Cách xác định các khoản nợ chung, nợ riêng của hai vợ chồng?

Cách xác định các khoản nợ chung, nợ riêng của hai vợ chồng? Tranh chấp phân chia công nợ chung của 2 vợ chồng, xác định công nợ riêng khi ly hôn.

Trong quá trình giải quyết ly hôn, ngoài việc giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con, quyền tài sản thì giải quyết nợ chung nợ riêng trong thời kỳ hôn nhân cũng là vấn đề được các cặp vợ chồng quan tâm giải quyết. Cách xác định các khoản nợ chung, nợ riêng của hai vợ chồng?

Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình 2014

Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thông tư liên tịch hướng dẫn thi một số điều của luật hôn nhân và gia đình

Nội dung tư vấn:

1. Nợ chung trong thời kỳ hôn nhân được hiểu như thế nào?

Sau khi nam nữ đủ điều kiện kết hôn tiến tới hôn nhân và đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, quan hệ hôn nhân sẽ chính thức phát sinh, hôn nhân của họ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Cùng với sự thiết lập của quan hệ hôn nhân, việc đăng ký kết hôn còn kéo theo làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đồng thời, các khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân cũng là một trong các nghĩa vụ  đặt ra đối với vợ chồng.

Nợ là một thuật ngữ thường được sử dụng trong trường hợp phải thực hiện một nghĩa vụ hoàn trả hay đền bù về tài sản, vật chất. Nợ có thể được định nghĩa là khoản phải hoàn trả, bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan tại một thời điểm, phát sinh từ việc vay của chủ thể được phép vay theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo đó, nợ chung trong thời kỳ hôn nhân được hiểu là những khoản nợ phát sinh từ giao dịch của vợ chồng hoặc những khoản nợ đứng tên một trong hai bên vợ hoặc chồng sử dụng vì mục đích chung cho gia đình, con cái. Đối với những khoản nợ chung, vợ chồng phải có trách nhiệm cùng nhau trả nợ cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật.

2. Cách xác định nợ chung trong thời kỳ hôn nhân

Trước hết chúng ta cần xem xét đến mục đích phát sinh các nghĩa vụ của vợ, chồng hoặc của cả hai vợ chồng, đây là cơ sở đầu tiên quan trọng nhất để xác định các khoản nợ là nợ chung hay nợ riêng. Theo Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng và khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân về gia đình quy định về nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì trong trường hợp mục đích phát sinh nợ là vì đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới nghĩa vụ trả nợ.

Nợ chung trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.  Căn cứ Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Ở đây, nhu cầu thiết yếu được định nghĩa theo quy định tại Khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

Theo đó, nhu cầu thiết yếu của gia đình như: chi phí ăn uống cho gia đình, chi phí học tập của các con, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, xây dựng và sửa chữa nhà ở,… Do đó, nếu vợ hoặc chồng tự mình vay các khoản nợ nhằm mục đích trên thì dù biết hay không, có thỏa thuận trước hay không cả hai vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm. Trường hợp khoản vay không dùng vào mục đích trên mà dùng vào mục đích, nhu cầu cá nhân của vợ hoặc chồng như: đầu tư kinh doanh riêng, mua bán các vật dụng sử dụng cá nhân, ăn chơi sa đọa, cờ bạc rượu chè,… và có chứng cứ chứng minh việc những khoản vay này không được đưa vào sử dụng chung thì người còn lại không có nghĩa vụ liên đới đối với khoản vay đó.

Đối chiếu với các quy định trên, có thể thấy không chỉ nợ phát sinh từ những giao dịch do cả hai vợ chồng cùng xác lập mới là nợ chung. Bên cạnh đó, nợ chung trong thời kỳ hôn nhân còn bao gồm cả nợ từ các giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; từ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường …

3. Nguyên tắc giải quyết nợ chung trong thời kỳ hôn nhân

Như phân tích trên trường hợp khoản nợ phát sinh nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì sẽ được xác định đây là nợ chung. Theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng thì vợ chồng có trách nhiệm liên đới trong các nghĩa vụ chung về tài sản như: nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường.

Hơn nữa, theo khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về giải quyết nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn thì nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn. Dựa vào các quy định trên, nếu xác định các khoản nợ thuộc một trong các trường hợp này thì chắc chắn đây là nợ chung và dù một bên có biết việc phát sinh khoản nợ này hay không thì vẫn sẽ phát sinh nghĩa vụ liên đới trả nợ của cả hai vợ chồng ngay cả sau khi ly hôn.

Căn cứ Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn như sau:

“1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.

Dựa theo quy định trên, vợ chồng ly hôn không có nghĩa là các nghĩa vụ về tài sản của họ đối với người thứ ba đã chấm dứt. Nói cách khác, dù đã ly hôn, hai bên vợ chồng vẫn phải tiếp tục cùng chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản nợ chung trong thời kỳ hôn nhân.

Khi vợ chồng ly hôn, nợ chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ được giải quyết theo nguyên tắc được quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

Do vậy theo quy định này, đối với những khoản nợ được xác định là nợ chung trong thời kỳ hôn nhân thì cả vợ và chồng cùng có nghĩa vụ phải trả. Vợ chồng cùng với chủ nợ có thể thỏa thuận với nhau về nghĩa vụ trả khoản nợ chung đó. Trường hợp không thỏa thuận được thì khi Tòa án nhận định một khoản nợ là nợ chung trong thời kỳ hôn nhân thì nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đó sẽ được chia đôi, mỗi bên vợ chồng phải trả một phần.

Tuy nhiên, dù theo thỏa thuận hay Tòa án giải quyết, hai bên vợ chồng vẫn phải đảm bảo việc thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ thanh toán đối với các khoản nợ chung, đảm bảo quyền và lợi ích của người thứ ba có liên quan.

4. Nợ riêng được xác định cụ thể thế nào khi ly hôn?

Dựa vào các căn cứ nêu trên cũng xác định được khoản nợ riêng dẫn đến nghĩa vụ tự trả nợ (không phát sinh trách nhiệm liên đới) của một trong hai vợ, chồng. Theo đó, các khoản nợ không do hai bên cùng thỏa thuận mà do một bên tự ý xác lập thuộc các trường hợp sau thì có thể được xác định là nợ riêng: không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; không phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không để duy trì, không để phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; không phải nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định pháp luật; không phải thuộc trường hợp đại diện giữa vợ và chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Trong trường hợp này, người trực tiếp xác lập giao dịch với bên thứ ba phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với khoản nợ này và đồng thời không được dùng tài sản chung vợ chồng để thực hiện nghĩa vụ đó. Do đó, sau khi ly hôn thì người xác lập khoản nợ này phải tự mình dùng tài sản riêng để chịu trách nhiệm với bên thứ ba mà không phát sinh bất kì nghĩa vụ nào của người còn lại với bên thứ ba.

Tùy vào mục đích phát sinh các khoản nợ mà xác định khoản nợ chung, nợ riêng. Từ đó đặt ra vấn đề xác định người thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba, một trong hai vợ chồng sẽ chịu trách nhiệm riêng biệt hay cả hai vợ chồng cần có trách nhiệm liên đới thực hiện và tài sản dùng để thực hiện nghĩa vụ này là tài sản chung hay tài sản riêng.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com