định là ngày mà Tòa án xác định người đó đã chết. Nếu không xác định được chính xác ngày chết của người đó thì ngày bản án tuyên bố một người đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày mà người đó chết

– Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015, người thừa kế di sản phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại sau đây:

– Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

– Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

2. Quy định của pháp luật về thời hiệu thừa kế:

Theo Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu là thời hạn mà nếu hết thời hạn đó sẽ phát sinh hậu quả pháp lý với chủ thể theo điều kiện quy định.

Có thể hiểu đơn giản, thời hiệu là thời hạn được xác định bằng năm mà một người được hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Hết thời hạn này sẽ không còn được giải quyết.

Đặc biệt, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian quy định. Nếu hết thời hạn đó thì người được áp dụng thời hiệu cũng mất quyền khởi kiện hoặc quyền yêu cầu.

Riêng vấn đề thừa kế, thời hiệu được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự, thuộc trường hợp yêu cầu giải quyết việc dân sự. Theo đó, khoảng thời hạn này được quy định cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015, thời hiệu thừa kế được xác định như sau:

Thứ nhất, về thời hiệu yêu cầu chia di sản

– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản được hướng dẫn cụ thể theo Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC như sau:

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/09/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/09/1990.

Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/07/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/07/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01/07/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

– Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

– Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định ở trên

Thứ hai, về thời hiệu yêu cầu xác nhận hoặc bác bỏ quyền thừa kế

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thứ ba, về thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Trường hợp pháp luật quy định được chia thừa kế lại:

Theo quy định, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có quyền và các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Để đảm bảo cho việc thực hiện quyền của người thừa kế, đòi hỏi những người này phải thực hiện thủ tục thỏa thuận để phân chia di sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế khác mà do nguyên nhân khách quan, trong quá trình khai nhận di sản thừa kế đã bỏ sót khiến những người thừa kế này không được thực hiện quyền Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định di sản thừa kế có thể được chia lại trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, trường hợp xuất hiện thêm người thừa kế mới:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 662 Bộ luật dân sự năm 2015: Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ hai, trong trường hợp có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 662 Bộ luật dân sự năm 2015, trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ ba, trường hợp tìm thấy di chúc

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật nếu trong trường hợp người để lại di sản không có di chúc. Tuy nhiên, để đảm bảo ý nguyện của người để lại di sản thì điều 642 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định rõ việc chia lại di sản như sau:

– Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

– Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.

Như vậy, có thể thấy, chỉ có trong thời hiệu thừa kế, di sản đã chia nhưng sau đó tìm thấy di chúc và người được hưởng theo di chúc có yêu cầu thì sẽ thực hiện chia lại theo di chúc đó.

4. Trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế:

Trong trường hợp nếu chưa hết thời hiệu khởi kiện, thì người con thứ hai sẽ thực hiện các bước tiếp theo sau đây theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:

Bước 1: chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, hồ sơ khởi kiện bao gồm:

–  Đơn khởi kiện (theo mẫu)

–  Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế.

–  Di chúc (nếu có)

–  Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

–  Bản kê khai di sản;

–  Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

–  Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn ( nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản ( Nếu có)

Bước 2: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền

Bước 3: Sau khi nhận đơn khởi kiện, hồ sơ khởi kiện, Tòa án tiến hành thụ lý vụ án.

Như vậy, nếu muốn đảm bảo quyền và lợi ích của mình trong việc phân chia di sản thừa kế, giải quyết các tranh chấp đang xảy ra thì người con thứ hai cần tiến hành nộp đơn, thu thập chứng cứ gửi đến Tòa án nơi có thẩm quyền để được giải quyết, nhận phần di sản thừa kế mà mình đáng được hưởng.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com