Hai cách thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa của ASEAN? Hàng hóa có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ? Hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý hoặc không được sản xuất toàn bộ?
Quy tắc xuất xứ được hiểu là tập hợp những quy định pháp luật và quyết định hành chính để xác định quốc gia xuất xứ của hàng hóa. Mục đích chung của quy tắc xuất xứ là nhằm xác định quốc gia mà hàng hóa “thực sự được thu hoạch hoặc sản xuất, gia công và chế biến tại đó. Vậy quy tắc xuất xứ hàng hóa của ASEAN là gì? Hai cách thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa của ASEAN?
LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
– Trong các khu vực thương mại tự do (FTA), để xác định hàng hóa được hưởng ưu đãi thương mại từ tự do hoá và tránh hiện tượng “chệch hướng thương mại”, các khu vực này đều có các quy định về xuất xứ hàng hóa. Khoản 1 Điều 22 ATIGA quy định: “Các sản phẩm mà thuế quan của quốc gia thành viên xuất khẩu đã đạt hoặc ở mức 20% hoặc thấp hơn và đáp ứng được các quy định về quy tắc xuất xứ như được quy định tại Chương 3 (về quy tắc xuất xứ), sẽ tự động được hưởng cam kết thuế quan của quốc gia thành viên nhập khẩu”. Như vậy, một trong hai điều kiện để được hưởng ưu đãi thương mại trong AFTA là phải có xuất xứ ASEAN. Hàng hóa có xuất xứ ASEAN được phân thành 2 loại: hàng hóa có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ và hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý hoặc không được sản xuất toàn bộ.
1. Hàng hóa có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ:
Loại hàng hóa này được xác định có xuất xứ ASEAN theo tiêu chí “toàn bộ”. Tiêu chí “toàn bộ trong quy tắc xuất xứ của các quốc gia và các liên kết kinh tế quốc tế, thông thường đều được xác định ở mức độ tuyệt đối”. Tức là hàng hóa phải hoàn toàn được sinh trưởng, phát triển và thu hoạch ở quốc gia xuất xứ hoặc được gia công hoàn toàn bằng các nguyên liệu của quốc gia xuất xứ. Một thành phần nhỏ nhất của nguyên liệu hoặc bộ phận, phụ tùng không có xuất xứ của quốc gia xuất khẩu sẽ làm cho sản phẩm hoàn thành liên quan mất đi tính chất “xuất xứ toàn bộ”.
– Hàng hóa có xuất xứ thuần tuý hoặc được sản xuất toàn bộ theo quy định của của ASEAN gồm:
– Nhóm 1: Nhóm hàng hóa là động thực vật sinh trưởng và được thu hoạch ở quốc gia thành viên:
+ Thực vật và các sản phẩm từ thực vật được trồng và thu hoạch ở quốc gia thành viên xuất khẩu.
+ Động vật sinh trưởng và được nuôi dưỡng tại quốc gia thành viên xuất khẩu.
+ Hàng hóa thu được từ săn bắn, bẫy, câu, đánh bắt… tại quốc gia thành viên xuất khẩu.
– Nhóm 2: Nhóm các hàng hóa phi sinh vật được khai thác ở quốc gia thành viên:
+ Khoáng sản và các sản phẩm tự nhiên khác.
+ Phế thải, phế liệu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất của quốc gia đó.
+ Phế phẩm thu nhặt được tại quốc gia thành viên được dùng làm nguyên liệu thô.
– Nhóm 3: Nhóm các sản phẩm (bao gồm cả sinh vật và phi sinh vật) được khai thác, chế biến hoặc đánh bắt từ các vùng biển bằng tàu được đăng kí và treo cờ của quốc gia thành viên:
+ Được khai thác hoặc đánh bắt trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của quốc gia thành viên.
+ Được khai thác hoặc đánh bắt trên vùng biển quốc tế.
+ Được khai thác, chế biến hoặc đánh bắt từ đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ngoài lãnh hải quốc gia thành viên, nơi mà quốc gia đó có quyền khai thác.
