Điều kiện, thủ tục xét chuyển công chức xã thành công chức cấp huyện

Công chức cấp xã có thể chuyển thành công chức cấp huyện được không? Điều kiện, thủ tục xét chuyển công chức xã thành công chức cấp huyện mới nhất?

Trong bộ máy quản lý nhà nước, công chức cấp cơ sở có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Có thể nói đây chính là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân, vận động vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Về phân cấp quản lý, công chức cấp xã do cấp huyện quản lý. Do vậy trong một số trường hợp, công chức cấp xã có thể được chuyển lên cấp huyện. Vậy, để trở thành công chức cấp huyện, công chức cấp xã cần đáp ứng những điều kiện và thực hiện thủ tục như thế nào?

1. Quy định của pháp luật về công chức

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019):

 Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tại Điều 34 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) công chức được phân loại gồm:

Thứ nhất, căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng:

– Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;

– Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;

– Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;

– Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên;

– Loại đối với ngạch công chức quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 của Luật này theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:

– Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

– Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Công chức gồm các ngạch quy định tại Điều 42 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) sau đây:

– Chuyên viên cao cấp và tương đương;

– Chuyên viên chính và tương đương;

– Chuyên viên và tương đương;

– Cán sự và tương đương;

Nhân viên.

– Ngạch khác theo quy định

 Việc bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

– Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch;

– Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.     

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự;

– Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch;

– Công chức chuyển sang ngạch tương đương.

2. Quy định về công chức cấp xã

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi tại khoản 31 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019), công chức cấp xã có các chức danh sau:

– Trưởng Công an (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14)

– Chỉ huy trưởng Quân sự;

– Văn phòng – thống kê;

– Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);

– Tài chính – kế toán;

– Tư pháp – hộ tịch;

– Văn hóa – xã hội.

Thứ hai, công chức cấp xã có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 62 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cụ thể như sau:

– Công chức cấp xã thực hiện các nghĩa vụ, quyền của công chức nói chung theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Sửa đổi, bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) , quy định khác của pháp luật có liên quan, điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.

Cán bộ, công chức cấp xã khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm; khi thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xem xét chuyển thành công chức, trong trường hợp này, được miễn chế độ tập sự và hưởng chế độ, chính sách liên tục; nếu không được chuyển thành công chức mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của pháp luật; trường hợp là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện

3.1. Thẩm quyền xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện

Căn cứ theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 có thể xác định thẩm quyền thuộc về người đứng đầu cơ quan quản lý công chức cấp huyện nơi công chức chuyển đến xem xét, tiếp nhận.

3.2. Điều kiện, tiêu chuẩn xét chuyển công chức

Để được xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện phải đảm bảo đủ các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 sau đây:

“2. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận:

Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được quyền xem xét, tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu đáp ứng đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

a) Trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này) làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển;

b) Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này chỉ thực hiện việc tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận và phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;

c) Trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này phải được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ và không yêu cầu phải có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến; khi tiếp nhận vào làm công chức không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.”

3.3. Thủ tục xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện

Khi các đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 đáp ứng được điều kiện và tiều chuẩn nêu trên thì cần thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Người có yêu cầu phải gửi hồ sơ đến  người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xem xét. Hồ sơ cá nhân bao gồm các tài liệu sau đây:

– Sơ yếu lý lịch công chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Trường hợp người được đề nghị tiếp nhận đáp ứng yêu cầu miễn phần thi ngoại ngữ hoặc tin học quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

– Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;

– Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục xét duyệt

– Phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch: Khi tiếp nhận các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 vào làm công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch, thành phần có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:

+ Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;

+ Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;

+ Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là công chức thuộc bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng;

+ Các uỷ viên khác là đại diện lãnh đạo của một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra, sát hạch:

+ Kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

+ Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận;

+ Báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức về kết quả kiểm tra, sát hạch.

Nội dung sát hạch phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển để xây dựng. Hình thức sát hạch là phỏng vấn hoặc viết hoặc kết hợp phỏng vấn và viết. Hội đồng kiểm tra, sát hạch chịu trách nhiệm xây dựng nội dung sát hạch, đề xuất hình thức và cách thức xác định kết quả sát hạch, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch đã biểu quyết. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người được tiếp nhận vào làm công chức hoặc của bên vợ (chồng) của người được tiếp nhận vào làm công chức; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người được tiếp nhận vào làm công chức hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

– Khi tiếp nhận vào làm công chức để bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và quy định tại khoản 2 Điều này. Quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận vào làm công chức và thực hiện như sau:

+ Trường hợp cơ quan quản lý công chức đồng thời là cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc là cấp dưới của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm thì quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận;

+ Trường hợp cơ quan quản lý công chức là cấp trên của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm thì cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm phải báo cáo cơ quan quản lý công chức đồng ý về việc tiếp nhận trước khi quyết định bổ nhiệm.

3.4. Chế độ lương của công chức cấp xã được xét chuyển thành công chức cấp huyện

Công chức cấp xã được xét chuyển trở thành công chức cấp huyện được bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm đảm nhiệm. Việc xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm và bảo lưu lương, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) thực hiện đối với công chức cấp xã đang xếp lương như công chức hành chính thì tiếp tục hưởng bậc lương hiện hưởng;

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com