Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung trong thi hành án dân sự

Khái quát về tài sản thuộc sở hữu chung? Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung trong thi hành án dân sự?

Trong thi hành án dân sự, cưỡng chế là nội dung cực kỳ quan trọng, quyết định đến kết quả cuối cùng là người phải thi hành án thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án. Cưỡng chế phát sinh do đã có thời gian tự nguyện thực hiện thi hành án mà người phải thi hành án không thực hiện, điều này có nghĩa là cưỡng chế như một biện pháp đặc biệt, sử dụng quyền lực nhà nước để tác động buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình. Thông thường, việc cưỡng chế được áp dụng đối với tài sản riêng của người phải thi hành án, tiếp đến là cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Trong đó, cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung có khá nhiều vấn đề phức tạp, đây cũng sẽ là nội dung được Luật LVN Group phản ánh cụ thể trong bài viết dưới đây.

LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014.

Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự

Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Quy định vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

1. Khái quát về tài sản thuộc sở hữu chung?

Khái niệm về tài sản chung được giải thích dựa trên quy định tại Khoản 1, Điều 207 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản.” Từ đó, có thể hiểu tài sản chung là tài sản thuộc hình thức sở hữu chung, tức là thuộc sở hữu của nhiều chủ thể. Cụ thể, trong thi hành án dân sự, tài sản chung ở đây là tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác.

Theo quy định của Bộ luật dân sự, tài sản chung có thể tồn tại trong: tài sản chung của các thành viên hợp tác; tài sản chung của vợ, chồng; tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân,….

Tài sản chung nếu căn cứ vào cách phân chia theo sở hữu chung thì bao gồm sở hữu chung theo phần (Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung) và sở hữu chung hợp nhất (Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung). Trong thi hành án dân sự, việc cưỡng chế đối với tài sản chung hợp nhất không thể phân chia mang tính phức tạp cao hơn.

2. Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung trong thi hành án dân sự?

Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung trong thi hành án dân sự gắn liền chủ yếu với biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án. Theo đó, kê biên tài sản chung là biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự do pháp luật quy định được Chấp hành viên áp dụng đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác để buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định dân sự có hiệu thi hành khi người phải thi hành án không có tiền, tài sản riêng hoặc tiền, tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản chung mà không làm cản trở việc thi hành án.

Về nguyên tắc kê biên tài sản chung như sau:

– Chấp hành viên chỉ cưỡng chế kê biên tài sản chung của người phải thi hành án với người khác khi người phải thi hành án không có tiền, tài sản riêng hoặc tiền , tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản chung mà không làm cản trở việc thi hành án.

– Chấp hành viên chỉ được kê biên tài sản chung của người phải thi hành án với người khác tương ứng với nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định dân sự và thanh toán các chi phí cần thiết.

– Không kê biên những tài sản mà pháp luật quy định không được kê biên.

– Không được tổ chức kê biên tài sản chung trong những thời gian mà pháp luật quy định không được cưỡng chế thi hành án dân sự.

Việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, xác định phần quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Đây là hoạt động có ý nghĩa cực kỳ quan trong, là căn cứ để chấp hành viên có thể hướng dẫn các đương sự tiến hành các thủ tục tiếp theo, vừa bảo đảm quyền lợi cho các đồng sở hữu còn lại, vừa bảo đảm quyền ưu tiên mua của các đồng sở hữu. Chấp hành viên xác định phần sở hữ của người phải thi hành án trong khối tài sản chung như sau:

– Trường hợp tài sản chung đã xác định được phần sở hữu, sử dụng của các chủ sở hữu. Nếu tài sản chung có thể chia được, chấp hành viên sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án. Đối với tài sản đã xác định được phần sở hữu nhưng tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

– Trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:

Một là, đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ chồng thì căn cứ theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, Chấp hành viên tiến hành các bước:

– Các định phần quyền sở hữu, sử dụng tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung của vợ chồng căn cứ theo quy định của luật hôn nhân và gia đình quy định về chế độ tài sản vợ chồng. Cụ thể, Điều 29, 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn và Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT0 TANDTC-VKSNDTC-BTP đã quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vơ chồng khi ly hôn là chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác.

– Thông báo cho vợ, chồng biết về việc xác định phần sở hữu, sử dụng tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung. Nếu vợ hoặc chồng không đồng ý với với việc xác định của chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng phần giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

Đối với các tài sản chung khác, căn cứ vào quy định tại Điều 74, Luật Thi hành án dân sự, tài sản chung không phải là tài sản chung của vợ chồng hoặc hộ gia đình thì Chấp hành viên tiến hành các bước sau:

– Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật thi hành án dân sự hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

– Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Có thể thấy rằng, cưỡng chế tài sản chung phần khó khăn nhất là xác định phần quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án, nó mất nhiều thời gian và có khả năng dẫn đến các tranh chấp, sau khi đã xác định được phần quyền sở hữu thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên được thực hiện như thông thường.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com