Cán bộ quản lý giáo dục là gì? Vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục?

Cán bộ quản lý giáo dục là gì? Tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục? Vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục?

Giáo dục luôn luôn là một nền tảng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo, bên cạnh vấn đề về chất lượng giáo dục, những bất cập trong phát triển giáo dục cần nhìn nhận đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Đây một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

1. Cán bộ quản lý giáo dục là gì?

Cán bộ quản lý giáo dục được hiểu cơ bản là những người, những chủ thể có trách nhiệm thực hiện thành công các chương trình giáo dục; chịu trách nhiệm trong lập kế hoạch, tổ chức và đưa ra các chiến lược giáo dục cũng như phát triển nguồn lực của một tổ chức. Cán bộ quản lý giáo dục làm việc trên cơ sở hợp tác với nhân viên, cán bộ, giảng viên, giáo viên và các nhà quản lý khác ở các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trung tâm giáo dục để hiện thực hóa các chương trình giáo dục đã đặt ra.

Một cán bộ quản lý giáo dục thông thường sẽ đảm nhận các nhiệm vụ cơ bản sau đây: thực hiện các chương trình giáo dục; trang bị các nguồn lực cho trung tâm, khoa hay phòng giáo dục; chuẩn bị các báo cáo tài chính; đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe cho đội ngũ nhân viên; xây dựng chương trình; hỗ trợ đội ngũ nhân viên; tham dự hay chủ trì các cuộc họp quản trị hành chính.

Cán bộ quản lý giáo dục với những vai trò của mình sẽ là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục trên toàn đất nước. Để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt đó thì người cán bộ quản lý giáo dục phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức tốt. Hoạt động quản lý giáo dục hiện nay đòi hỏi chủ thể là người cán bộ quản lý giáo dục phải tiếp nhận và biết vận dụng nhiều phương pháp và phương tiện quản lý hiện đại phù hợp và có hiệu quả. Khi xã hội bước sang một thời kỳ mới, các cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực hiện thành công chính sách giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục.

Cán bộ quản lý giáo dục phải biết hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách cũng như cần phải quyết đoán và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tổ chức thực hiện minh bạch hóa các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và kĩ năng chủ yếu của các cán bộ quản lý giáo dục là giải quyết vấn đề đó một cách chính xác và hiệu quả.

2. Tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục:

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đó là Nhà nước ta cần phải đào tạo, bồi dưỡng các nhà quản lý và lãnh đạo cơ sở giáo dục để các cán bộ quản lý giáo dục trang bị cho mình đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực giải quyết những khó khăn nảy sinh trong thực tiễn như:

– Các cơ sở giáo dục là tổ chức sẽ cần được làm mới liên tục để nhằm mục đích có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Các nhà lãnh đạo và quản lý của các cơ sở giáo dục trên cả nước sẽ cần phải có năng lực và bản lĩnh để dẫn dắt các cơ sở giáo dục tồn tại, đổi mới và phát triển.

– Trước bối cảnh trong nước và quốc tế hiện đang có nhiều thay đổi trong hệ thống giáo dục, nhất là trong quản lý giáo dục. Đây là những thách thức, khó khăn đặt ra cho các nhà lãnh đạo và quản lý cơ sở giáo dục phải thích nghi và nâng cao chất lượng các hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người học, của cộng đồng và xã hội.

– Vai trò và chức năng lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục đang dần thay đổi và trở nên quan trọng hơn. Các cán bộ quản lý giáo dục bên cạnh những chức năng truyền thống, nhiều nhiệm vụ mới cần được bổ sung đối với người lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục như quản lý nguồn nhân lực, quản lý tài chính, mở rộng mối quan hệ hợp tác nội bộ và với các đối tác bên ngoài, tự chủ và chịu trách nhiệm đối với quá trình phát triển của cơ sở giáo dục từ khi thành lập, đi vào hoạt động, thể chế hóa và tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Trong giai đoạn hiện nay, các cán bộ quản lý giáo dục phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn như sau:

– Về phẩm chất: Cán bộ quản lý giáo dục cần phải có bản lĩnh chính trị, kiên định với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Cán bộ quản lý giáo dục cần có tư duy sáng tạo, biết tiếp thu cái mới, biết giữ gìn và kế thừa truyền thống giáo dục tốt đẹp của dân tộc.

– Về năng lực: trong công tác quản lý, cán bộ quản lý giáo dục sẽ cần phải là những người sẵn sàng đổi mới và có tầm nhìn chiến lược; có năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng và hội nhập, năng lực tiếp thu nhanh trong lĩnh vực quản lý hiện đại, năng lực kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, các cán bộ quản lý giáo dục cần được bổ sung và trau dồi các kỹ năng phục vụ công tác quản lý như: kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng quản lý dự án, phát triển chương trình, kỹ năng trình bày và giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, nghiên cứu, kết nối, xây dựng mạng lưới, khả năng cộng tác và thuyết phục.

3. Vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục:

Căn cứ Điều 18 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) quy định cụ thể như sau về vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục:

“1. Cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục.

2. Cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và thực hiện các chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước có kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.”

Thông qua quy định được nêu cụ thể bên trên, ta có thể thấy, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò của một người điều hành một hệ thống lớn và phức tạp, đồng thời sẽ phải thực thi các chính sách giáo dục đa dạng và mềm dẻo để giải quyết chủ động và sáng tạo các vấn đề mới nảy sinh như: Phân cấp quản lý, trách nhiệm xã hội, huy động nguồn lực, dân chủ hóa giáo dục, tin học hóa quản lý giáo dục. Cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn hiện nay cần phải đóng vai trò nhà chính trị để tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ và tổ chức.

Bên cạnh đó, cán bộ quản lý giáo dục còn có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

– Các cán bộ quản lý giáo dục có nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các hoạt động sau:

+ Xây dựng, kiểm tra thực hiện các qui định về chuẩn/khung năng lực; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục; quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

+ Các cán bộ quản lý giáo dục sẽ hướng dẫn xây dựng, thẩm định nội dung, chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục theo chuẩn/khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

+ Các cán bộ quản lý giáo dục sẽ hướng dẫn, kiểm tra công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục.

– Quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục:

+ Nhà nước ta có các chính sách nhằm xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên giáo dục.

+ Nhà nước ta có các chế độ, chính sách hướng dẫn xác định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập.

+ Nhà nước ta có các chế độ, chính sách hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền về thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo.

– Các cán bộ quản lý giáo dục có nhiệm vụ thực hiện dịch vụ công về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục, cụ thể đó là:

+ Biên soạn, thẩm định tài liệu bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục.

+ Hướng dẫn, kiểm tra bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn/khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

– Các cán bộ quản lý giáo dục sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Trong giai đoạn hiện nay, các cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và trách nhiệm của bản thân. Nhà nước ta cũng cần phải có kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm mục đích để có thể phát huy vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục. Điều này đòi hỏi người cán bộ quản lý giáo dục nói chung cần có những năng lực mới, đáp ứng nhiệm vụ quản lý đối với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Bên cạnh đó thì công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn đất nước cũng cần phải thay đổi để nâng cao chất lượng đội ngũ, cung cấp cho xã hội những cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với tình hình chung của đất nước và có nhân phẩm, hiểu biết sâu rộng, vững vàng kiến thức chuyên môn. Không những thế, đó phải là những cán bộ quản lý giáo dục biết tiếp nhận, vận dụng nhiều phương pháp và phương tiện quản lý hiện đại phù hợp và có hiệu quả.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com