Giải quyết ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên

Ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên? Giải quyết ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên?

Hôn nhân được hình thành dựa trên sự tự nguyện của cả vợ và chồng. Tuy nhiên, không phải hôn nhân nào cùng bền bỉ và tồn tại lâu dài, khi đó, ly hôn xuất hiện. Là một bên của quan hệ hôn nhân, nên vợ hoặc chồng đều có quyền đơn phương ly hôn khi nhận thấy mục đích của hôn nhân không đạt được như mong muốn. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về giải quyết ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên.

Tổng đàiLVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191

1. Ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên

Tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thì ly hôn là một sự kiện pháp lý phát sinh do yêu cầu của một bên vợ chồng hoặc cả hai bên vợ, chồng hoặc chủ thể khác do pháp luật quy định làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa hai bên vợ, chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án. Trong chế định ly hôn, pháp luật quy định bao gồm thuận tình ly hôn và ly hôn do một bên yêu cầu. Thuận tình ly hôn là trường hợp cả hai vợ chồng cùng thống nhất ý chí yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trên cơ sở đã thỏa thuận về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của con thì Tòa án công nhận ly hôn. Còn ly hôn do một bên yêu cầu là việc vợ hoặc chồng hoặc cha mẹ, người thân thích vợ, chồng yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ vợ, chồng bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Việc quy định ly hôn do yêu cầu của một bên có ý nghĩa to lớn nhằm giải thoát các bên khỏi quan hệ hôn nhân, chấm dứt những mâu thuẫn trầm trọng đã và đang kéo dài trong đời sống hôn nhân. Bên cạnh đó, việc này cũng góp phần làm ổn định quan hệ hôn nhân, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Việc quy định này cũng góp phần bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em khỏi hành vi bạo lực gia đình, góp phần củng cố chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, tự nguyện, tiến bộ, bảo đảm bình đẳng trong quan hệ hôn nhân.

Hiện nay, căn cứ ly hôn một bên yêu cầu theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 theo đó thì có các căn cứ sau:

 – Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

– Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

– Ly hôn trong trường hợp cha, mẹ hoặc người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏa và tinh thần của họ.

2. Giải quyết ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên

Việc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ chồng được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật khác liên quan. Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong một số trường hợp nhất định, bao gồm “ Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi ”. Theo đó, pháp luật chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi vợ thuộc những trường hợp trên, còn người vợ không bị hạn chế quyền ly hôn khi họ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Pháp luật hôn nhân gia đình quy định như vậy nhằm bảo vệ lợi ích của phụ nữ và trẻ em, người chồng phải có trách nhiệm chăm sóc vợ, chăm sóc con cái trong thời kỳ vợ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ bởi đây là những giai đoạn “ nhạy cảm ” về mặt tinh thần của người vợ, người chồng cần phải đồng cảm và chăm sóc người vợ.

Quan hệ hôn nhân được gắn kết giữa hai chủ thể nên do đó Nhà nước luôn muốn tạo ra nhiều cơ hội nhằm hàn gắn lại mối quan hệ hôn nhân thông qua một chủ thể trung gian thứ ba, có thể là người thân, gia đình, bạn bè hoặc một cá nhân, cơ quan tổ chức nào đó. Theo đó, bắt đầu từ Luật hôn nhân và gia đình 2000 và nay là Luật hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật Việt Nam đã quy định việc khuyến khích hòa giải ở cơ sở. Luật hòa giải cơ sở 2013 quy định “ Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp chấp vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.” “Cơ sở là thôn làng ấp bản buôn phum, sóc, tổ dân phố khu phố khối phố và cộng đồng dân cư khác”. Những người hòa giải viên ở đây là người trong phạm vi nhỏ, gắn liền với cuộc sống hằng ngày của hai bên vợ chồng có thể nắm bắt qua về tình hình đời sống vợ chồng trên cơ sở đó có thể đứng ra hòa giải, gia quyết mâu thuẫn, xung đột giữa hai bên vợ chồng khi có dự định ly hôn. Tuy nhiên do khâu hòa giải cơ sở này không mang tính bắt buộc và chỉ được thực hiện khi có yêu cầu nên thực tế hoạt động này diễn ra không phổ biến.

