Có được thách cưới không? Thách cưới quá cao bị xử lý như thế nào? Phong tục thách cưới có quy định của pháp luật không?
Trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam bao gồm rất nhiều thủ tục và nghi lễ khác nhau. Trong các lễ dạm ngõ và lễ ăn hỏi, có một khoản tiền mà nhà trai phải mang qua nhà gái được gọi là tiền nạp tài, tiền dẫn cưới hay tiền thách cưới. Vậy có được thách cưới không Thách cưới quá cao bị xử lý như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Nghị định 167/2013/NĐ-CP Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
Nội dung tư vấn:
1. Tiền thách cưới là gì?
Một trong những nghi thức không thể thiếu trong đám cưới chính là lễ nạp tài. Lễ nạp tài được tiến hành đồng thời trong lễ ăn hỏi.
Trong lễ nạp tài, nhà trai sẽ chuẩn bị một phong bì tiền gọi là nạp trài. Người ta còn gọi tiền này là tiền dẫn cưới, tiền thách cưới, lễ tiền đen.
Khoản tiền dẫn cưới này sẽ được cho vào bao lì xì đỏ để mang sang nhà gái cùng với đồ sính lễ.
Ý nghĩa của tiền dẫn cưới:Tiền dẫn cưới được coi như món quà, là lời cám ơn chân thành của nhà trai dành cho nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về. Xét về mặt ý nghĩa khác, số tiền này cũng được xem như là nhà trai góp một phần công sức, tiền của vào việc chăm lo cho con dâu trước ngày thành hôn. Nhà gái có thể sử dụng số tiền này để chuẩn bị đám cưới, hoặc được đưa cho cô dâu để sắm sửa quần áo, tư trang trước khi về nhà chồng.
Thời nay tôn trọng tự do luyến ái hôn nhân, luật hôn nhân trong chế độ mới đã giải phóng cho nam nữ thanh niên nhưng luật tục vẫn gò bó, trói buộc. Thách cưới cũng chính là một lệ tục lạc hậu, rơi rớt lại, trói buộc cả nhà trai lẫn nhà gái. Trong tục lệ cưới hỏi bất luận thời xưa hay ngày nay, đã là “thách” thì đa phần là dở nhưng là dở nhiều hay dở ít mà thôi.
Như đã nói ở trên, trong lễ nạp tệ, nhà gái có quyền đòi hỏi yêu cầu nhiều thứ, từ các đồ quí về trang sức như vòng, xuyến, hoa tai, xà tích, quần áo, bạc trắng, tiền giấy, gạo, lợn, rượu…
Tục lệ cho thấy, đã gọi là “thách” thì nhà gái thường nói đội lên những yêu cầu rất cao về các đồ sính lễ. Nhà trai tùy khả năng có thể mà đáp ứng, có khi bên nhà gái đòi mười, bên nhà trai chỉ có hai, ba nên thậm chí sẽ xảy ra cảnh cò kè bớt một thêm hai.
Nếu hai bên nhà trai nhà gái đi lại nhiều năm, đã hiểu và thông cảm cho nhau, cùng nhau hợp lực vun đắp cho hạnh phúc đối phương nhưng cũng không thể mang tiếng là “cho không” nên sẽ tìm phương án phù hợp nhất để toại lòng tất cả. Cũng có biệt lệ là bố mẹ cô dâu phải xuất ra gấp năm gấp mười lần và sau khi thành thân còn cho con gái con rể nhiều thứ nhưng khi gặp mặt làm lễ vẫn phải lớn tiếng thách cưới cao để tránh xì xào, đàm tiếu của người đời.
Trường hợp xấu nhất, nhà trai không thể đáp ứng được đầy đủ, việc cưới xin đành phải tạm hoãn, nếu thực tình không cố được họ sẽ buộc phải chối từ hôn sự dù khá vất vả mới đi được tới bước này. Những cảnh huống như vậy, về tình cảm cả hai bên đều sẽ tổn thương ít nhiều. Nhưng thật ra nỗi thiệt thòi lớn nhất chính lại rơi vào thân phận người con gái, bởi xã hội khi ấy coi rằng, người này đã mang tiếng một đời chồng.
Thách cưới “hay ít” là để dành cho những gia đình có học thức, không thách tiền, thách của mà thách chữ nghĩa văn chương với ý đồ chọn rể con nhà gia thế với hi vọng tương lai con mình còn được “lọng anh đi trước, lọng nàng theo sau”.
2. Có được thách cưới không Thách cưới quá cao bị xử lý như thế nào?
Khoản 1 Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng”.
Điều 2 Nghị định 126 quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán như sau:
“1. Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình.
2. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và gia đình.
3. Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng”.
Thực tế hiện nay việc nam nữ tự do tìm hiểu, tự do lựa chọn người bạn đời; hoặc sau khi kết hôn, tùy theo sự sắp xếp, thỏa thuận giữa hai gia đình, vợ, chồng có thể cư trú ở nhà vợ hoặc ở nhà chồng; cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con nên người, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra… là những phong tục, tập quán phù hợp với quy định của pháp luật, được nhà nước khuyến khích áp dụng. Tuy nhiên, những tập tục lạc hậu như “thách cưới” những hành vi mà pháp luật cấm thực hiện, cụ thể:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về các hành vi cấm trong hôn nhân gồm:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Tại Khoản 5 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã cấm hành vi yêu sách trong kết hôn. Và mức xử phạt cụ cũng được đưa ra để xử lý hành vi vi phạm pháp luật này.
Ngoài ra, tại phụ lục của Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì việc thách cưới cũng là tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng hoặc là các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ.
“Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới)”
“Nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ.”
Cụ thể trước đây theo nghị định 167/2013/NĐ-CP tại khoản 2 Điều 55 phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 – 300 nghìn đồng đối với hành vi cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác. Tuy nhiên, từ 01/9/2020, theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2020), phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng đối với hành vi yêu sách của cải trong kết hôn.
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;
d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo nội dung quy định tại điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì yêu sách trong kết hôn có thể sẽ bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng và nếu lợi dụng việc kết hôn để đạt mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hanh chính từ 10 -20 triệu đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của đội ngũ chuyên viên Công ty LUẬT LVN về vấn đề “Có được thách cưới không Thách cưới quá cao bị xử lý như thế nào?” , nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này mong quý khách hàng có thể liên hệ lại theo số hotline 1900.0191 để được giải đáp