Quy định về chấm dứt bảo lãnh? Quy định về việc miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh? Quy định trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh?
Hiện nay nhằm mục đích để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và đảm bảo tính pháp lý thì pháp luật nước ta đã ban hành các quy định cụ thể về các trường hợp mang tính đảm bảo. Chế định bảo lãnh được xem là một hình thức đảm bảo cho các bên và được sử dụng phổ biến trong thực tế hiện nay đặc biệt trong một số lĩnh vực như ngân hàng, mua bán, cho thuê mượn,… Trong một số trường hợp cụ thể thì việc bảo lãnh sẽ chấm dứt. Tuy nhiên các bên khi tham gia giao dịch lại chưa hiểu rõ về những trường hợp này dẫn đến những thiệt hại cho chính mình và những người xung quanh. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giúp người đọc tìm hiểu chấm dứt bảo lãnh là gì và các quy định về chấm dứt bảo lãnh?
LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191
1. Quy định về chấm dứt bảo lãnh:
Bảo lãnh được hiểu là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được pháp luật dân sự ghi nhận nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong giao dịch dân sự. Khi áp dụng biện pháp bảo lãnh, các bên trong giao dịch cần có những hiểu biết nhất định về biện pháp bảo đảm nói chung và biện pháp bảo lãnh nói riêng trước khi các chủ thể thực hiện việc ký các giao dịch, thỏa thuận. Biện pháp bảo lãnh ra đời vừa đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên, vừa đảm bảo giảm thiểu được các tranh chấp phát sinh không đáng có.
Theo Điều 343 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về chấm dứt bảo lãnh có nội dung cụ thể như sau:
“Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.
2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
4. Theo thỏa thuận của các bên”.
Bảo lãnh được hiểu cơ bản là việc người thứ ba thực hiện một cam kết với bên có quyền rằng mình sẽ thực hiện nghĩa vụ thay thế cho bên có nghĩa vụ trong trường hợp nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên bảo không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Căn cứ vào quy định tại Điều 343 Bộ Luật dân sự năm 2015 ta có thể thấy biện pháp bảo đảm chấm dứt trong bốn trường hợp cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt:
Mục đích sử dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cụ thể là bảo lãnh là để nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền, và nó mang tính dự phòng cho việc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, đồng thời nó cũng ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do sự vi phạm nghĩa vụ của bên nghĩa vụ gây ra. Chính vì thế nên việc nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt thì việc bảo lãnh (hay các biện pháp bảo đảm khác) cũng chấm dứt là điều đương nhiên bởi vì thời hạn tồn tại bảo lãnh là thời hạn tồn tại nghĩa vụ được bảo lãnh.
Nghĩa vụ bảo lãnh sẽ chấm dứt trong trường hợp bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh, hoặc các bên thỏa thuận về việc chấm dứt nghĩa vụ. Biện pháp bảo lãnh phát sinh đồng thời với nghĩa vụ chính, hợp đồng bảo lãnh là hợp đồng phụ và nó tồn tại song song với hợp đồng chính. Do đó, khi hợp đồng chính đã hết hiệu lực pháp luật, thì hợp đồng bảo lãnh cũng chấm dứt theo.
– Thứ hai: Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác:
Hủy bỏ hợp đồng có thể hiểu là chấm dứt hiệu lực của hợp đồng đã được giao kết trước đó theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật nước ta.
Theo khoản 1 Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hậu quả của hủy bỏ hợp đồng có nội dung cụ thể là:
“Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”.
Chính bởi vì vậy, khi hợp đồng bảo lãnh bị hủy bỏ thì các bên không cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với nhau, theo đó, bên bảo lãnh không cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình với bên có quyền nữa. Khi thỏa thuận xác lập biện pháp bảo lãnh, các bên có thể ghi nhận trong hợp đồng các trường hợp hủy bỏ hợp đồng, vì vậy, khi một bên vi phạm nghĩa vụ đó thì hợp đồng xem như bị hủy bỏ. Nếu hành vi vi phạm đó mà gây thiệt hại cho bên còn lai, thì dù hợp đồng đó đã bị hủy bỏ nhưng bên vi phạm vẫn phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Khi các bên đã xác lập biện pháp bảo lãnh, các bên vẫn có thể thỏa thuận thay thế biện pháp bảo đảm đã xác lập bằng một biện pháp bảo đảm mới. Thay thế có thể hiểu là việc vứt bỏ cái cũ, cái mới được thay thế vào, hiệu lực chuyển từ cái cũ sang cái mới. Chính bởi vì vậy, khi các bên thay thế biện pháp bảo lãnh bằng biện pháp bảo đảm mới thì biện pháp bảo lãnh xem như chấm dứt hiệu lực.
