Điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng? Một số phương thức bảo lãnh phát hành chứng khoán?
Hiện nay có thể thấy thị trường chứng khoán đang phát triển rất mạnh mẽ, có thể thấy vai trò à thị trường chứng khoán mang lại cho nền kinh tế của Việt Nam. Việc thực hiện các hoạt động chứng khoán đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và hơn hết đó là thực hiện các hình thức như thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện cụ thể do pháp luật ban hành. Vậy Điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng gồm những điều kiện nào? Dưới đây chúng tôi xin cung cấp nội dung chi tiết về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý: Luật chứng khoán 2019
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng
Căn cứ theo quy định tại điều 17. Điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng Luật chứng khoán 2019 quy định cụ thể:
1. Tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng là công ty chứng khoán, tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán theo quy định của Luật này;
b) Đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật;
c) Không phải là người có liên quan với tổ chức phát hành.
2. Tổ chức thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng thực hiện bảo lãnh theo phương thức nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành chỉ được phép bảo lãnh phát hành tổng giá trị chứng khoán không được lớn hơn vốn chủ sở hữu và không quá 15 lần hiệu số giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn tính theo báo cáo tài chính quý gần nhất.
Theo quy định đưa ra như trên chúng ta có thể thấy để thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật đề ra. Nếu trong trường hợp không đáp ứng được các điều kiện này thì việc phát hành chứng khoán là vi phạm quy định và chứng khoán được phát hành ra không có giá trị.
Có thể thấy thường thì để một tổ chức nào đó thực hiện phát hành chứng khoán ra công chúng, tổ chức phát hành cần phải được sự bảo lãnh phát hành theo quy định của pháp luât. Trong trường hợp mà số lượng phát hành không lớn thì chỉ cần có một tổ chức bảo lãnh phát hành. Trong trường hợp một công ty lớn và số lượng chứng khoán phát hành vượt quá khả năng của một tổ chức bảo lãnh thì cần phải có một tổ hợp bảo lãnh phát hành, bao gồm một hoặc một số tổ chức bảo lãnh chính và một số tổ chức bảo lãnh phát hành thành viên theo quy định của pháp luật. Theo đó các tổ chức bảo lãnh phát hành được hưởng một khoản phí bảo lãnh nhất định trên số tiền thu được từ đợt phát hành. Phí bảo lãnh cao hay thấp là còn căn cứ dựa trên tính chất của đợt phát hành lớn hay nhỏ, thuận lợi hay khó khăn trên thực tế. Nếu là phát hành trái phiếu thì phí bảo lãnh phụ thuộc vào lãi suất trái phiếu lãi suất trái phiếu thấp thì phí bảo lãnh phát hành cao và ngược lại.
Pháp luật cũng đã có quy định hướng dẫn cụ thể và đưa ra khái niệm về bảo lãnh phát hành chứng khoán có thể hiểu đây là việc tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định, theo đó việc nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hay có thể là mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán ra công chúng.
Ngoài ra, trên thực tế thì việc thực hiện bảo lãnh phát hành cổ phiếu là một nghiệp vụ rất quan trọng trên thị trường chứng khoán, là bà đỡ cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp, từ đó giúp thị trường thực hiện được chức năng căn bản đầu tiên là dẫn vốn cho nền kinh tế. Bảo lãnh phát hành với sự tham gia của các công ty chứng khoán và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp sẽ góp phần phân bổ nguồn vốn từ lĩnh vực kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả, bởi mức độ rủi ro cao nên các nhà bảo lãnh chỉ nhận bảo lãnh cho các chứng khoán có hiệu quả đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán hiện nay có thể thấy nguồn vốn huy động chủ yếu tập trung vào các nhóm ngành bất động sản, tài chính và ngành tiêu dùng với những tên tuổi như Vingroup, Masan và Vietcombank…. còn lại các ngành khác sẽ gặp khó khăn hơn trong huy động vốn, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó hơn nhiều. Theo đó nếu chúng ta nhìn qua lăng kính về vai trò của các công ty chứng khoán trong việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh chứng khoán thì khả năng huy động vốn từ thị trường chứng khoán đang ngày càng trở nên hạn chế và khó khăn. Lí do bởi vì các công ty chứng khoán ít mặn mà với hoạt động bảo lãnh chứng khoán là do đây là cuộc chơi dài hơi đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh mẽ bởi phụ thuộc nhiều vào xu hướng của thị trường. Khi thị trường kém sôi động thì nhu cầu mua cổ phiếu trong các đợt phát hành thêm rất thấp và hoạt động bảo lãnh phát hành gặp nhiều rủi ro rất có thể gặp phải.
