Học cử tuyển là gì? Quy định mới về chế độ cử tuyển?

Học cử tuyển là gì? Quy định mới về chế độ cử tuyển?

Cử tuyển là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có hoàn cảnh kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, có hiệu quả; đã và đang tạo ra cơ hội học tập bình đẳng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; là điều kiện, cơ hội nâng cao trình độ dân trí, chuyên môn; bổ sung đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

Cơ sở pháp lý: Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số

1. Học cử tuyển là gì?

Khái niệm về cử tuyển được luật hóa và ghi nhận tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 141/2020/NĐ-CP, cụ thể: “Cử tuyển là việc tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp đối với người học được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này.“. Đối tượng được nhắc đến ở đây là:

(1) Người dân tộc thiểu số rất ít người.

Trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, dân tộc thiểu số rất ít người dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Nhóm dân tộc này thực tế không chiếm tỷ lệ cao ở nước ta, nhưng lại là những dân tộc tập trung chủ yếu ở biên giới, số lượng hộ nghèo nhiều, cũng là nhóm dân tộc tụt hậu trong việc tiếp cận nhân lực, vật lực và dịch vụ phát triển về con người. Điều này đòi hỏi nhà nước phải có chính sách thực sự chặt chẽ, “ưu ái”, hỗ trợ nhằm giúp giải quyết được các vấn đề về con người, nhân lực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại các dân tộc thiểu số rất ít người.

(2) Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Cũng trong Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn là: “ những dân tộc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo ba tiêu chí sau:

a) Tỷ lệ hộ nghèo trong đơn vị thôn, bản chiếm trên 50% so với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước;

b) Các chỉ số phát triển về giáo dục đào tạo, sức khỏe cộng đồng và chất lượng dân số đạt dưới 30% so với mức trung bình của cả nước;

c) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chất lượng thấp, mới đáp ứng mức tối thiểu phục vụ đời sống dân cư.

Bên cạnh việc xác định được những dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn thì đây phải là những dân tộc mà chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Chính sách học cử tuyển đối với đối tượng này nhằm phục vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ tại quê hương, nâng cao trình độ dân trí và thực hiện phân bổ nguồn cán bộ có chất lượng, thực hiện việc chỉ đạo và quản lý nhà nước tại các dân tộc có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, từ đó, giải quyết được cơ bản các vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục.

Với việc đặt ra chính sách cử tuyển, nhà nước đang mong muốn thực sự phải đạt được hiệu quả tối ưu nhất, do đó, ngay từ nguồn vào, các học sinh phải thực sự có nền tảng học tập cơ bản.

2. Quy định mới về chế độ cử tuyển:

Hoàn thiện các quy định pháp luật về chế độ cử tuyển: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (thay thế Nghị định số 134/2006/NĐ-CP và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP; có hiệu lực thi hành ngày 23/01/2021). Nghị định số 141/2020/NĐ-CP đã tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác cử tuyển thời gian qua về một số nội dung cơ bản sau:

– Về đối tượng cử tuyển: Chỉ còn 02 đối tượng được cử tuyển là người dân tộc thiểu số rất ít người; là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số”.

Nghị định cũng quy định rõ: Vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có tỷ lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chưa đạt theo quy định (tính theo tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn).

– Quy định chặt chẽ các điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm cử tuyển đúng đối tượng và nâng cao chất lượng đầu vào cử tuyển: Cả 02 đối tượng được cử tuyển nêu trên đều phải đáp ứng tiêu chuẩn chung là: Thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này.

– Tuổi của người học cử tuyển không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh (quy định này làm giảm độ tuổi cử tuyển từ 25 xuống 22 tuổi so với Nghị định số 134/2006/NĐ-CP). Ngoài ra, đối với từng trình độ đào tạo là đại học, cao đẳng hay trung cấp đều có các tiêu chuẩn riêng mà người được cử tuyển phải đáp ứng. Đối với cử tuyển vào trình độ đại học, người được cử tuyển phải tốt nghiệp trung học phổ thông; Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt; Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên (theo Nghị định số 134/2006/ NĐ-CP quy định chỉ đạt từ trung bình trở lên).

– Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan; trách nhiệm của cơ sở đào tạo cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra; trách nhiệm của người học theo chế độ cử tuyển sau tốt nghiệp trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học và các trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo; trách nhiệm của địa phương trong việc xét chọn cử người đi học, phối hợp quản lý trong quá trình đào tạo, tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm cho người tốt nghiệp. Nghị định cũng đã quy định việc tổ chức cử tuyển vào các cơ sở đào tạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước số 29/2018/QH14.

Thực tế, sự ra đời của Nghị định 141/2020/NĐ-CP là sự tiếp thu, kế thừa và phát triển của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP, vì vậy, việc đặt ra các quy định mới là điều dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu về bổ sung nguồn cán bộ chất lượng, cũng như trong chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với dân tộc thiểu số.

Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân, gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đã được phát triển cả về số lượng và chất lượng thông qua việc thực hiện cử tuyển. Tuy nhiên, công tác cử tuyển cũng còn nhiều hạn chế, bất cập:

Sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tốt nghiệp ra trường chưa được bố trí việc làm còn nhiều. Chất lượng đào tạo sinh viên cử tuyển thấp, do đó khả năng tìm việc ở các doanh nghiệp hoặc ở lại thành phố cũng rất ít do không đáp ứng yêu cầu của vị trí cần tuyển. Khả năng sáng tạo khởi nghiệp, tự lập thân, lập nghiệp của sinh viên cử tuyển còn nhiều hạn chế. Chế độ học bổng chính sách (bằng 80% mức lương tối thiểu/tháng) và tiền hỗ trợ thiết bị (bằng 50% mức lương tối thiểu/01 học sinh trong suốt thời gian học tập) là quá thấp, không đủ để học sinh, sinh viên cử tuyển trang trải các chi phí cho cuộc sống và học tập. Một số học sinh, sinh viên cử tuyển gặp khó khăn do hoàn cảnh kinh tế gia đình không chu cấp thêm được đã phải xin thôi học. Một số ngành đào tạo đặc thù, kinh phí đào tạo lớn (như ngành Y, Dược,…) nhưng chính sách chi trả kinh phí đào tạo theo quy định chung, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo.

Nguyên nhân cơ bản là do việc quán triệt, nhận thức các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về chế độ cử tuyển của một số địa phương chưa đầy đủ dẫn đến tổ chức thực hiện cử tuyển thiếu chặt chẽ, không đồng bộ, có nơi còn thiếu công khai, dân chủ. Trong quá trình thực hiện công tác cử tuyển, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể. Việc xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo cử tuyển và cơ cấu số lượng giữa các dân tộc chưa phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của đơn vị sử dụng và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com