Điều kiện và thủ tục để được nhà nước cho thuê đất, giao đất      

Điều kiện để được nhà nước cho thuê đất, giao đất? Thủ tục để được nhà nước cho thuê đất, giao đất?

Giao đất, cho thuê đất là một thủ tục pháp lý được nhiều người quan tâm. Bởi lẽ khi nhu cầu xã hội, kinh tế ngày càng phát triển sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng, phục vụ cho nhu cầu sinh sống, kinh doanh. Do đó, để có thể được nhà nước giao đất, cho thuê đất thì cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định. Vậy, điều kiện và thủ tục để được nhà nước cho thuê đất, giao đất? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về vấn đề nêu trên.

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

Căn cứ pháp lý:

  • Luật đất đai 2013;
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai;

1. Điều kiện để được nhà nước cho thuê đất, giao đất

Thứ một, giao đất có thu tiền sử dụng đất được nhà nước giao đất để sử dụng cho các mục đích sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở, tức là xây dựng nhà cửa để phục vụ cho nhu cầu sinh sống, cư trú ổn định.
  • Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê. Đây là một hình thức sử dụng khá phổ biến trong thực tế khi số lượng người lao động sinh sống tại các khu đô thị, thành phố ngày càng cao. Chính vì vậy việc xây dựng nhà ở để cho thuê khá được ưa chuộng.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
  • Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng (sau đây gọi tắt là đất nghĩa trang, nghĩa địa);
  • Tổ chức kinh tế được giao đất để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng, trong đó có diện tích nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.

Thứ hai, các trường hợp được nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây:

– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

– Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129 của Luật đất đai về hạn mức giao đất nông nghiệp;

– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;

– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh;

– Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê;

– Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

– Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.

Thứ ba, điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư

Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện sau đây:

– Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư;

– Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư;

– Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

Và lưu ý:

– Đối với những dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao  đất, cho thuê đất khi có một các văn bản sau đây:

+ Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên;

+ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10 héc ta đất trồng lúa; dưới 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

  • Còn đối với các dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

Như vậy, để có thể được giao đấy, cho thuê đất thì cá nhân, tổ chức cần phải đáp ứng các điều kiện trên để có thể được nhà nước chấp thuận.

2. Thủ tục để được nhà nước cho thuê đất, giao đất

Thứ nhất, trình tự thủ tục để được nhà nước cho thuê đất, giao đất

Để có thể được nhà nước giao đất, cho thuê đất thì cá nhân, hộ gia đình, tổ chức cần phải thực hiện các bước sau đây:

Bước 1: Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người xin giao đất, thuê đất lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất; thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bước 2: Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp

  • Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không cùng nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì phòng Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất đề nghị xác nhận theo quy định.

– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm gửi văn bản xác nhận cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình, cá nhân đó.

Bước 3: Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất.

Bước 4: Người được giao đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, người được thuê đất nộp tiền thuê đất.

Bước 5: Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bước 6: Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được giao đất, cho thuê đất.

Bước 7: Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Thứ hai, cách thức thực hiện: Cá nhân, hộ gia đình hoặc cá nhân có thể nộp hồ sơ thông qua phương thức nộp trực tiếp:

– Thời hạn giải quyết là 20 ngày

– Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. – Thời hạn giải quyết: + Không quá 20 ngày (không kể thời gian giải phóng mặt bằng; không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất). + Không quá 30 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Thứ ba, hồ sơ

  • Đơn xin giao đất, cho thuê đất; 01 bản chính.
  • Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo địa chính thửa đất (Phòng tài nguyên và môi trường có trách nhiệm cung cấp trích lục bản đồ địa chính thửa đất đối với những nơi đã có bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo địa chính thửa đất theo yêu cầu của người xin giao đất, thuê đất). 01 bản chính.
  • Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất; 01 bản chính.

Thứ tư, cơ quan thực hiện: Phòng tài nguyên và môi trường nơi có bất động sản

Thứ năm, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

+ Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;

+ Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;

+ Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;

+ Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;

+ Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

+ Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;

+ Giao đất đối với cộng đồng dân cư.

– Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

– Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất thuộc các trường hợp nêu trên sẽ không được ủy quyền. Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm giải quyết của cơ quan thẩm quyền.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật LVN Group về điều kiện và thủ tục để được nhà nước cho thuê đất, giao đất. Trường hợp có thắc mắc xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com