– Nhóm 4: Nhóm các sản phẩm chế tạo là các hàng hóa được sản xuất tại quốc gia xuất khẩu, hoàn toàn bằng các nguyên liệu thuộc các nhóm trên.
Như vậy, hàng hóa từ nhóm 1 đến nhóm 3 là hàng hóa có tính chất “xuất xứ thuần tuý”, còn nhóm 4 là hàng hóa được “sản xuất toàn bộ”.
2. Hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý hoặc không được sản xuất toàn bộ:
Là những sản phẩm được sản xuất toàn bộ hoặc từ một phần nguyên vật liệu, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu hoặc không rõ xuất xứ (hay còn gọi là nguyên liệu không có xuất xứ).
– Trong số đó, chỉ những sản phẩm được sản xuất, gia công, chế biến đạt “mức độ đầy đủ” tại quốc gia xuất khẩu mới được coi là có xuất xứ của quốc gia đó. Các tiêu chuẩn xuất xứ hiện nay trên thế giới đối với loại hàng hóa này đều nhằm để xác định tính chất “mức độ đầy đủ” đó. Theo các quy định pháp luật của ASEAN, hàng hóa thuộc loại này được coi là có xuất xứ ASEAN khi đáp ứng một trong 3 tiêu chuẩn: tiêu chuẩn hàm lượng giá trị khu vực, tiêu chuẩn chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc tiêu chuẩn cộng gộp.
– Tiêu chuẩn hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value Content – RVC): Theo quy định tại Điều 28 và Điều 29, hàng hóa được sản xuất tại quốc gia thành viên và có RVC không dưới 40% thì được coi là có xuất xứ ASEAN. Có 2 cách tính hàm lượng giá trị ASEAN:
+ Phương pháp trực tiếp:
RVC = (( Chi phí nguyên vật liệu ASEAN + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí phân bổ trực tiếp + Chi phí khác + Lợi nhuận) / Giá FOB) ) x 100%
+ Phương pháp gián tiếp:
RVC = (( Giá FOB – Giá trị của nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc hàng hóa không có xuất xứ) /Giá FOB)) x 100%
Trong đó:
– Giá FOB là giá trị của hàng hóa được giao tại boong tàu, bao gồm chi phí vận tải đến cảng hoặc khu vực giao hàng cuối cùng tại quốc gia xuất khẩu.
– Chi phí phân bổ trực tiếp gồm khấu hao tài sản, thiết bị, tiền sáng chế, chi phí điện, nước, các khoản trả lãi, thuê mua…)
– Tiêu chuẩn chuyển đổi mã số hàng hóa (Change in Tariff Classification – CTC): Theo tiêu chuẩn này, hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu “tất cả các nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó đã trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) ở cấp 4 số của Hệ thống hài hoà (0)
– Khác với tiêu chuẩn hàm lượng giá trị khu vực (dùng để xác định tỉ lệ phần trăm giá trị nội địa so với giá trị nhập khẩu trong tổng giá trị hàng hóa), tiêu chuẩn này có tính kĩ thuật (về hải quan), được dùng để xác định xem liệu các nguyên vật liệu (chứ không phải là bản thân hàng hóa) không có xuất xứ đã được “gia công, chế biến đầy đủ” tại quốc gia thành viên hay chưa. Về nguyên tắc chung, hoạt động gia công, chế biến được coi là “đầy đủ” khi đã thay đổi thực chất tính chất hoặc đặc tính riêng của nguyên liệu đã sử dụng. Sự thay đổi đặc tính đó được xác định một cách kĩ thuật là nguyên vật liệu đó đã được chuyển đổi mã số hàng hóa trong hệ thống hài hoà.
