Căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp

Căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp? Nội dung xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp? Ý nghĩa của sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp?

Như chúng ta đã biết thì sức mạnh thị trường phát sinh khi một hay một số doanh nghiệp không phải chịu sức ép cạnh tranh đáng kể nào và  sức mạnh thị trường đáng kể xảy ra khi giá vượt quá chi phí cận biên và chi phí trung bình dài hạn theo đó mà các doanh nghiệp sẽ tạo ra được lợi nhuận kinh tế. Vậy căn cứ vào đâu để có thể xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây của công ty Luật LVN Group chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết về nội dung này.

Cơ sở pháp lý:

Luật cạnh tranh 2018

Nghị định 35/2020/NĐ-CP

LVN Group tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

1. Căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp

Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:

+ Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan

+  Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp

+ Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác

+ Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ

+ Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật

+ Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng

+ Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

+ Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác

+ Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh

Như vậy căn cứ dựa trên quy định này chúng ta có thể thấy pháp luật đưa ra 09 yếu tố để có thể xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp cụ thể nào đó, Căn cứ dựa trên luật cạnh tranh và thực tiễn tư pháp sử dụng một loạt các thuật ngữ và định nghĩa khác nhau để xác định doanh nghiệp là đối tượng áp dụng các quy định về hành vi lạm dụng, bao gồm khái niệm thống lĩnh, độc quyền và mức độ đáng kể sức mạnh thị trường. Bất chấp tên gọi của nó là gì, các hệ thống thực thi cạnh tranh khác nhau đều đồng nhất quan điểm nên áp dụng các quy định về hành vi lạm dụng đối với doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể.

Như vậy thông qua đó chúng ta có thể thấy sự tồn tại khi sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp khác đối với doanh nghiệp thống lĩnh là không hiệu quả. Đối với những trường hợp như vậy, mọi quyết định của doanh nghiệp thống lĩnh đối với giá cả và sản lượng của riêng họ đều có thể ảnh hưởng đến toàn thị trường. Để phân biệt giữa sức mạnh thị trường bình thường, không đáng kể và loại sức mạnh thị trường cần tăng cường giám sát theo các quy định về hành vi lạm dụng, việc xác định tính bền vững của sức mạnh thị trường, nghĩa là việc duy trì sức mạnh thị trường trong một khoảng thời gian tương đối dài là khá quan trọng. Đánh giá tính bền vững của sức mạnh thị trường cho thấy phân tích rào cản gia nhập và mở rộng thị trường là một bước quan trọng trong việc xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp.

2. Nội dung xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp

Theo Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/05/2020) thì nội dung này được quy định như sau:

1. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh vào một hoặc một số yếu tố như sau:

a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan được đánh giá trên cơ sở so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan

b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được cánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh;

c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác được đánh giá dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định này;

d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ được, đánh giá căn cứ vào ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường;

đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh;

e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác được xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan;

i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.

2. Trong quá trình xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết.

Căn cứ dựa trên những quy định dưa ra của pháp luật cạnh tranh ở nước ta có thể thấy chủ yếu dựa vào thị phần của các doanh nghiệp liên quan để đánh giá sức mạnh thị trường và thống nhất lấy mức thị phần 30% làm thước đo để suy đoán sức mạnh thị trường của doanh nghiệp đó. Theo đó thì việc các bên thỏa thuận, giao dịch hay hành vi phản cạnh tranh được cho là chỉ có thể gây tác hại đáng kể đến cạnh tranh trên thị trường nếu các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận, giao dịch hay hành vi đó có sức mạnh đủ lớn trên thị trường, Như vậy nên trong tám loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, chỉ trừ ba loại thỏa thuận bị cấm trong mọi trường hợp, bất kể sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận, năm loại thỏa thuận còn lại chỉ bị cấm khi thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên

Trên thực tế có thể thấy việc áp dụng luật cạnh tranh cho đến nay, các cơ quan cạnh tranh Việt Nam chủ yếu căn cứ vào yếu tố thị phần và cấu trúc thị trường để suy đoán sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. Yếu tố rào cản thị trường cũng được tập trung phân tích mặc dù việc phân tích này là nhằm xác định thị trường địa lí liên quan chứ không phải để đánh giá sức mạnh thị trường.  Ví dụ cụ thể về sức mạnh thị trường là Apple Inc. Có thể thấy một điều rất rõ ràng là trong thị trường điện thoại thông minh thì hãng Apple không thể kiểm soát hoàn toàn thị trường, sản phẩm iPhone của họ chiếm thị phần đáng kể và giữ được lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Theo đó nên sản phẩm của Apple Inc có khả năng ảnh hưởng đến giá cả chung trên thị trường điện thoại thông minh.

3. Ý nghĩa của sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp

Như chúng ta đã thấy như trên chúng tôi phân tích thì đối với một công ty nắm giữ sức mạnh thị trường đáng kể có khả năng thao túng giá thị trường và từ đó kiểm soát tỉ suất lợi nhuận của công ty đó và đương nhiên công ty đó sẽ có là khả năng tăng trở ngại cho những người mới tham gia vào thị trường.

– Các công ty có sức mạnh thị trường thường được mô tả là “người tạo giá” bởi vì họ có thể thiết lập hoặc điều chỉnh giá thị trường của một mặt hàng mà không từ bỏ thị phần.

– Sức mạnh thị trường còn được gọi là sức mạnh định giá.

Như vậy nên có thể thấy ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở đây là sức mạnh thị trường chỉ phát sinh khi đặt trong mối quan hệ với thị trường. Sức mạnh thị trường có nghĩa rằng một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường sẽ được bảo vệ trước những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, những đối thủ bị ngăn cản không thể tham gia thị trường được, tuy nhiên thì đó cũng là một nội dung tích cực cũng chứa ẩn những sự tiêu cực.

Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Căn cứ xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp” và các thông tin pháp lý liên quan dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com