Điều kiện nhờ người mang thai hộ? Điều kiện để mang thai hộ? Trình tự, thủ tục xin xác nhận đủ điều kiện mang thai hộ. Xác nhận pháp lý mang thai hộ.
Mang thai hộ là một trong những quy định mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và là một bước đột phá trong công tác lập pháp, mở ra niềm hy vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không thể sinh con. Điều kiện nhờ người mang thai hộ? Điều kiện để mang thai hộ? Bài viết dưới đây sẽ trình bày rõ về vấn đề này
Căn cứ pháp lý
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Nghị định 10/2015/NĐ-CP
Nội dung tư vấn:
1. Mục đích của việc mang thai hộ theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã đưa ra hai khái niệm liên quan đến mục đích của việc mang thai hộ, cụ thể:
– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con
– Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác
– Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo quy định pháp luật ranh giới để phân biệt được trường hợp mang thai vì mục đích nhân đạo với trường hợp mang thai vì mục đích thương mại là việc các bên có hoặc không có các thỏa thuận liên quan đến việc bên mang thai hộ sẽ được hưởng lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác.
2. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
2.1. Điều kiện của việc mang thai hộ đối với bên nhờ mang thai hộ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”.
Thứ nhất, về điều kiện “Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” nhằm xác định được việc mang thai hộ là giải pháp tình thế cuối cùng để các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muôn được làm cha mẹ. Đây là điều kiện đầu tiên bắt buộc các cặp vợ chồng phải thỏa mãn khi muốn nhờ người khác mang thai hộ. Tức là người vợ chỉ cần làm những xét nghiệm, kiểm tra y khoa và được cơ sở y tế có thẩm quyền kết luận không thể có khả năng mang thai mặc dù có thể chưa từng trải qua các phương pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, các quy định pháp luật chưa đưa ra hướng dẫn liên quan đến việc hiểu chính xác điều kiện này của mang thai hộ.
Như vậy phạm vi chủ thể nhờ mang thai hộ sẽ mở rộng hơn nhưng sẽ dẫn đến tình trạng tiêu cực trên thực tế như có những cặp vợ chồng không thực sự gặp vấn đề liên quan đến vô sinh hiếm muộn nhưng lại “cố tình” xin được giấy chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền để nhờ mang thai hộ dẫn đến hàng loạt các hệ lụy liên quan đến việc có dịch vụ cung cấp chứng nhận giả khi mà trên thị trường có cung ắt có cầu, làm biến tướng đi mục đích mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Tại điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Liên quan đến điều kiện này được rõ ràng thì pháp Luật hôn nhân và gia đình cần có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc xác định rõ cách thức thực hiện việc xác nhận khả năng mang thai của người vợ tại các cơ sở y tế có thẩm quyền trước khi đưa ra được kết luận y khoa đồng thời phải có những chế tài ràng buộc liên quan đến tính chính xác của các bản xác nhận này nhằm hạn chế tình trạng gian lận trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho chủ thể nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Thứ hai, về điều kiện “vợ chồng đang không có con chung”. Có thể nói quy định pháp luật này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ phải chưa từng có con chung cho đến thời điểm nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, cách hiểu này dẫn đến một trường hợp cả hai vợ chồng không có con chung đến thời điểm nhờ mang thai hộ nhưng họ lại có con riêng liệu có thuộc trường hợp được nhờ mang thai hộ. Một quan điểm khác cho rằng pháp luật chỉ hạn chế việc vợ chồng đang có con chung thì không được nhờ mang thai hộ, nên nếu vợ chồng đã từng có con chung nhưng đến thời điểm nhờ mang thai hộ thì đứa con không còn sống, họ muốn có thêm con nhưng vì lý do bệnh lý nên người vợ không thể mang thai được thì vẫn được coi là đủ điều kiện nhờ mang thai hộ.
Một vấn đề đặt ra nếu trong trường hợp vợ chồng có con chung nhưng vì lý do bệnh tật mà đứa trẻ phát triển không bình thường, bị tâm thần nên vợ chồng muốn sinh thêm con nhưng không thể thụ thai được nữa (trường hợp vô sinh thứ phát) thì có được coi là đủ điều kiện để nhờ mang thai hộ vì trên thực tế họ vẫn “đang có con chung”.
Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định trong hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cần có: “Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận”. Như vậy, nếu hiểu theo quy định tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP thì phạm vi đối tượng được nhờ mang thai hộ bị thu hẹp, tức là chỉ những cặp vợ chồng chưa từng có con chung mới đủ điều kiện đề nghị nhờ mang thai hộ. Việc nghị định sử dụng thuật ngữ “chưa có con chung” đang mâu thuẫn với thuật ngữ “đang không có con chung” tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 làm mất đi tính chính xác và thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ ba, điều kiện về việc “đã được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý”. Quy định này nhằm giúp các bên trong quan hệ mang thai hộ có thể nắm bắt, hình dung được quá trình mang thai hộ, các quyền nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc mang thai hộ, những vấn đề phát sinh khác như tâm lý của các bên… để họ có thể chuẩn bị tốt nhất cho quyết định của mình trước khi bắt đầu hành trình làm cha mẹ qua kỹ thuật mang thai hộ. Điều kiện này góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người phụ nữ cũng như của trẻ em được sinh ra từ việc mang thai hộ. Nghị định 10/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về các nội dung tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.Có thể nói hoạt động tư vấn này có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị đầy đủ sức khỏe, tinh thần, nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ mang thai hộ, để quá trình mang thai hộ được diễn ra một cách suôn sẻ, thuận lợi, hạn chế được các tình huống xấu nhất xảy ra như sức khỏe, tinh thần ảnh hưởng, các bên xảy ra các tranh chấp trước, trong và sau quá trình mang thai hộ.
2.2. Điều kiện của việc mang thai hộ đối với bên mang thai hộ
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người mang thai hộ phải đảm bảo các điều kiện sau:
“3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.”
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
Theo khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.”
Trong khi đó, “người thân thích” được hiểu theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP như sau:
“Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.”
- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.
Mang thai và sinh con là một quá trình đặc biệt, việc đã từng sinh con sẽ giúp người phụ nữ chuẩn bị về mặt tâm lí, tinh thần, cũng như có kinh nghiệm, kĩ năng trong việc chăm sóc bản thân và thai nhi nhằm đảm bảo thực hiện việc mang thai hộ. Quy định chỉ mang thai hộ một lần nhằm tránh tình trạng lợi dụng để đạt đạt được mục đích thương mại.
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền.
Pháp luật lại chưa có quy định thế nào là độ tuổi phù hợp. Có thể suy đoán đó là độ tuổi sinh đẻ nói chung theo các nghiên cứu khoa học và quan điểm xã hội. Thông thường độ tuổi sinh đẻ tốt nhất là từ 20 tuổi đến 30 tuổi, lúc này cơ thể người phụ nữ đã phát triển đầy đủ về cả tâm sinh lí cho việc làm mẹ.
Điều kiện có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền không chỉ nhằm đảm bảo cho sức khỏe người nhận mang thai hộ mà còn đảm bảo sức khỏe cho đứa trẻ, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.
- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đặt ra nguyên tắc xây dựng gia đình tiến bộ, các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Việc mang thai hộ không chỉ làm cho người vợ có nguy cơ với một số biến chứng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lí người thân trong gia đình, các mối quan hệ gia đình. Chính vì vậy, vấn đề này cần phải được sự bàn bạc, thống nhất, thỏa thuận và đồng ý bằng văn bản của người chồng.
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Các nội dung y tế cần được tư vấn như các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai như sẩy thai, thai ngoài tử cung, băng huyết, khả năng đa thai, em bé dị tật phải bỏ thai,…Việc tư vấn này nhằm cung cấp những thông tin về nguy cơ, tai biến ảnh hưởng tới sức khỏe mà người nhận mang thai có thể mắc phải.
Liên quan tới nội dung pháp lí được tư vấn là những hậu quả pháp lí cơ bản và quan trọng nhất là mối quan hệ phát sinh hay việc xác định cha, mẹ, con giữa con sinh ra và các bên liên quan.
Ngoài ra, người nhận mang thai cũng cần được tư vấn về tâm lí, tình cảm gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ, tâm lí đối với con ruột của mình.