Phân biệt giải thể và phá sản doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm? Quy định về giải thể doanh nghiệp bảo hiểm? Quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm?
Thực chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích để sinh lợi, theo đó các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chấp nhận rủi ro của các chủ thể là người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm sẽ cần phải đóng phí bảo hiểm để các doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trên thực tế, hiện nay có nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm làm ăn thua nỗ, không có khả năng thanh toán dẫn đến phải giải thể hay phá sản. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về giải thể và phá sản doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191
Căn cứ pháp lý:
– Luật phá sản năm 2014.
– Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm.
– Luật doanh nghiệp năm 2020.
1. Phân biệt giải thể và phá sản doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm:
Giải thể được hiểu là khi doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Sau khi đã giải thể, doanh nghiệp bảo hiểm bị đóng mã số thuế và không còn tồn tại trên sổ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Phá sản được hiểu là khi doanh nghiệp bảo hiểm không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, ngay cả sau khi áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán mà vẫn mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật, dẫn đến việc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đó bị phá sản.
Hiện nay cả giải thể và phá sản đều được thực hiện theo quy định của Pháp luật Việt Nam. Ta nhận thấy, phá sản sẽ có tính bắt buộc do doanh nghiệp inh doanh bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán, còn giải thể đối với doanh nghiệp bảo hiểm thì có tính tự nguyện nhiều hơn, ngoài ra tính bắt buộc của giải thể là do có hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh.
2. Quy định về giải thể doanh nghiệp bảo hiểm:
Theo Điều 82 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về giải thể doanh nghiệp bảo hiểm quy định nội dung sau đây:
– Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể giải thể trong các trường hợp sau đây:
+ Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể giải thể trong trường hợp tự nguyện xin giải thể nếu có khả năng thanh toán các khoản nợ;
+ Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể giải thể trong trường hợp khi hết thời hạn hoạt động quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động mà không có quyết định gia hạn.
+ Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại các điểm a, b, đ và e khoản 1 Điều 68 của Luật Kinh doanh bảo hiểm cụ thể bao gồm: Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin cố ý làm sai sự thật; Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động mà không bắt đầu hoạt động; Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong giấy phép thành lập và hoạt động; Không bảo đảm các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết với bên mua bảo hiểm hay các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Việc giải thể của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trước khi giải thể, doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp Bộ Tài chính một bộ hồ sơ đề nghị giải thể và được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
Theo Khoản 2 Điều 23 Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính Phủ bộ hồ sơ giải thể của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau đây:
+ Đơn đề nghị giải thể, chấm dứt hoạt động theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
+ Quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài).
+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp quy định tại các điểm a (đối với trường hợp đề nghị gia hạn nhưng không được tiếp tục gia hạn), điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 23 Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính Phủ.
+ Bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (trong trường hợp tự nguyện giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này) đã thực hiện hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản và cam kết không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài, gồm các tài liệu sau: Báo cáo việc thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định pháp luật; Báo cáo việc thực hiện các nghĩa vụ nợ đối với bên mua bảo hiểm, bao gồm cả việc thanh toán các nghĩa vụ đến hạn theo hợp đồng bảo hiểm và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo quy định (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài); Báo cáo việc thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước và các chủ nợ khác;
Bản sao công chứng giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế; Các tài liệu chứng minh khác (nếu có).
+ Giấy phép thành lập và hoạt động.
Như vậy, để giải thể doanh nghiệp bảo hiểm các chủ thể cần có đầy đủ các loại tài liệu, hồ sơ được nêu cụ thể bên trên theo đúng quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
3. Quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm:
Trình tự, thủ tục để phá sản doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được bắt đầu từ khi doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán và bị gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tòa án có thẩm quyền sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, ra quyết định mở thủ tục phá sản và thực hiện các biện pháp cứu vãn tình thế, tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đó bị phá sản và cuối cùng nếu doanh nghiệp đó vẫn không thể đáp ứng đủ điều kiện hoạt động thì Toà án sẽ ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Tuy nhiên, trên thực tế thì doanh nghiệp bảo hiểm là một doanh nghiệp có đối tượng kinh doanh đặc biệt đó là kinh doanh sự rủi ro, do đó nên quá trình phá sản doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có những sự khác biệt so với quá trình phá sản doanh nghiệp khác.
Cụ thể, theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 thì doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định sau:
“Điều 77. Khả năng thanh toán.
1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Điều 96 của Luật này và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
3. Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm.”
“Điều 78. Báo cáo nguy cơ mất khả năng thanh toán.
1. Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán khi biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp đó thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định Chính phủ.
2. Trong trường hợp có nguy cơ mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo ngay Bộ Tài chính về thực trạng tài chính, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và các biện pháp khắc phục.”
Như vậy, ta nhận thấy, chỉ cần doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 thì doanh nghiệp bảo hiểm đó sẽ lập tức phải có báo cáo cho Bộ Tài chính để nhằm có các biện pháp khắc phục, không để tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm đó xảy ra trên thực tế. Việc khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được thực hiện theo phương án đã được Bộ tài chính chấp thuận và tuân theo đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp các phương án được sử dụng đối với doanh nghiệp bảo hiểm không có tác dụng, Bộ Tài chính sẽ ra quyết định thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm đó. Việc chấm dứt các biện pháp áp dụng nhằm mục đích khôi phục khả năng thanh toán xảy ra khi:
– Hết hạn áp dụng biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.
– Hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm trở lại bình thường.
– Doanh nghiệp bảo hiểm đã được hợp nhất, sáp nhập trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.
– Doanh nghiệp bảo hiểm lâm vào tình trạng phá sản.
Trong trường hợp khi đã hết thời hạn khôi phục khả năng thanh toán mà doanh nghiệp bảo hiểm vẫn lâm vào tình trạng phá sản thì mới áp dụng các trình tự thủ tục theo quy định của Luật phá sản 2014.
Như vậy, ta nhận thấy, theo quy định của pháp luật thì việc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có hai giai đoạn áp dụng các biện pháp cứu vãn tình thế, tức cứu vãn khả năng thanh toán của doanh nghiệp đó chính là: Khôi phục khả năng thanh toán khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán và phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán theo quy định của Luật phá sản 2014.