Có được đổi tên khai sinh của con chỉ vì không thích tên đó nữa? Trường hợp được phép thay đổi họ tên? Thay đổi tên vì tên xấu ảnh hưởng đến cuộc sống.
Hiện nay, nhiều người có nhu cầu đổi tên cho con do tên xấu, không phù hợp với phong thủy vậy có được đổi tên khai sinh của con chỉ vì không thích tên đó nữa?
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật dân sự 2015
Luật hộ tịch 2014
Nội dung tư vấn:
1. Quy định của pháp luật khi thay đổi tên cho con
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi tên của một cá nhân như sau:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.”
Tên gọi là một trong những yếu tố cá biệt hóa cá nhân. Từ khi sinh ra, cá nhân đã có quyền có họ, tên nhưng không phải trong mọi trường hợp mà cả cuộc đời, cá nhân đó đều gắn với một tên gọi duy nhất mà cá nhân có quyền thay đổi tên gọi khác với tên gọi của mình. Quyền thay đổi tên được quy định cụ thể tại Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015 gồm những nội dung sau:
+) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Đây là trường hợp tên gọi của cá nhân mang ý nghĩa không tốt đẹp hay những tên gọi thiếu văn hóa, thiếu thuần phong mỹ tục. Thực tế, từ nhiều năm qua đã có không ít các ông bố, bà mẹ khi sinh ra đứa con của mình đã bị một biến cố tâm lý nào đó và do nhận thức chưa đầy đủ, tỉnh táo nên đã đặt cho con mình với những cái tên rất kinh dị như: Trần Ngọc Quá Đẹp Trai, Lò Vi Sóng, Phạm Thị Lâu Ra…điều này ảnh hưởng đến tâm lý của đứa con khi đến tuổi trưởng thành. Cũng theo truyền thống đặt tên của người Việt Nam, tên của con cháu không được phép đặt trùng với tên của các bậc bề trên trong gia đình, dòng họ. Nhiều cha mẹ vì không nắm được thông tin đầy đủ về tên gọi của những người đã khuất trong gia đình (ông tứ đại, ông tam đại, bà cô tổ, bà cô tại gia,ông bà, cha chú…nên dẫn đến việc đặt tên cho con trùng với tên gọi của một trong những người đó dẫn đến bất hòa, căng thẳng trong gia đình, làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.
+) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt. Cũng tương tự như đối với trường hợp thay đổi họ, việc thay đổi tên trong trường hợp này phù hợp với tâm lý, mong muốn của cha, mẹ nuôi cũng như cha, mẹ đẻ khi quan hệ nhận nuôi con nuôi được xác lập hoặc chấm dứt.
+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con. Trong trường hợp cá nhân được xác định cha, mẹ cho con theo pháp luật hôn nhân và gia đình, cá nhân đó có quyền thay đổi họ, tên, phù hợp với họ, tên của cha đẻ, mẹ đẻ. Vì vậy, bên cạnh quyền thay đổi họ (đã được quy định tại Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015), cá nhân luôn có quyền thay đổi tên trong trường hợp này.
+ Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình. Trường hợp cá nhân tìm ra được nguồn gốc huyết thống của mình và biết được chính xác họ của mình thì cá nhân có quyền yêu cầu thay đổi họ (như quy định tại Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015) và yêu cầu thay đổi tên hiện tại của mình cho phù hợp.
+) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi. Việc thay đổi tên hoặc lấy lại tên của cá nhân vợ, chồng là công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân với người nước ngoài có mục đích bảo đảm cho sự hòa nhập vào cuộc sống gia đình và truyền thống xã hội của quốc gia mà cá nhân người Việt Nam là con dâu hoặc con rể. Điều này cũng tương tự đối với các trường hợp khôi phục lại tên của vợ, chồng là công dân Việt Nam khi quay về sinh sống ở trong nước.
+) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính. Tên gọi của cá nhân cũng là một trong những yếu tố để nhằm suy đoán giới tính cá nhân là người đó là giới tính nam hay giới tính nữ. Chẳng hạn như, tên gọi của Nữ thương là: Hoa, Huệ, Lan, Mai, Hoa, Đào, Cúc, Thu, Xuân.. và tên đệm phổ biến ở đằng trước tên chính thường là “Thị”; còn tên gọi của Nam thường là: Hùng, Thắng, Dũng, Mạnh, Quang, Sơn, Long…và tên đệm ở đằng trước tên chính thường là “Văn”. Do đó, việc pháp luật thừa nhận việc xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính là căn cứ để thay đổi tên gọi là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho những người xác định lại giới tính và người đã chuyển đổi giới tính nhằm tránh sự không tương thích giữa tên gọi và giới tính, từ đó sẽ gây ra những rắc rối về đời sống sinh hoạt cho những người đã xác định lại giới tính và những người đã chuyển đổi giới tính. Quy định này hoàn toàn tương thích với nội dung của Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015 về việc chuyển đổi giới tính của cá nhân. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, cá nhân chỉ được thay đổi tên gọi trong trường hợp này khi cá nhân “đã xác định lại giới tính” hoặc “chuyển đổi giới tính”; còn đối với các trường hợp cá nhân mới có ý định xác định lại giới tính, thay đổi giới tính hoặc đang trong quá trình tiến hành việc xác định lại giới tính, thay đổi giới tính thì không được quyền thay đổi tên theo căn cứ này.
Cũng tương tự như đối với việc thay đổi họ, việc thay đổi tên của cá nhân từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Vì với độ tuổi này, cá nhân đã có sự nhận thức nhất định, đã biết (có khả năng) thể hiện ý kiến, nguyện vọng của mìn. Quy định này đã thể hiện sự tôn trọng ý kiến của chính người được thay đổi tên cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chính cá nhân. Các quyền, nghĩa vụ dân sự mà cá nhân đã xác lập theo tên cũ không bị ảnh hưởng mà vẫn được giữ nguyên khi cá nhân thay đổi tên gọi.
Do đó, nếu trường hợp chỉ vì tên xấu, bản thân không thích thì không được quyền thay đổi tên. Tuy nhiên, nếu tên xấu đó ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của của người đó thì tên xấu có thể được đổi sang tên khác. Trong trường hợp này, người yêu cầu đổi tên phải cung cấp giấy tờ làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
2. Thủ tục thay đổi tên
Căn cứ các quy định tại Điều 26, 45 và 46 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch và thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác nhận lại dân tộc thì: thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cư theo quy định của pháp luật dân sự; Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.
2.1 Trình tự thực hiện
– Người có yêu cầu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước, xác định lại dân tộc.
– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai của giấy tờ trong hồ sơ.
Cách thức thực hiện: Người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện; có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả củ UBND cấp huyện có thẩm quyền.
2.2 Thành phần hồ sơ
a) Giấy tờ phải xuất trình gồm:
– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký trong trường hợp cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc không phải tại UBND cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).
Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.
b) Giấy tờ phải nộp gồm:
– Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc theo mẫu.
– Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.
– Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ của người ủy quyền.
Thời hạn giải quyết là 3 ngày làm việc đối với việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 6 ngày làm việc.
Lệ phí 25.000 đồng/trường hợp.
Mọi giấy tờ nội dung phải phù hợp Giấy khai sinh
Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:
“Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hộ tịch, Giấy khai sinh được xem là giấy tờ hộ tịch gốc, mọi hồ sơ, giấy tờ có liên quan khác đều phải có nội dung phù hợp với Giấy khai sinh. Nếu các giấy tờ khác có thông tin khác với Giấy khai sinh thì phải liên hệ để điều chỉnh lại các giấy tờ đó cho phù hợp với Giấy khai sinh.