Hòa giải tranh chấp lao động là gì? Trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân?

Hòa giải tranh chấp lao động là gì? Trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân?

 Hòa giải là một trong những phương án giải quyết tranh chấp có rất nhiều ưu điểm như thời gian giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, hạn chế làm tăng mâu thuẫn, xung đột giữa các bên… Chính vì vậy, khi có tranh chấp nói chung hay tranh chấp lao động, tranh chấp lao động cá nhân nói riêng thì hòa giải tranh chấp lao động là cách được các bên ưu tiên lựa chọn.

Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.0191

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Lao động năm 2019

1. Khái niệm hòa giải tranh chấp lao động

“Hòa giải tranh chấp lao động” là một thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản pháp luật lao động. Tuy nhiên, thuật ngữ này lại không được giải thích cụ thể trong Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành nên gây ra nhiều khó khăn cho áp dụng pháp luật lao động về hòa giải tranh chấp lao động.

Theo Từ điển Tiếng Việt, thì hòa giải “là dàn xếp nhằm chấm dứt một xung đột” hoặc “là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hay xích mích một cách ổn thỏa”. Xem xét khái niệm hòa giải trong từ điển của một số nước thấy rằng, “hòa giải là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính chất riêng tư, trong đó, hòa giải viên lao động là người thứ ba trung gian giúp các bên tranh chấp đạt được một sự thỏa thuận”, hay “hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của người trung gian thứ ba (hòa giải viên) để giúp đưa ra các đề nghị giải quyết một cách thân thiện”, hòa giải là một biện pháp cũng là một nguyên tắc phổ biến trong giải quyết nhiều loại tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động… Hòa giải có thể diễn ra trong qua trình tố tụng hoặc ngoài quá trình tố tụng.

Hòa giải là một biện pháp tích cực trong giải quyết tranh chấp khi các bên cùng có thiện chí và cùng mong muốn giải quyết tranh chấp trên tinh thần tự nguyện, tự thương lượng. Tuy vậy, các bên cũng cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn và độc lập để dễ dàng hơn trong việc tìm ra một giải pháp hợp tình, hợp lý. Kết quả của hòa giải sẽ giải quyết được tranh chấp lao động hoặc không. Kết quả đó thường được thể hiện bằng một biên bản, trong đó đề cập đến các nội dung như những sự kiện pháp lý liên quan, quan điểm của mỗi bên về tranh chấp, các giải pháp được các bên đưa ra, các yêu cầu, thỏa thuận, cam kết đã đạt được. Khi đạt được thỏa thuận, các bên có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận đó như thực hiện một hợp đồng. Trong trường hợp các bên không thực hiện nghiêm chỉnh, đó có thể là căn cứ để bên còn lại đưa ra yêu cầu đến các cơ quan có thẩm quyền để những thỏa thuận đó có thể được thực hiện trong thực tế bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Trong trường hợp không đạt được sự thỏa thuận nào, biên bản hòa giải không thành có thể trở thành căn cứ pháp lý để các bên tiếp tục theo đuổi tranh chấp ở các biện pháp, phương thức khác.

Như vậy, với những phân tích trên đây, có thể xây dựng khái niệm về hòa giải tranh chấp lao động, theo đó, hòa giải tranh chấp lao động là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động giữa các chủ thể tranh chấp thông qua việc các bên thương lượng với sự trợ giúp của người thứ ba là hòa giải viên lao động.

Hòa giải tranh chấp lao động trong tiếng Anh là “The mediation of labor disputes”

2. Trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân:

Thứ nhất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

– Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp động đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

– Hội đồng trọng tài lao động là do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động, bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động.

– Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử cao nhất, những vấn đề được giải quyết tại Tòa án có giá trị pháp lý và bắt buộc những chủ thể tham gia trong quan hệ này bắt buộc phải thực hiện, trường hợp không thực hiện sẽ bị áp dụng chế tài để xử lý.

Thứ hai, trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân được giải quyết thông qua hai hình thức:

Một, hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

– Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đây là những hình thức xử lý đã được quy định tại nội quy lao động hoặc hợp đồng lao động. Chính vì vậy khi xảy ra tranh chấp chỉ cần dựa vào những quy định này để xử lý mà không cần phải hòa giải.

+ Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, chính vì vậy người lao động có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nhà nước nhằm được giải quyết minh bạch và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.

+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động, tương tự như trên nhằm mục đích bảo vệ những người lao động làm việc mang tính chất công việc không ổn định lâu dài, mức lương thấp và thường bị lợi dụng.

+ Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

– Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải. Người được ủy quyền phải là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tham gia vì lợi ích của người ủy quyền.

– Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

– Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản để các bên biết và thực hiện các công việc tiếp theo để bảo vệ quyền lợi của mình.

– Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Đây chính là biện pháp cuối cùng bắt buộc các bên có nghĩa vụ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và bị áp dụng hình thức cưỡng chế nếu không thực hiện theo.

– Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải là 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan  chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật lao động và không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết trừ hợp hết thời hạn giải quyết.

+ Yêu cầu Tòa án giải quyết bằng cách nộp đơn theo thủ tục quy định.

Hai, giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động

– Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp không bắt buộc qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn giải quyết là 05 ngày mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp hết thời hạn giải quyết.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên tranh chấp, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp để các bên biết được thời gian, địa điểm tham dự.

– Trường hợp hết thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thứ ba, thời hiệu yêu cầu giải quyết chấp lao động cá nhân

+ Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

+ Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

+ Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

+ Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Như vậy, giải quyết tranh chấp lao động cá nhân có thể được giải quyết theo ba thủ tục khác nhau, tuy nhiên, pháp luật nước ta ngoài những trường hợp không được hòa giải thì tất cả các thủ tục còn lại đều phải được tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu Hội động trọng tài lao động hoặc Tòa án hòa giải. Và cũng tùy theo mức độ của từng thủ tục mà thời hạn yêu cầu giải quyết có thể kéo dài hơn. Đây chính là những quy định mà pháp luật nước ta được ban hành để có thể bảo vệ được người lao động.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com