Có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba không?

Có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba không? Quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba khi được nhượng quyền thương mại lại?

Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhượng quyền thương mại đang là xu hướng được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn để mở rộng quy mô kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả cao về kinh tế cũng như giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, xuất phát từ những lợi ích đối lập mà hình thức thương mại này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả hai bên, bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền, nhất là khi xuất hiện chủ thể thứ ba tham gia vào quan hệ nhượng quyền thương mại. Vậy, đối với những thương nhân nhận quyền thương mại từ bên nhượng quyền, họ có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba nếu muốn hay không? Bài viết này sẽ giải quyết thắc mắc được nhiều người quan tâm là có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba không?

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

Cơ sở pháp lý

– Luật Thương mại năm 2005

– Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại

– Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh thuộc quản lý nhà nước của Bộ Công Thương

1. Có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba không?

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện do pháp luật quy định. Mối quan hệ nhượng quyền thương mại có thể được mở rộng đối với bên thứ ba trong trường hợp bên nhận quyền thực hiện việc nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba.

Theo quy đinh tại Điều 290 Luật Thương mại năm 2005 về nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba thì “bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền”.

Từ quy định của pháp luật, ta có thể thấy được bên nhận quyền hoàn toàn có quyền nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba. Sở dĩ bên nhận quyền có quyền này bởi lẽ hợp đồng nhượng quyền thương mại bản chất vẫn là sự thỏa thuận của các bên. Các bên có thể thỏa thuận tất cả những gì liên quan, phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, thâm chí là cho phép mở rộng và thay đổi mối quan hệ nhượng quyền thương mại với sự tham gia của bên thứ ba.

Tuy nhiên, việc có quyền và việc có điều kiện để thực hiện quyền là hai vấn đề khác nhau. Bên nhận quyền thương mại có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba nhưng vẫn cần đáp ứng một số điều kiện nhất định do pháp luật quy định, cụ thể như sau:

Nếu như trước đây, Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại quy định tại Điều 15 là bên thứ ba cần đáp ứng điều kiện là thương nhận có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.

Ví dụ: Đối với công ty nước ngoài thì mục tiêu đầu tư với nội dung hoạt động nhượng quyền thương mại được quy định tại CPC 892 của biểu cam kết WTO. Khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh công ty lựa chọn mã ngành 5629 Dịch vụ ăn uống khác nếu hoạt động nhượng quyền thương mại liên quan đến nhà hàng, quán ăn hoặc lựa chọn các mã ngành kinh tế khác nếu doanh nghiệp nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực khác.

Bây giờ, với sự ra đời của Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh thuộc quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã bãi bỏ điều kiện này. Theo đó, với quy định của pháp luật hiện hành bên thứ ba không cần phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.

Tuy nhiên, việc nhượng quyền vẫn phải tuân theo một điều kiện, đó là được sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Theo đó, yếu tố quan trọng đối với vấn đề nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba là sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Vậy câu hỏi đặt ra là có phải trong bất kỳ trường hợp nào, với ý chí chủ quan của mình thì bên nhượng quyền đều có quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận việc nhượng quyền lại cho bên thứ ba của bên nhận quyền? Nếu không thì khi nào bên nhượng quyền được từ chối, không chấp thuận việc bên nhận nhượng quyền nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba?

Để có câu trả lời cho vấn đề này, Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại tại khoản 3 Điều 15 đã quy định như sau: Bên nhượng quyền trực tiếp chỉ được từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của bên nhận quyền khi có một trong các lý do sau đây:

– Bên thứ ba không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính mà bên thứ ba phải thực hiện theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

– Bên thứ ba chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên nhượng quyền trực tiếp;

– Việc chuyển giao quyền thương mại sẽ có ảnh hưởng bất lợi lớn đối với hệ thống nhượng quyền thương mại hiện tại;

– Bên thứ ba không đồng ý bằng văn bản sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của bên nhận quyền theo hợp đồng nhượng quyền thương mại; (Ví dụ như không đồng ý về giá bán sản phẩm, địa điểm kinh doanh, nguồn nguyên liệu, các dịch vụ đi kèm,…)

– Bên nhận quyền chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với bên nhượng quyền trực tiếp, trừ trường hợp bên thứ ba cam kết bằng văn bản thực hiện các nghĩa vụ đó thay cho bên nhận quyền. (Ví dụ như bên thứ ba cam kết sẽ đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao)

Thứ ba, về thủ tục nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba:

Bên nhận quyền phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc chuyển giao quyền thương mại cho bên nhượng quyền trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của bên nhận quyền, Bên nhượng quyền trực tiếp phải có văn bản trả lời trong đó nêu rõ:

– Chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của bên nhận quyền;

– Từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của bên nhận quyền theo các lý do đã trình bày ở phần phía trên.

Trong thời hạn 15 ngày nêu trên, nếu bên nhượng quyền trực tiếp không có văn bản trả lời thì được coi là chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của bên nhận quyền. Đây được xem là quy định phổ biến của luật dân sự. Sự im lặng được xem là đồng ý. Nếu bên nhượng quyền không thể hiện ý chí của mình bằng văn bản và gửi cho bên nhận quyền trong một thời hạn quy định thì được xem là đồng ý với việc nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba của bên nhận quyền.

Những phân tích trên đã thể hiện và trả lời đầy đủ cho câu hỏi có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba hay không. Ngoài ra, thông qua những phân tích trên, bạn đọc còn nắm được những điều kiện (ngành nghề kinh doanh của bên thứ ba, sự chấp thuận của bên nhượng quyền trực tiếp) hay thủ tục nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba.

2. Quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba khi được nhượng quyền thương mại lại?

Bên chuyển giao quyền thương mại lại cho bên thứ ba sẽ mất quyền thương mại đã chuyển giao và mọi quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền thương mại của bên chuyển giao được chuyển cho bên thứ ba.

Khi được nhượng quyền thương mại lại, bên thứ ba sẽ có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền, cụ thể:

Thứ nhất, quyền của bên thứ ba được nhượng quyền thương mại lại: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:

– Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;

– Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

Thứ hai, nghĩa vụ của bên thứ ba được nhượng quyền thương mại lại: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:

– Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

– Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

– Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;

– Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;

– Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;

– Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;

– Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com