Đám cưới trước, kết hôn sau có được không? Thời hạn kết hôn tối đa? Tổ chức lễ cưới trước khi đăng ký kết hôn có bị xử phạt không? Tổ chức đám cưới trước rồi mới đăng ký kết hôn được không?
Hôn nhân là kết quả một tình yêu, khi tình yêu xuất phát từ tình cảm tự nguyện thì kết hôn thì kết hôn cũng phải dựa trên sự tự nguyện của cả nam và nữ. Việc đăng ký kết hôn được thực hiện khi cả hai bên đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Vậy việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại thời điểm nào? Thời hạn kết hôn tối đa là bao lâu? Bài viết dưới đây xin trình bày về vấn đề này.
Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân gia đình năm 2014
Nội dung tư vấn:
1. Tại sao cần phải đăng ký kết hôn?
Có nhiều người cho rằng khi tổ chức đám cưới là đã công khai cho toàn bộ mọi người biết về mối quan hệ vợ chồng của mình. Vậy nên, việc đăng ký kết hôn là hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm. Việc đăng ký kết hôn là vô cùng quan trọng để xác nhận quan hệ vợ chồng. Nếu như nam nữ chỉ tổ chức đám cưới mà không đăng ký kết hôn, thì cuộc hôn nhân này sẽ không phát sinh quan hệ vợ chồng hợp pháp và không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Trong trường hợp nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nhưng không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Điều này đồng nghĩa với việc chế độ một vợ một chồng không được nhà nước bảo hộ. Trừ những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, mặc dù không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được Nhà nước công nhân là vợ chồng hợp pháp.
Trường hợp nam nữ chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn thì vấn đề tài sản, con cái hình thành trong thời kỳ nam nữ sống chung giải quyết như sau:
- Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chính vì thế, việc đăng ký kết hôn không chỉ là việc gắn kết mối quan hệ vợ chồng chặt chẽ hơn về mặt tình cảm mà còn là cơ sở để pháp luật thừa nhận và bảo đảm được tất cả các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ vợ chồng.
2. Điều kiện đăng ký kết hôn
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định kết hôn được hiểu là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Như vậy, để được pháp luật thừa nhận là vợ chồng thì nam, nữ phải đáp ứng được điều kiện kết hôn và tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, chiếu theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật này thì điều kiện kết hôn được quy định như sau:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Từ những quy định trên đây thì pháp luật không có quy định cụ thể nào về việc khi nào thì được đăng ký kết hôn và bắt buộc nam nữ phải đăng ký kết hôn tại thời điểm cụ thể nào cả. Cũng không đặt ra quy định nào quy định đăng ký kết hôn trước hay sau đám cưới. Mà việc đăng ký kết hôn sẽ do hai bên nam nữ tự nguyện quyết định. Khi đến một thời điểm thích hợp, cả hai bên nam nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn và có yêu cầu đăng ký kết hôn thì đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, xác lập quan hệ vợ chồng.
3. Đám cưới trước, kết hôn sau có được không?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình đã trình bày ở trên để được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp, phải làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng của con người, nó đánh dấu một bước quan trọng của đôi nam nữ trong việc tiến đến hôn nhân, tiến đến xây dựng một mái ấm gia đình riêng cho mình. Ở Việt Nam, các đôi vợ chồng trước khi dọn về chung sống cùng nhau sẽ tổ chức đám cưới, là phong tục tập quán lâu đời, mục đích để thông báo với họ hàng, hàng xóm, láng giềng cũng như bạn bè gần xa mối quan hệ chính thức giữa hai người. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, một số trường hợp có thể tổ chức đám cưới sau một khoảng thời gian dài khi đã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Như vậy, đăng ký kết hôn có thể được tiến hành trước hoặc sau đám cưới tùy thuộc vào suy nghĩ và hoàn cảnh của mỗi người.
Quyền kết hôn là quyền cá nhân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quan hệ hôn nhân, đây không phải là nghĩa vụ bắt buộc nên mọi người có thể thực hiện quyền kết hôn của mình bất cứ lúc nào khi đủ điều kiện kết hôn pháp luật đặt ra. Hiện nay, kết hôn là thủ tục được pháp luật thừa nhận mối quan hệ vợ chồng hợp pháp. Chỉ nghi thức đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý và được pháp luật thừa nhận. Các nghi lễ kết hôn khác theo phong tục tập quán, nghi thức tôn giáo không được pháp luật điều chỉnh, không có giá trị pháp lý, do đó việc đăng ký kết hôn trước hay sau đám cưới không vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì luật không có quy định nào về trình tự tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn là được thực hiện trước hay thực hiện sau lễ cưới. Mặc dù vậy, ở một số tỉnh thành trên cả nước, như ở Hải Phòng vẫn có quy định về vấn đề này cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định 2822/2015/QĐ-UBND quy định như sau:
“Lễ cưới chỉ được tổ chức khi đã có đăng ký kết hôn.”
Như vậy, nếu là công dân và kết hôn tại Hải Phòng thì phải đáp ứng các quy định này thực hiện việc đăng ký kết hôn trước khi tổ chức lễ cưới hỏi.
4. Trình tự thực hiện việc đăng ký kết hôn
a) Thủ tục cơ bản đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
b) Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn
1. Bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú (Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú).
2. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
3. Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định sau:
– Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
– Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp.
5. Quy định về việc tổ chức tiệc cưới
1. Việc tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới phải thực hiện các quy định sau:
a) Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình;
b) Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật;
c) Địa điểm cưới do hai gia đình lựa chọn; thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết
d) Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí;
đ) Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc;
e) Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 5 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
2. Khuyến khích thực hiện các hoạt động sau trong tổ chức việc cưới:
a) Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới;
b) Hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;
c) Không sử dụng thuốc lá trong đám cưới;
d) Cơ quan, tổ chức, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới;
đ) Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử – văn hoá; trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới;
e) Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong ngày cưới.