Đối với một vụ án ly hôn, yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn là yêu cầu cơ bản và bắt buộc. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết các đương sự có thể yêu cầu giải quyết các vấn đề về con chung, cấp dưỡng, chia tài sản chung vợ chồng, thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung. Đặc biệt, các yêu cầu này có thể được giải quyết cùng lúc với yêu cầu ly hôn trong cùng một vụ án hoặc có thể được giải quyết một cách độc lập sau khi có bản án, quyết định của hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc giải quyết yêu cầu ly hôn. Đây chính là tính đặc trưng trong quan hệ hôn nhân so với các quan hệ dân sự khác. Bên cạnh đó, quyền ly hôn là quyền nhân thân mà cụ thể hơn là quyền nhân thân không gắn với tài sản (là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác). Theo đó, khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự hướng dẫn cụ thể “Đối với việc ly hôn đơn phương không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình tin họ là người đại diện”.  Như vậy, một bên vợ, chồng phải là người trực tiếp nộp đơn ly hôn tới Tòa án và trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng không được ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức khác.

Khi đó, bên vợ (chồng) gửi đơn yêu cầu giải quyết ly hôn thì họ được xác định tư cách là nguyên đơn  – người khởi kiện còn phía bên chồng (vợ) còn lại được xác định tư cách bị đơn ngoài ra, còn có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (nếu có).

Ở giai đoạn nộp đơn ly hôn, thì bên vợ/chồng nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cần phải xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Việc xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết là một trong những điều kiện tiên quyết để Tòa án tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án ly hôn. Nguyên tắc xác định thẩm quyền của Tòa án được áp dụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể tại Điều 35 và Điều 39, Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hình thức đơn ly hôn phải đáp ứng các yêu cầu của Đơn khởi kiện, được ban hành là mẫu 23-DS theo Nghị quyết số 01/2017/NQ- HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự. Vợ/chồng có yêu cầu ly hôn có thể nộp đơn trực tiếp tại Tòa án, gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc gửi đơn thông qua phương thức điện tử (tức qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án nếu có).

Hồ sơ cần gửi khi đơn phương yêu cầu ly hôn đó chính là: đơn xin ly hôn; chứng minh nhân dân/CCCD/ Hộ chiếu; hộ khẩu (bản sao có chứng thực); Giấy chứng nhận kết hôn (bản sao có chứng thực); giấy khai sinh con chung (bản sao có chứng thực); giấy tờ chứng minh tài sản chung (nếu tranh chấp tài sản chung)

Ở giai đoạn nhận và xử lý đơn ly hôn, thì Tòa án tiến hành thực hiện theo thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện thông thường.

Ở giai đoạn thụ lý vụ án ly hôn, sau khi đơn ly hôn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo thì Thẩm phán ra thông báo cho bên vợ (chồng) yêu cầu ly hôn biết để họ thực hiện thủ tục nộp tạm ứng án phí, sau khi đương sự thực hiện xong thủ tục nộp tạm ứng án phí, thì Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án. Giai đoạn này cũng thực hiện theo thủ tục thụ lý vụ án dân sự thông thường.

Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như lập hồ sơ vụ án, xác định tư cách các đương sự, người tham gia tố tụng khác, xác định quan hệ tranh chấp,…. Một hoạt động quan trọng trong giai đoạn này đó chính là tiến hành hòa giải. Đối với vụ án ly hôn, thì tùy theo tính chất, mức độ, mà Tòa án quyết định số lần tiến hành hòa giải, tuy nhiên, thông thường sẽ tiến hành hòa giải 2-3 lần. Sau quá trình tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đối với vụ án lý hôn, tùy từng tính chất vụ việc ly hôn, Thẩm phán ra một trong các quyết định:

– Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự;

– Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình;

– Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình;

– Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Và phiên tòa sơ thẩm thì thủ tục phiên tòa sơ thẩm được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự bao gồm giai đoạn bắt đầu phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa, nghị án và tuyên án.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com