Khái quát về cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ? Quy định của pháp luật về cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ?
Tài sản là một phạm trù rất rộng gắn với những giá trị vật chất mà chúng mang lại, đặc biệt là trong thi hành án dân sự. Việc cưỡng chế thi hành án dân sự suy cho cùng cũng là việc tác động vào tài sản của người phải thi hành án để thu lại một lợi ích đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án. Một trong những tài sản đặc trưng và quá trình cưỡng chế có phần phức tạp hơn so với các loại tài sản khác là quyền sở hữu trí tuệ, điều này cũng dẫn đến việc Luật thi hành án dân sự dành riêng Mục 5, Chương Iv để quy định về nội dung này.
LVN Group tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự.
1. Khái quát về cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ?
Quyền sở hữu trí tuệ là loại tài sản “vô hình” con người không thể cầm, nắm được và theo Luật sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ được giải thích là ” quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”. Trong đó:
– Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. (Khoản 2, Điều 4)
– Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. (Khoản 3, Điều 4)
– Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. (Khoản 4, Điều 4)
– Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. (Khoản 5, Điều 4).
Cưỡng chế thi hành án đối với tài sảnlà quyền sở hữu trí tuệ biện pháp thi hành án dân sự dùng quyền lực của nhà nước, nhằm buộc người phải thi hành án dân sự thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà tài sản được cưỡng chế là quyền sở hữu trí tuệ. Cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ gắn với biện pháp kê biên.
Khi thực hiện việc kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án Chấp hành viên phải nắm được các đặc thù về quyền sở hữu trí tuệ.
2. Quy định của pháp luật về cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ?
Quy định về cưỡng chế thi hành đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 84, Điều 85, Điều 86 Luật Thi hành án dân sự và Điều 29, Điều 30, Điều 31 Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Về nguyên tắc kê biên:
– Tài sản kê biên phải là quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Do đó, khi tiến hành cưỡng chế kê biên đối với quyền sở hữu trí tiệu, Chấp hành viên có quyền kê biên tất cả những tài sản trí tuệ được nêu ở Mục 1 khi chứng minh được rằng tài sản đó thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án.
Trường hợp người phải thi hành án là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị kê biên (trừ trường hợp việc chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong thời gian nhất định nhằm đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và lợi ích của nhà nước, xã hội theo).
Về trình tự, thủ tục kê biên và xử lý tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:
– Khi tiên hành kê biên, Chấp hành viên phải ra quyết định kê biên quyền sở hữu trí tuệ. Đây là căn cứ phát sinh quyền của Chấp hành viên và nghĩa vụ của người phải thi hành án trong việc thực hiện các hoạt động kê biên tài sản. Tùy từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Chấp hành viên thu giữ các giấy tờ có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của người phải thi hành án.
– Việc kê biên là vì mục đích cưỡng chế nhằm buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền, do đó, đối với quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật cho phép đến việc sử dụng, khai thác, theo đó: Chấp hành viên quyết định giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phải nộp số tiền thu được sau khi trừ các chi phí cần thiết cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.
Trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ đã được “bán” chuyển giao, thì việc việc chuyển giao quyền nói trên phải phù hợp với các quy định về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, kể cả chuyển giao do phải thi hành án thực hiện trước đó hoặc Chấp hành viên quyết định chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng. Nếu người phải thi hành án đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà chưa được thanh toán hoặc mới được thanh toán một phần tiền thì Chấp hành viên ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao nộp khoản tiền chưa thanh toán để thi hành án.
– Sau khi kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành định giá tài sản kê biên để xác định giá trị tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, nhằm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người phải thi hành án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi hành án, làm giảm lượng án tồn qua các năm.
Định giá tài sản là quyền sở hữu trí tuệ sẽ được thực hiện theo quy định về định giá kê biên tài sản (Điều 99 Luật Thi hành án dân sự) và theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ.
Mặc dù pháp luật có quy định về việc Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết về định giá quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên cho đến nay, theo sự tìm hiểu của Luật LVN Group thì chưa có văn bản hướng dẫn nào, dẫn đến những khó khăn trong quá trình định giá tài sản là quyền sở hữu trí tuệ so với các loại tài sản khác.
Việc định giá được thực hiện phải tốn thời gian, nhân lực và phải tiến hành tổ chức, do đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu định giá quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí cho việc định giá (gọi chung là chi phí cưỡng chế thi hành án).
Tuy nhiên, định giá quyền sở hữu trí tuệ không phải luôn được tiếp cận dưới việc là phải được một cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện mà có thể do đương sự thoả thuận được về giá của quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng trường hợp này dường như xảy ra không nhiều do tính chất đặc thù của loại tài sản khiến cho các bên không nắm chắc được giá trị thực sự của nó. Và thông thường họ sẽ thoả thuận luôn về tổ chức tổ chức thẩm định giá.
– Khi nhắc đến kê biên, thì không thể không nhắc đến các phương thức xử lý tài sản kê biên, trong đó, bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ là một trong những phương thức xử lý tài sản kê biên. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá và Giá được tổ chức định giá xác định là giá khởi điểm để bán đấu giá.
Thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ được trao cho:
– Tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ có giá trị trên 10.000.000 đồng;
– Chấp hành viên thực hiện việc bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ có giá trị đến 10.000.000 đồng hoặc trong trường hợp tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức thi hành án chưa có tổ chức bán đấu giá, hoặc tuy có nhưng tổ chức đó từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá.
Việc bán đấu giá tài sản là quyền sở hữu trí tuệ khá phức tạp, được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Cũng giống như đối với định giá, quy định cụ thể về bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ còn là một thiết sót, điều này cũng dẫn đến những hạn chế nhất định trong công tác xử lý tài sản kê biên để thi hành án.
Nhìn chung, quy định về cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ là một trong những quy định mới trong Luật Thi hành án dân sự, nó hoàn toàn phù hợp và thống nhất trong mối tương quan với Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật dân sự. Vì còn là quy định mới, do đó, không thể tránh những sai sót, hạn chế, vướng mắc, điều này đặt ra những thách thức cho nhà làm luật trong tương lai về việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thực tế, việc cưỡng chế đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn rất ít, so với các loại tài sản khác là chiếm tỉ lệ cực kỳ nhỏ.