Tìm hiểu về hoạt động xây dựng? Quy định chung về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng?
Trên thực tế, chúng ta đều biết xây dựng là cụm từ đã rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ai cũng sẽ hiểu xây dựng là một lĩnh vực, một ngành nghề rất phổ biến đối với mỗi người. Hoạt động xây dựng có những ý nghĩa và vai trò quan trọng trong thực tiễn và được quy định rất cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Tìm hiểu về hoạt động xây dựng:
Ta hiểu về hoạt động xây dựng như sau:
Xây dựng được hiểu là một quy trình thiết kế và thi công để nhằm mục đích giúp các chủ thể là các cá nhân hay tổ chức có thể tạo nên các cơ sở hạ tầng hoặc nhà ở, công trình. Hoạt động xây dựng cũng có điểm khác so với hoạt động sản xuất ở chỗ sản xuất tạo một lượng lớn sản phẩm với những chi tiết giống nhau, còn những sản phẩm của xây dựng đó lại chính là sản phẩm tại những địa điểm dành cho từng chủ thể là những đối tượng khách hàng riêng biệt.
Hoạt động xây dựng sẽ được tính từ việc bắt đầu lên kế hoạch, thiết kế, lập dự toán và thi công tới khi dự án hoàn tất và sẵn sàng đưa sản phẩm vào sử dụng.
Theo Luật xây dựng năm 2014 định nghĩa về hoạt động xây dựng như sau: “Hoạt động xây dựng gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lí dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.”
2. Quy định chung về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với cá nhân:
Quy định chung về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với cá nhân:
Các cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật thì các cá nhân đó sẽ cần phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận và các văn bằng, chứng chỉ đào tạo này sẽ do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp.
Theo quy định thì đối với những chức danh, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng độc lập phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định sẽ bao gồm an toàn lao động; giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án; chủ trì thiết kế quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám sát thi công xây dựng; kiểm định xây dựng; định giá xây dựng.
Chứng chỉ hành nghề của các chủ thể là các cá nhân sẽ được phân thành hạng I, hạng II, hạng III.
Quy định về chứng chỉ hành nghề:
Theo quy định của Luật xây dựng 2014 thì ta có thể hiểu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đó chính là văn bản xác nhận năng lực hành nghề và nó sẽ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về lĩnh vực hành nghề. Và Công trình cấp IV được hiểu cơ bản chính là công trình 01 tầng có kết cấu sử dụng cấu kiện chế tạo sẵn hoặc vật liệu xây dựng có độ bền thấp tạo nên công trình có chức năng sử dụng tạm thời, có niên hạn sử dụng không vượt quá 20 năm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì ta có thể hiểu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập theo quy định.
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định pháp luật thì sẽ có hiệu lực tối đa 05 năm. Cần lưu ý đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.
Cá nhân sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP có nội dung cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Điều kiện về năng lực chủ thể:
Cá nhân khi đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; cá nhân đó cần có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Thứ hai: Điều kiện về trình độ chuyên môn:
Cá nhân phải có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định cụ thể như sau:
+ Hạng I: Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên.
+ Hạng II: Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên.
+ Hạng III: Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
– Thứ ba: Điều kiện về thi sát hạch:
Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề sẽ có trách nhiệm tổ chức sát hạch cho cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Nội dung sát hạch sẽ bao gồm phần câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp và phần câu hỏi về kiến thức pháp luật.
Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định pháp luật thì sẽ được cấp chứng chỉ khi đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
3. Quy định về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức:
Quy định chung về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức:
Các tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng theo quy định pháp luật sẽ được phân thành hạng I, hạng II, hạng III do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xây dựng đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực.
Pháp luật nước ta quy định Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng I; Sở Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hạng II, hạng III. Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật.
Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức:
Tổ chức sẽ cần phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính phủ dưới đây:
– Khảo sát xây dựng, bao gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình.
– Lập quy hoạch xây dựng.
– Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, bao gồm các loại sau đây: Thiết kế kiến trúc công trình; thiết kế kết cấu công trình dân dụng – công nghiệp; thiết kế cơ – điện công trình; thiết kế cấp – thoát nước công trình; thiết kế xây dựng công trình giao thông; thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.
– Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
– Thi công xây dựng công trình.
– Giám sát thi công xây dựng công trình.
– Kiểm định xây dựng.
– Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Điều kiện năng lực trong hoạt động xây dựng:
Để nhằm mục đích có thể hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng được nêu cụ thể bên trên thì các tổ chắc sẽ cần đáp ứng các điều kiện về năng lực hoạt động như sau:
– Thứ nhất, có chứng chỉ năng lực:
+ Theo quy định pháp luật hiện hành thì các tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực trên phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ năng lực), trừ kiểm định xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
+ Chứng chỉ năng lực theo quy định sẽ có hiệu lực tối đa 10 năm.
+ Chứng chỉ năng lực được quản lý thông qua số chứng chỉ năng lực, bao gồm 02 nhóm ký hiệu, các nhóm được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), cụ thể như sau:
Nhóm thứ nhất: Có tối đa 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ được quy định tại Phụ lục VII Nghị định Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
Nhóm thứ hai: Mã số chứng chỉ năng lực.
– Thứ hai: doanh nghiệp được thành lập hợp pháp:
Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng sẽ cần phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 hoặc tổ chức có chức năng hoạt động xây dựng được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng theo đúng như quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính Phủ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.
Cũng cần lưu ý rằng, đối với các chủ thể là những nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam thì cũng sẽ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cấp giấy phép hoạt động.