Trong cả hai trường hợp được nêu trên thì biện pháp bảo lãnh đều chấm dứt. Tuy nhiên việc chấm dứt việc bảo lãnh trong hai trường hợp này có sự khác biệt với nhau.
+ Ở trường hợp chấm dứt việc bảo lãnh khi việc bảo lãnh được các bên thỏa thuận hủy bỏ thì lúc này quan hệ nghĩa vụ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền trở thành quan hệ nghĩa vụ không có biện pháp bảo đảm.
+ Còn trong trường hợp chấm dứt việc bảo lãnh do các bên thỏa thuận thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác thì quan hệ nghĩa vụ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền vẫn là quan hệ nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm (nhưng bảo đảm bằng biện pháp bảo đảm khác không phải bảo lãnh).
– Thứ ba: Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:
Việc bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh có thể được hiểu như sau:
+ Thứ nhất: Bên bảo lãnh đã tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
+ Thứ hai: Cơ quan có thẩm quyền đã cưỡng chế bên bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Và khi nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện xong thì đương nhiên quan hệ bảo lãnh chấm dứt.
Bảo lãnh được xác lập để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ chính, khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ, thì bên bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện thay theo quy định tại Điều 342 Bộ luật dân sự năm 2015. Khi bên bảo lãnh đã hoàn tất nghĩa vụ cho bên nhận bảo lãnh, thì nghĩa vụ xem như chấm dứt. Bản chất của bảo lãnh là đáp ứng nhu cầu được thanh toán của bên có quyền.
Chính bởi do vậy khi quyền lợi của bên nhận bảo lãnh được thỏa mãn thì bên bảo lãnh không cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp này làm phát sinh quan hệ hoàn trả của bên được bảo lãnh với bên bảo lãnh, theo quy định cụ thể được quy định tại Điều 340 Bộ luật dân sự năm 2015.
– Thứ tư: Việc bảo lãnh chấm dứt theo thoả thuận của các bên:
Xác lập biện pháp bảo lãnh sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của các bên, cho nên pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận đó. Do đó khi các bên thỏa thuận chấm dứt việc bảo lãnh thì việc bảo lãnh sẽ chấm dứt (trừ trường hợp pháp luật không cho phép thỏa thuận chấm dứt việc bảo lãnh).
Bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh có thể thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt biện pháp bảo lãnh. Khi biện pháp bảo lãnh chấm dứt thì nghĩa vụ không có biện pháp bảo đảm, cho nên bên có nghĩa vụ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền nếu vi phạm nghĩa vụ.
Ta nhận thấy, việc đưa ra quy định về các trường hợp là chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh có vai trò quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ bảo lãnh.
2. Quy định về việc miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:
Pháp luật hiện hành quy định về việc miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau:
– Trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
– Trong trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
– Còn đối với trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.
3. Quy định trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh:
Pháp luật dân sự quy định trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh với nội dung cụ thể như sau:
“1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoặc bên được bảo lãnh thực hiện không đúng nghĩa vụ, hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì trong những trường hợp này, bên bảo lãnh sẽ phải thực hiện thay nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh, nghĩa vụ phải thực hiện thay có thể là nghĩa vụ trả tiền hoặc nghĩa vụ làm một công việc mà các bên đã thỏa thuận.
Trong trường hợp khi bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh mà gây thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh, thì bên bảo lãnh phải thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại. Cần lưu ý đối với nghĩa vụ trả tiền mà bên bảo lãnh đã chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên nhận bảo lãnh thì phải trả lãi trên số tiền chậm phải trả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc Bộ luật dân sự năm 2015 đưa ra quy định về trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh cho thấy bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự. Cần lưu ý rằng đối với việc không thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bên nhận bảo lãnh chứng minh được có thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật hiện hành.