Chồng đang đi tù, đang chấp hành án, vợ có được bán nhà không?

Chồng đang đi tù, đang chấp hành án, vợ có được bán nhà không? Điều kiện mua bán tài sản chung của vợ chồng khi chồng/vợ đang đi tù?

Tôi và chồng tôi có một tài sản chung là một mảnh đất có diện tích 360 m2, được hai vợ chồng tôi mua sau khi cưới nhau. Tuy nhiên, hiện nay chồng tôi đang phải đi chấp hành án phạt tù, do gia đình có điều kiện khó khăn nên tôi muốn bán phần tài sản này. Vậy trong trường hợp này tôi có bán được mảnh đất này không? Và cách thức thực hiện như thế nào? Mong các LVN Group tư vấn giúp tôi.

LVN Group tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT LVN. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT LVN xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Luật hiến pháp năm 2013

Bộ luật hình sự năm 2015

Nội dung tư vấn:

1. Quy định của pháp luật về chế đột tài sản của vợ chồng

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nhiều điểm mới so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, trong đó có điểm mới về chế độ tài sản của vợ chồng. Cụ thể, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bổ sung quy định về các nguyên tắc chung trong áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng, trong đó vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Quy định chi tiết nội dung này, Nghị định 126/2014/NĐ-CP bổ sung một số quy định cụ thể về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định và chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, Nghị định quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật gồm:

– Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ;

– Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;

– Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:

– Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng);

-Tài sản màvợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước;

– Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định về đăng ký tài sản chung

Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung là:

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Luật cũng quy định rõ việc đăng ký tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định tại Điều 34 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm quyền sử dụng đất, những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu.
Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
Trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung.
Nghị định cũng quy định rõ về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Cụ thể, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

2. Những quyền bị hạn chế của người đang chấp hành hình phạt tù

Theo Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực. Luật Thi hành án Hình sự 2010, ngay ở phần nguyên tắc thi hành án hình sự đã nêu rõ: “tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án”. Người chấp hành án phạt tù được hưởng các quyền công dân chỉ trừ một những quyền bị pháp luật hoặc Tòa án tước.

Theo đó, căn cứ Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tước một số quyền công dân như sau:

“1. Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.”

Như vậy, nếu không bị pháp luật hoặc Tòa án tước hay hạn chế quyền sở hữu tài sản thì người đang chấp hành án vẫn có các quyền đối với tài sản.

3. Chồng đi tù, vợ có được bán nhà không?

Như đã phân tích ở trên, trong trường hợp người chồng đang đi tù thì người vợ có quyền bán nhà hay không còn tùy thuộc vào quyền tài sản:

**Trường hợp nếu là tài sản riêng của người vợ- tài sản có được trước khi đăng ký kết hôn, hoặc được hình thành trong thời ký hôn nhân nhưng là được tặng cho, thừa kế riêng thì tài sản đó người vợ tự có quyền quyết định mà không cần có sự đồng ý của người chồng căn cứ vào quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng tại điều Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”

**Trường hợp tài sản đó là tài sản chung của hai vợ chồng. Thì khi làm thủ tục mua bán tài sản người vợ phải được sự đồng ý của người chồng. Vì căn cứ theo tại Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”

Trình tự thủ thủ tục cụ thể:

Căn cứ Khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.”

Như vậy người chồng có thể ủy quyền cho vợ trong việc thực hiện các giao dịch mua bán nhà, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản công chứng, chứng thực.

Khoản 2 Điều 44 Luật công chứng 2014 quy định: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”

Căn cứ các quy định trên thì bạn có thể thay mặt chồng thực hiện thủ tục mua bán nhà thông qua hợp đồng ủy quyền và bạn có thể cùng với đại diện cơ quan công chứng đến trại giam để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Như vậy, dựa theo những phân tích nêu trên, tài sản của bạn là tài sản chung – được hình thành sau khi hai vợ chồng bạn đăng ký kết hôn với nhau. Nên trong trường hợp này chồng bạn có thể ủy quyền cho bạn thực hiện thủ thủ tục mua bán bất động sản, và văn bản ủy quyền này phải được công chứng. Việc công chứng có thể được thực hiện tại chính nơi mà chồng bạn đang thực hiện thi hành án, bằng cách liên hệ với phòng công chứng để họ công chúng di động tại nơi chồng bạn đang chấp hành án.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com