Khái quát chung về đất nông nghiệp? Khái quát chung về hiệu quả sử dụng đất?
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Việc các cá nhân, tổ chức sử dụng đất nông nghiệp hiện đang có những vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp hàng hoá. Luật Đất đai năm 2013 ra đời đã góp phần tăng cường hiệu quả của việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất. Việc sử dụng đất một cách hợp lý, thích hợp với tính chất của từng loại đất, phù hợp với yêu cầu chung của xã hội đã góp phần bảo vệ quỹ đất quốc gia và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191
1. Khái quát chung về đất nông nghiệp:
1. Đất nông nghiệp là gì?
Đất nông nghiệp là tất cả những diện tích đất được các cá nhân hay tổ chức sử dụng với mục đích sản xuất nông nghiệp cụ thể như là: hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, diện tích nghiên cứu thí nghiệm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Kể cả diện tích đất lâm nghiệp và các công trình xây dựng cơ bản phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp.
Như vậy, ta nhận thấy, đất nông nghiệp tham gia vào các ngành sản xuất lương thực, thực phẩm như ngành thủy sản, ngành trồng trọt, chăn nuôi.
Hay hiểu một cách đơn giản nhất, đất nông nghiệp là loại đất có mục đích sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Đây là cách gọi loại đất theo mục đích sử dụng đất.
1.2. Phân loại các loại đất nông nghiệp:
Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì căn cứ vào mục đích sử dụng đất thì đất nông nghiệp được chia thành nhiều loại đất khác nhau cụ thể như sau:
Thứ nhất, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm:
Đất nông nghiệp có mục đích trồng cây hàng năm là loại đất được dùng để trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng và thu hoạch trong khoảng thời gian rất ngắn cụ thể như các loại cây hoa màu, cây trồng lúa. Hiện nay, để xác định phần đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, đất nông nghiệp dùng cho chăn nuôi:
Đúng như tên gọi, đất nông nghiệp có mục đích dành cho chăn nuôi là một loại đất nông nghiệp có mục đích chủ yếu được sử dụng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm,… Cụ thể như là loại đất chuyên trồng cỏ tự nhiên làm thức ăn cho chăn nuôi của động vật,…
Thứ ba, đất trồng cây lâu năm:
Đất nông nghiệp có mục đích trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng trên một năm. Cụ thể như cây ăn quả, cây điều,… Đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và đất nông nghiệp trồng cây hàng năm có sự khác nhau ở thời gian sinh trưởng, thời gian thu hoạch của cây không phải căn cứ theo thời gian sử dụng của đất là ngắn hay dài.
Thứ tư, đất rừng sản xuất:
Theo quy định của pháp luật đất đai, đất rừng sản xuất được hiểu là một trong những bộ phận đất nông nghiệp rất quan trọng, đất rừng sản xuất là một loại đất rừng tự nhiên. Cơ quan Nhà nước giao đất này cho các tổ chức nhằm mục đích quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, Nhà nước thường thực hiện các dự án, kế hoạch giao đất rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lâm nghiệp trên những phần đất này theo hạn mức mà Nhà nước giao.
Đối với phần đất rừng sản xuất ở những nơi ở xa khu dân cư thì Nhà nước có trách nhiệm thực hiện việc giao phần đất này cho những tổ chức để quản lý, bảo vệ rừng có thể được kết hợp kinh doanh các cảnh quan, khu du lịch sinh thái.
Ngoài ra đối với các phần đất rừng sản xuất này thì nhà nước còn có thể cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình , cá nhân thuê để mục đích thực hiện các sự án trồng rừng hoặc xây khu du lịch sinh thái.
Thứ năm, đất rừng phòng hộ:
Đất nông nghiệp là rừng phòng hộ là đất được sử dụng nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, là một phần để giúp chống xói mòn, hạn chế thiên tai, có tác dụng làm cân bằng môi trường sinh thái và điều hòa khí hậu.
Đất rừng phòng hộ bao gồm nhiều loại khác nhau cụ thể như: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ dùng để chắn gió, dùng chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo quy định của Luật đất đai 2013, Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ sáu, đất rừng đặc dụng:
Đất nông nghiệp là rừng phòng hộ được thành lập với mục đích chủ yếu với mục đích để bảo tồn thiên nhiên, cân bằng hệ sinh thái rừng của quốc gia, ngoài ra để nhằm những mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, kết hợp phát triển kinh tế như danh lam thắng cảnh khu vui chơi nghỉ ngơi giải trí hay được xem là di tích lịch sử cần được bảo vệ.
