Đại lý tàu biển là gì? Hợp đồng đại lý tàu biển?
Nếu như trong hoạt động thương mại, đại lý thương mại là một trong những hoạt động diễn ra sôi nổi thì trong lĩnh vực hàng hải cũng có hoạt động về đại lý với tên gọi là đại lý tàu biển. Đại lý tàu biển ra đời mang lại rất nhiều điều tích cực đối với các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực này.
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
1. Đại lý tàu biển là gì?
Khi phân tích từ đại lý thì từ “đại” có nghĩa là “thay thế” còn “lý” có nghĩa là “quản lý, thu xếp, xử lý”. Từ đó rút ra kết luận “đại lý” là hoạt động trong đó một người nhận ủy thác của người khác, thay mặt họ để tiến hành một hoạt động nhất định. Theo từ điển bách khoa Việt Nam, đại lý được hiểu là quan hệ pháp lý, trong đó một bên cho bên kia thay mình thực hiện việc quản lý một số công việc thường dùng trong hoạt động mua bán, giao dịch hoặc xử lý các công việc theo sự ủy thác của đơn vị sản xuất, thương nghiệp.
Và trong Bộ luật hàng hải năm 2015 quy định về đại lý thương mại như sau:
“Điều 235. Đại lý tàu biển
Đại lý tàu biển là dịch vụ mà người đại lý tàu biển nhân danh chủ tàu hoặc người khai thác tàu tiến hành các dịch vụ liên quan đến tàu biển hoạt động tại cảng, bao gồm: việc thực hiện các thủ tục tàu biển đến, rời cảng; ký kết hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm hàng hải, hợp đồng bốc dỡ hàng hóa, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng thuê thuyền viên; ký phát vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương; cung ứng vật tư, nhiên liệu, thực phẩm, nước sinh hoạt cho tàu biển; trình kháng nghị hàng hải; thông tin liên lạc với chủ tàu hoặc người khai thác tàu; dịch vụ liên quan đến thuyền viên; thu, chi các khoản tiền liên quan đến hoạt động khai thác tàu; giải quyết tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hoặc về tai nạn hàng hải và dịch vụ khác liên quan đến tàu biển.
Từ quy định trên thì có thể hiểu đại lý tàu biển cũng chính là một quan hệ pháp lý, theo đó có sự tham gia của các chủ thể một bên là người đại lý tàu biển và bên còn lại là chủ tàu (người khai thác tàu) tiến hành các dịch vụ liên quan đến tàu biển hoạt động tại cảng trong một phạm vi nhất định (phạm vi đại lý sẽ do chủ tàu, người khai thác tàu quyết định). Các dịch vụ liên quan đến tàu biển hoạt động tại cảng biển rất nhiều và điều luật đã quy định theo hướng liệt kê những dịch vụ liên quan đến tàu biển hoạt động tại cảng biển được đại lý, bao gồm hoạt động thực hiện các thủ tục tàu biển đến, rời cảng; hoạt động ký kết hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm hàng hải, hợp đồng bốc dỡ hàng hóa, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng thuê thuyền viên; ký phát vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương; hoạt động cung ứng vật tư, nhiên liệu, thực phẩm, nước sinh hoạt cho tàu biển; việc trình kháng nghị hàng hải; thực hiện thông tin liên lạc với chủ tàu hoặc người khai thác tàu; việc cung cấp dịch vụ liên quan đến thuyền viên; thực hiện thu, chi các khoản tiền liên quan đến hoạt động khai thác tàu; thực hiện giải quyết tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hoặc về tai nạn hàng hải và dịch vụ khác liên quan đến tàu biển. Việc quy định “dịch vụ khác liên quan đến tàu biển” nhằm thể hiện hướng mở, đối với các dịch vụ mới phát sinh mà pháp luật chưa thể dự trù tại thời điểm lập pháp.
Như đã viết ở trên, trong quan hệ đại lý tàu biển gồm hai đối tượng chính là bên giao đại lý tàu biển và bên đại lý tàu biển. Bên giao đại lý tàu biển, hay còn được gọi là người ủy thác, được xác định chính là chủ tàu hoặc là người khai thác tàu biển. Các chủ thể này vì nhiều lý do khác nhau mà không trực tiếp thực hiện các dịch vụ liên quan đến tàu biển hoạt động tại cảng nên có quyền tiến hành ủy thác lại cho một bên khác thông qua hợp đồng đại lý để thực hiện các dịch vụ này. Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 236 thì bên ủy thác ở đây có thể người thuê tàu, người thuê vận chuyển. Bên còn lại của quan hệ đại lý chính là bên đại lý tàu biển. “Người đại lý tàu biển là người được người ủy thác chỉ định làm đại diện để tiến hành dịch vụ đại lý tàu biển theo ủy thác của người ủy thác tại cảng biển.” (Khoản 1 Điều 236 Bộ luật Hàng hải năm 2015). Tại Điều 242 Bộ luật hàng hải năm 2015 quy định về điều kiện kinh doanh đại lý tàu biển, theo quy định này thì người đại lý tàu biển phải là doanh nghiệp.