2. Một số phương thức bảo lãnh phát hành chứng khoán
– Phương thức bảo lãnh với cam kết chắc chắn: là phương thức bảo lãnh mà theo đó, tổ chức bảo lãnh cam kết sẽ mua toàn bộ chứng khoán phát hành, cho dù có phân phối hết hay không.
– Phương thức bảo lãnh với cố gắng cao nhất: là phương thức bảo lãnh mà theo đó, tổ chức bảo lãnh thoả thuận làm đại lý cho tổ chức phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không cam kết bán toàn bộ số chứng khoán, mà cam kết sẽ cố gắng hết mức để bán chứng khoán ra thị trường, nhưng phần không phân phối hết sẽ được trả lại cho tổ chức phát hành.
– Phương thức bảo lãnh theo phương thức bán tất cả hoặc không bán gì: là phương thức bảo lãnh mà theo đó, tổ chức phát hành chỉ thị cho tổ chức bảo lãnh phát hành nếu không bán hết số chứng khoán thì huỷ bỏ toàn bộ đợt phát hành.
– Phương thức bảo lãnh theo phương thức tối thiểu tối đa được hiểu là phương thức bảo lãnh trung gian giữa phương thức bảo lãnh với cố gắng cao nhất và phương thức bảo lãnh bán tất cả hoặc không bán gì. Theo phương thức này, tổ chức phát hành chỉ thị cho tổ chức bảo lãnh phát hành phải bán tối thiểu một tỷ lệ nhất định chứng khoán phát hành. Nếu lượng chứng khoán bán được đạt tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ yêu cầu thì toàn bộ đợt phát hành sẽ bị huỷ bỏ.
Phương thức bảo lãnh dự phòng đây là phương thức thường được áp dụng khi một công ty đại chúng phát hành bổ sung thêm cổ phiếu thường và chào bán cho các cổ đông cũ trước khi chào bán ra công chúng bên ngoài. Tuy nhiên, sẽ có một số cổ đông không muốn mua thêm cổ phiếu của công ty.
Hiện nay tại Việt Nam việc bảo lãnh phát hành được thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
Phương thức thứ nhất đó là mua một phần hay toàn bộ số lượng cổ phiếu hoặc trái phiếu được phép phát hành để bán lại.
Phương thức thứ hai đó là mua số cổ phiếu hoặc trái phiếu còn lại của đợt phát hành chưa được phân phối hết. Đây thực chất là một dạng của phương thức cam kết chắc chắn, nhưng tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết mua phần chứng khoán còn lại của đợt phát hành chưa được phân phối hết.
Kết luận: Dựa trên những thông tin chúng tôi đưa ra như trên có thể thấy với chức năng bảo lãnh phát hành, tổ chức thực hiện bảo lãnh sẽ sở hữu số lượng chứng khoán thực hiện bảo lãnh và theo đó rất có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro trên thực tế. Bên cạnh đó thì doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh sẽ được hưởng những lợi ích từ hoạt động này cụ thể như phí bảo lãnh, phần chênh lệnh giá bảo lãnh, căn cứ vào phương thức bảo lãnh và những điều khoản của hợp đồng bảo lãnh. Với mục đích để có thể giảm thiểu rủi ro của đợt phát hành, tổ chức phát hành chứng khoán và tổ chức cam kết bảo lãnh sẽ phải thống nhất trên các phương diện về giá và dựa trên thời gian phát hành và các yếu tố khác có liên quan giúp làm tăng khả năng thành công của đợt phát hành.
Bên cạnh đó nên lưu ý vì Luật Chứng khoán hiện nay chỉ quy định, các Doanh nghiệp khi tiến hành phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) phải có một tổ chức tài chính tư vấn, chứ không bắt buộc phải có một đơn vị bảo lãnh cho đợt phát hành đó. Trong các trường hợp Luật bắt buộc phải có bảo lãnh phát hành thì người đầu tư sẽ an tâm hơn, vì giá cổ phiếu đó đã được ở một chừng mực nào đó sẽ trở nên chuẩn hơn và tình trạng IPO không thành công và phát hành cổ phiếu phải chào bán lại, chào bán lần hai sẽ không xảy ra.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Điều kiện thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán ra công chúng” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.