Khi Nhà nước tiến hành giao đất này giao cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ bảy, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối:
Đối với đất nuôi trồng thủy sản thường là đất để nuôi trồng thuỷ sản, thường là những phần đất nội địa bao gồm ao, hồ, sông, ngòi hay những phần đất có mặt nước bao gồm cả trang trại được giao để nhằm mục đích nuôi trồng và phát triển về ngành thủy sản.
Còn đất làm muối được xác định là phần diện tích đất trong quy hoạch để sản xuất muối được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Thứ tám , các loại đất nông nghiệp khác:
Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi được cơ quan có thẩm quyền cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống phục vụ nông nghiệp.
2. Khái quát chung về hiệu quả sử dụng đất:
2.1. Hiệu quả sử dụng đất là gì?
Hiểu một cách đơn giản, sử dụng đất đai là việc các cá nhân, tổ chức sử dụng, khai thác các thuộc tính có ích của đất đai vì mục đích kinh tế và đời sống, xã hội trong quá trình sử dụng đất.
Theo quy định của pháp luật đất đai, người sử dụng đất là các tổ chức trong nước; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp cỏ von đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất hay cho phép được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam chưa đưa ra một khái niệm cụ thể nào về hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản thì hiệu quả sử dụng đất là việc các chủ thể là người sử dụng đất sử dụng, khai thác các thuộc tính có ích của đất đai trong quá trình sử dụng đất một cách có hiệu quả vì mục đích kinh tế và đời sống, xã hội.
2.2. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất:
Từ thực tế ta nhận thấy, mục tiêu của việc đánh giá hiệu quả sử dụng đất là đánh giá những kiểu sử dụng đất nào có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường, trên cơ sở đó đề xuất sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả tại địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố dẫn đến có sự thay đổi theo thời gian, giá cả hàng hoá, nhu cầu thị trường… Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa lớn trong việc sử dụng đất nông nghiệp theo hướng hiệu quả tổng hợp tại vùng nghiên cứu và các vùng nông nghiệp khác để đem lại những lợi ích chung cho người dân tại địa phương đó.
Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất bao gồm:
Thứ nhất: Các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế:
Được thể hiện thông qua các giá trị cụ thể như sau:
– Giá trị sản xuất: là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra trong một chu kỳ sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Công thức: Giá trị sản xuất = Sản lượng sản phẩm x Giá thành sản phẩm.
– Chi phí trung gian: là toàn bộ các khoản chi phí vật chất bằng tiền mà chủ hộ bỏ ra thuê và mua các yếu tố đầu vào và dịch vụ sử dụng trong quá trình sản xuất.
– Giá trị gia tăng: là hiệu số của giá trị sản xuất với chi phí trung gian.
– Hiệu quả đồng vốn: được tính bằng công thức: GTGT/TPTG.
Thứ hai: Chỉ tiêu hiệu quả xã hội:
Để các cơ quan chức năng có thể đánh giá hiệu quả xã hội của các loại hình sử dụng đất căn cứ vào một số chỉ tiêu như khả năng thu hút lao động (Ngày công lao động), giải quyết việc làm đảm bảo thu nhập thường xuyên cho nông dân (Giá trị ngày công lao động: Tính bằng giá trị gia tăng/tổng số công lao động).
Thứ ba: Chỉ tiêu hiệu quả môi trường:
Đối với trường hợp nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng đất chỉ là để xem xét đánh giá hiệu quả môi trường của từng kiểu sử dụng đất dựa trên việc cho điểm của hai tiêu chí sau, đó là:
– Đầu tiên là mức độ sử dụng phân bón.
– Sau đó là thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác.
Các tiêu chí đưa ra được dựa trên khả năng ảnh hưởng hiện tại và lâu dài đối với môi trường trong quá trình sử dụng đất.
Mức độ phân cấp chỉ tiêu đánh giá căn cứ vào kết quả thực tế của các hộ sử dụng đất nông nghiệp với 3 cấp cụ thể là: Cao, thấp và trung bình, tương ứng với mức điểm 3, 2, và 1
Thứ tư: Đánh giá hiệu quả chung của các kiểu sử dụng đất:
Mức phân cấp tổng hợp được dựa trên cơ sở tổng hợp của ba nhóm tiêu chí cơ bản đó là: kinh tế, xã hội và môi trường. Phần khoảng được chia tương đối đều giữa ba khoảng như sau:
LUT đạt hiệu quả cao có số điểm từ 15 đến 21 điểm.
LUT đạt hiệu quả trung bình có số điểm từ 7 đến 14 điểm.
LUT đạt hiệu quả thấp có số điểm nhỏ hơn 7 điểm.