2. Hợp đồng đại lý tàu biển:
Để hình thành quan hệ đại lý tàu biển thì bên ủy thác và bên được chọn làm đại lý tàu biển phải xác lập một hợp đồng, gọi là hợp đồng đại lý tàu biển. Bộ luật hàng hải năm 2015 quy định về hợp đồng đại lý tàu biển như sau:
“Điều 237. Hợp đồng đại lý tàu biển
Hợp đồng đại lý tàu biển là hợp đồng được giao kết bằng văn bản giữa người ủy thác và người đại lý tàu biển, theo đó người ủy thác ủy thác cho người đại lý tàu biển thực hiện các dịch vụ đại lý tàu biển đối với từng chuyến tàu hoặc trong một thời hạn cụ thể.”
Từ quy định trên, có thể hiểu hợp đồng đại lý tàu biển là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một bên (bên đại lý tàu biển) được sự ủy quyền của chủ tàu, bên khai thác tàu (bên giao đại lý) cam kết nhân danh bên giao đại lý thực hiện một hoặc nhiều dịch vụ tàu biển hoạt động tại cảng đối với từng chuyển tàu hoặc trong một thời gian cụ thể vì lợi ích của bên kia để được nhận một khoản tiền thù lao cho các bên thỏa thuận về số lượng và thời hạn thanh toán.
Hợp đồng đại lý tàu biển là một dạng hợp đồng dịch vụ. Đối tượng của hợp đồng này đó chính là việc bên đại lý nhận ủy quyền của bên giao đại lý trong việc thực hiện các công việc vì lợi ích của bên giao đại lý. Hợp đồng đại lý tàu biển được xác lập trên cơ sở có đề nghị giao kết và có chấp nhận đề nghị giao kết hay thỏa thuận và được xác định về nghĩa vụ thực hiện giữa bên giao đại lý và bên đại lý.
Hợp đồng đại lý tàu biển được ký kết trên sự tự do, tự nguyện và bình đẳng. Nguyên tắc tự do, tự nguyện và bình đảng được coi là tư tưởng chủ đạo có tính bắt buộc chung đối với các chủ thể tham gia hợp đồng. Các chủ thể hoàn toàn có quyền tự do đàm phán hợp đồng, tự do trong lựa chọn đối tác, tự do trong lựa chọn đối tác, tự do trong việc thỏa thuận giữa các bên về nội dung hợp đồng về công việc được ủy quyền, tự do thỏa thuận để thay đổi, đình chỉ hay hủy bỏ hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Việc giao kết và thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển dựa trên tinh thần hợp tác, tương trợ, hướng tới sự tồn tại, cùng phát triển, không có sự thiện chí, trung thực khi có dấu hiệu lừa dối ở bất kỳ giai đoạn nào của hợp đồng. Nội dung của các thỏa thuận trong hợp đồng đại lý tàu biển là kết quả của sự tự do, tự nguyện và bình đẳng giữa các bên. Các điều khoản trong hợp đồng là kết quả cuối cùng của sự độc lập về ý chí. Các bên tự đảm bảo rằng lựa chọn đó được quyết định trong hoàn cảnh mà sự tự do ý chí được thể hiện đầy đủ. Các bên tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Khi các bên đã thống nhất các điều khoản trong hợp đồng thì nó có giá trị ràng buộc các bên. Cam kết hợp đồng cần được không nhằm tránh thiệt hại cho các bên khi thực hiện thỏa thuận đó.
Hợp đồng đại lý tàu biển bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản. Việc quy định hình thức hợp đồng đại lý tàu biển buộc phải là văn bản mà không bằng các hình thức khác vì đây là lĩnh vực phức tạp, việc thỏa thuận của các bên phải được ghi nhận rõ ràng, minh bạch, tránh khi các bên có mâu thuẫn, tranh chấp mà lại không có thỏa thuận cụ thể để xem xét. Pháp luật cũng không quy định về việc hợp đồng đại lý tàu biển bắt buộc phải công chứng, chứng thực, do đó, các bên có thể lựa chọn công chứng, chứng thực hợp đồng đại lý tàu biển hoặc không.
Khi thực hiện hợp đồng đại lý tàu biển, bên đại lý phải dùng danh nghĩa của mình để thực hiện các hoạt động được ủy thác. Trong quan hệ này, bên ủy thác có nhu cầu thực hiện các dịch vụ tàu biển nhưng không trực tiếp thực hiện các hoạt động này mà ủy quyền cho bên đại lý thay mặt mình để thực hiện. Khi đó, bên đại lý nhân danh chính mình để thực hiện các hoạt động dịch vụ đó cho bên ủy thác để hưởng thù lao.
Để thực hiện hợp đồng lại lý, trong một số trường hợp, bên đại lý vừa phải thực hiện các hành vi pháp lý, vừa phải thực hiện các hành vi thực tế. Như trong trường hợp giao kết hợp đồng thuê tàu, thì hành vi giao kết hợp đồng là hành vi giao kết, còn việc thực hiện giao tàu cho bên thuê,… là hành vi thực tế. Trong quá trình thực hiện hợp đồng đại lý, người đại lý tàu biển có trách nhiệm tiến hành các hoạt động cần thiết để bảo vệ chu đáo quyền và lợi ích hợp pháp của người ủy thác; đồng thời người đại lý tàu biển phải chấp hành các yêu cầu cũng như các chỉ dẫn của người ủy thác về việc thực hiện các hoạt động được ủy thác. Bên cạnh đó, người đại lý tàu biển cũng phải nhanh chóng thông báo cho người ủy thác biết về các sự kiện liên quan đến công việc được ủy thác khi bên đại lý thực hiện đồng thời tính toán chính xác các khoản thu, chi liên quan đến công việc được ủy thác.