Công ích là gì? Dịch vụ công ích là gì? Hoạt động công ích là gì? Đặc điểm của dịch vụ công ích? Nguồn kinh phí nào để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công? Danh mục sản phẩm dịch vụ công?
Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân, vì lợi ích chung của xã hội, do nhà nước trực tiếp cung ứng hoặc ủy quyền cho các chủ thể khác cung ứng nhằm bảo đảm ổn định và công bằng xã hội. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ, công ích là gì? Khái niệm, đặc điểm dịch vụ công ích và hoạt động công ích? Nguồn kinh phí nào để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công? Danh mục sản phẩm dịch vụ công bao gồm những loại nào?
Căn cứ pháp lý
– Luật Doanh nghiệp năm 2020;
– Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ký ngày 10/04/2019.
1. Công ích là gì?
Công ích (public interest) là các lợi ích chung của tập thể, xã hội.
2. Dịch vụ công ích là gì?
Sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là sản phẩm, dịch vụ công), gồm: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và sản phẩm, dịch vụ công ích.
Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoặc dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí trong giá, phí, được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Khoản 28 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, địa phương hoặc cộng đồng dân cư mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí.”
Ngoài ra, tại Điều 3 Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định:
Dịch vụ công ích là dịch vụ mà việc sản xuất, cung ứng dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí hoặc dịch vụ có tính chất đặc thù; được Nhà nước trợ giá phần chênh lệch giữa giá tiêu thụ, giá dịch vụ theo quy định của Nhà nước hoặc phần chênh lệch giữa số tiền do người được hưởng dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước, với chi phí hợp lý của nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích để sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành nếu có).
3. Hoạt động công ích là gì?
Hoạt động công ích có thể hiểu là hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ có tính kinh tế đáp ứng nhu cầu vật chất thiết yếu cho sinh hoạt của người dân và cộng đồng, chủ yếu liên quan đến các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản như cấp điện, cấp nước, cấp khí đốt, giao thông đô thị…
4. Đặc điểm của dịch vụ công ích:
Dịch vụ công ích được xem là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm bởi sự tiện lợi và cần thiết. Cũng chính vì vậy sẽ có được những đặc điểm phổ biến như sau:
- Dịch vụ công ích được ban hành và xây dựng, quản lý bởi Nhà nước hoặc có thể thông qua một số tổ chức cá nhân được phép kinh doanh khi đáp ứng các điều kiện được quy định. Hiện nay tại nước ta thì đa số những cơ quan đơn vị được thực hiện như cung cấp các dịch vụ công ích liên quan đến môi trường, hệ thống cấp nước sạch cho người dân, thu gom rác thải và phân loại, xây dựng các bệnh viên công và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn…đây chính là một trong những nội dung công việc được Nhà nước thực hiện hằng năm để hỗ trợ cho người dân.
- Người sử dụng dịch vụ công ích không phải chi trả bất kỳ một khoản chi phí nào cho những dịch vụ công ích này. Bởi những nguồn vốn bỏ ra xây dựng những công trình, dự án này chính là tiền thuế của người dân đóng cho ngân sách nhà nước hoặc chỉ thu phí dịch vụ ở mức độ thấp phù hợp với tình hình kinh tế nước ta và tạo điều kiện cho những hoàn cảnh khó khăn có thể sử dụng được.
- Mang tính xã hội vì mục đích cuối cùng của việc xây dựng những chính sách, dịch vụ này là phục vụ cho người dân. Hỗ trợ người dân có thể thực hiện được những công việc liên quan đến thủ tục hành chính và đảm bảo công bằng và ổn định xã hội. Vì xã hội này mọi người đều bình đẳng và được tôn trọng. Chính vì vậy những dịch vụ này sẽ được sử dụng rộng rãi mà không bị ràng buộc hay hạn chế người dùng.
- Ngoài ra, dịch vụ công ích được nhà nước đảm bảo cung ứng không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Dịch vụ công ích là dịch vụ cần thiết, phục vụ cho cuộc sống an toàn và bình thường của xã hội nên không thể không được cung cấp.
5. Nguồn kinh phí nào để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công:
– Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên trong các lĩnh vực sự nghiệp và các hoạt động kinh tế theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, trong đó:
+ Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của các bộ, cơ quan trung ương từ nguồn ngân sách trung ương;
+ Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương.
– Nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí.
– Nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá.
– Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
6. Danh mục sản phẩm dịch vụ công bao gồm những loại nào?
Danh mục sản phẩm, dịch vụ công bao gồm danh mục quy định tại Điều 5 Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, cụ thể như sau:
“1. Danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, gồm:
a) Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước;
b) Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.
2. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước quy định tại Phụ lục I (Biểu 01 và Biểu 02) ban hành kèm theo Nghị định này, gồm:
a) Biểu 01. Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Chi tiết các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chi tiết các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
b) Biểu 02. Một số danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
3. Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Trường hợp trong từng thời kỳ có điều chỉnh, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này (nếu có), các bộ, cơ quan trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chi của ngân sách trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chi của ngân sách địa phương. Danh mục sản phẩm, dịch vụ công điều chỉnh, bổ sung mới được thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.”
7. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích:
Doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích là loại hình doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp 2020. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp này được quy định cụ thể trong Luật doanh nghiệp 2020 cụ thể tại Điều 7 và 8.Theo đó, doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 9 cụ thể:
Thứ nhất, về quyền của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích
– Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
– Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
– Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
– Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
– Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
– Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
– Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
– Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
– Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
– Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
– Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra có các quyền đặc trưng sau:
- Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.
Thứ hai, về nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích
– Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
– Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
– Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
– Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra có các nghĩa vụ đặc trưng sau:
– Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
– Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.
Ngoài ra còn có quy định khác có liên quan của Luật doanh nghiệp 2020.