– Hệ thống hài hoà mô tả và mã số hàng hóa thường được gọi tắt là hệ thống hài hoà hoặc hệ thống HS, là hệ thống tên gọi và mã số hàng hóa được tiêu chuẩn hoá quốc tế, dùng để phân loại hàng hóa. Tuỳ vào tên gọi, mô tả về tính chất, thành phần, cấu tạo, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hóa để xác định, sắp xếp hàng hóa vào mã số nhất định trên cơ sở các quy tắc của hệ thống hài hoà đó. Trong mỗi hệ thống mã số và mô tả hàng hóa, thông thường, cấp độ 4 số là mã hiệu của nhóm hàng, 6 số là mã hiệu của phân nhóm hàng 6 số, 8 số là mã hiệu của phân nhóm hàng 8 số…
– Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) ở cấp độ 4 số hay còn gọi là chuyển đổi nhóm được thể hiện ở việc một thành phẩm được sản xuất ra phải có mã số HS ở cấp 4 số khác với mã số HS (cũng ở cấp 4 số) của các nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất ra sản phẩm đó. Hay nói cách khác, thành phẩm phải được xếp hạng mục cấp 4 số khác với hạng mục của tất cả nguyên vật liệu nhập khẩu đã sử dụng, điều này có nghĩa là thành phẩm không nằm trong các nhóm hàng của các nguyên vật liệu nhập khẩu đã sử dụng.
– Hiện nay trên thế giới có nhiều hệ thống HS khác nhau, hệ thống HS được áp dụng trong AFTA là hệ thống trong Phụ lục của Công ước về hệ thống hài hoà mã số và mô tả hàng hóa, được thông qua và áp dụng ở các quốc gia thành viên theo luật pháp của quốc gia đó.
– Đây là tiêu chuẩn hiện đại, khá mới mẻ so với Việt Nam và nhiều quốc gia ASEAN” nhưng do nó có nhiều ưu điểm nên đã được ASEAN đưa vào ATIGA. Việc áp dụng quy tắc này sẽ không bị lệ thuộc vào tỉ giá hối đoái, giá nguyên vật liệu, quy tắc kế toán… như khi áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng giá trị khu vực, nó chỉ đơn giản là dựa vào sự thay đổi đáng kể về mã số HS của sản phẩm được sản xuất ra so với mã số HS ban đầu của nguyên liệu được đưa vào sản xuất đồng thời nó cũng tiện lợi cho việc lưu trữ hồ sơ.
– Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều sản phẩm được chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng thực chất không được gia công, chế biến “đầy đủ” tại quốc gia xuất khẩu. Vì vậy, quy tắc xuất xứ của các quốc gia hoặc các FTA thường đưa ra danh mục các hoạt động gia công, chế biến phải được thực hiện tại quốc gia xuất khẩu đối với các nguyên liệu nhập khẩu để thành phẩm được coi là có xuất xứ của quốc gia đó. Đây có thể được coi là một trong các điều kiện bổ sung của tiêu chuẩn chuyển đổi mã số hàng hóa.
– Tiêu chuẩn cộng gộp: Trong trường hợp nguyên vật liệu và các công đoạn sản xuất hàng hóa liên quan đến nhiều quốc gia ASEAN thì xuất xứ ASEAN của hàng hóa có thể được xác định theo tiêu chuẩn cộng gộp như sau:
– Hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia thành viên, được sử dụng làm nguyên liệu tại lãnh thổ của quốc gia thành viên khác để sản xuất ra một sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan sẽ được coi là có xuất xứ của quốc gia thành viên sản xuất ra sản phẩm đó.
– Nếu RVC của nguyên vật liệu nhỏ hơn 40%, hàm lượng giá trị ASEAN này sẽ được cộng gộp theo đúng tỉ lệ thực tế vào hàm lượng nội địa với điều kiện hàm lượng giá trị ASEAN này bằng hoặc lớn hơn 20%.
– Hiện nay, chứng nhận xuất xứ của ASEAN được thực hiện theo thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của ATIGA và tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các Biên bản ghi nhớ để thực hiện các dự án thí điểm thực hiện hệ thống tự chứng nhận xuất xứ tại các quốc gia.