Chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước

Chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước là gì? Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước? Miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước?

Hiện nay, với nền kinh tế thị trường cùng hội nhập quốc tế, những quy định về pháp luật doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng nới lỏng, dẫn tới việc thu hút nhiều doanh nghiệp ra đời với đủ các loại hình hoạt động, trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Và một trong những yếu tố cần thiết để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả là có người đứng đầu điều hành, quản lý công việc kinh doanh hàng ngày, gọi là Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc những quy định của pháp luật đối về chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

Cơ sở pháp lý  Luật Doanh nghiệp 2020

1. Chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước là gì?

Trước tiên, ta cần phải biết doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp như thế nào. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 tại Điều 88 thì:

– Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Cũng giống như nhiều loại hình doanh nghiệp khác, đối với chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước sẽ có 2 hình thức như sau:

– Thứ nhất, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm.

Theo đó, trong doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ quyết định bổ nhiệm Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty để nhân danh doanh nghiệp nhà nước thực hiện các quyền của đại diện chủ sở hữu, trong đó có việc bổ nhiệm Giám đóc, Tổng giám đốc để thực hiện việc điều hành các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp nhà nước.

– Thứ hai, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước được thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Hiện nay, với nguồn vốn dồi dào khiến các nhà đầu tư liên tục tìm kiếm những cơ hội để mở rộng kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận. Việc mở động này đồng thời phải cần và gắn liền với khả năng điều hành, quản lý các hoạt động của công ty. Chính vì vậy mà vị trí của các Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ngày càng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của doanh nghiệp. Với nhu cầu của thị trường hiện nay, việc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc cũng trở nên phổ biến hơn nhằm đáp ứng các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với hình thức này thì cần phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Một cá nhân khi đã có chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc sẽ có nhiệm vụ điều hành các hoạt động hằng ngày của công ty và có quyền hạn, nghĩa vụ sau đây:

– Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty;

– Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty;

– Quyết định các công việc hằng ngày của công ty;

– Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chấp thuận;

– Bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

– Ký kết hợp đồng, giao dịch nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

– Lập và trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh doanh; báo cáo tài chính;

– Kiến nghị phân bổ và sử dụng lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;

– Tuyển dụng lao động;

– Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty;

– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Từ những phân tích trên, bạn đọc phần nào có cái nhìn cơ bản về doanh nghiệp nhà nước là gì và chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước được hình thành như thế nào, họ có những nhiệm vụ cũng như quyền hạn gì trong doanh nghiệp nhà nước.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước?

Để bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc, Tổng giám đốc thì cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định do pháp luật quy định, cụ thể tại Điều 101 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp.

Theo đó, khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các trường hợp không được quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.

Đây được xem là một trong những điều kiện để Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có thể đáp ứng những yêu cầu về kiến thức, chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh lực, ngành nghề mà công ty đang hoạt động để thực hiện được tốt nhất khả năng của mình, từ đó giúp công ty phát triển. Trường hợp người đó không có trình độ chuyên môn hay kinh nghiệm trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh cùng loại với công ty nhưng lại có trình độ, chuyên môn trong quản trị các hoạt đông kinh doanh thì cũng là yếu tố được pháp luật cho phép.

– Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.

Quy định này nhằm giúp doanh nghiệp nhà nước tuyển chọn được những người Giám đốc, Tổng giám đốc thật sự tài năng, có thực lực, trình độ chuyên môn cao đủ sức để có thể quản lý và điều hành doanh nghiệp chứ không phải dựa vào mối quan hệ thân thiết trong công ty để lên nắm quyền.

– Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác.

– Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.

Việc kiêm nhiệm chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vừa của doanh nghiệp nhà nước, vừa của doanh nghiệp khác không được pháp luật cho phép. Trường hợp phát hiện Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước cũng đang kiêm nhiệm chức danh này ở một doanh nghiệp khác thì người này ngay lập tức bị miễn nhiệm.

– Tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

Thông qua những phân tích trên, bạn đọc cần nắm rõ những điều kiện, tiêu chuẩn để có thể giữ chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong doanh nghiệp nhà nước. Những tiêu chuẩn, điều kiện này là tiền đề để bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước và cũng là cơ sở để miễn nhiệm Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước.

3. Miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước?

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc vẫn có thể bị miễn nhiệm, cách chức.

– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị miễn nhiệm trong trường hợp sau đây:

+ Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 101 của Luật này;

+ Có đơn xin nghỉ việc.

– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị xem xét cách chức trong trường hợp sau đây:

+ Doanh nghiệp không bảo toàn được vốn theo quy định của pháp luật;

+ Doanh nghiệp không hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh hằng năm;

+ Doanh nghiệp vi phạm pháp luật;

+ Không có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp;

+ Vi phạm một trong số các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý;

+ Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

Tóm lại, Giám đốc, Tổng giám đốc là những người có vị trí quan trọng hàng đầu trong doanh nghiệp nên những quy định của pháp luật đưa ra đối với những vấn đề liên quan đến Giám đốc, Tổng giám đốc rất chặt chẽ. Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về chức danh Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, từ đó giúp bạn đọc nắm được và hiểu rõ về vấn đề này để phục vụ công việc của mình.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com