Hợp đồng bảo hiểm tài sản? Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản?
Trong những năm trở lại đây, nhu cầu và đời sống của con người ngày càng được nâng cao, do đó số lượng người tham gia vào bảo hiểm ngày càng nhiều. Mục đích chủ yếu khi cá cá nhân thực hiện việc chi trả cho các khoản bảo hiểm tài sản là để nhằm xử lý các loại rủi do hoặc biến cố không mong muốn đối với tài sản của mỗi chủ thể đó. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là một loại hợp đồng quan trọng được tạo lập giữa các bên tham gia bảo hiểm và được pháp luật nước ta ban hành các quy định cụ thể.
LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191
1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản:
1.1. Bảo hiểm tài sản là gì?
Ta có thể hiểu bảo hiểm là những quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình hình thành, phân phối và sử dụng đối với các quỹ tập trung quỹ bảo hiểm nhằm mục đích để xử lý trong các trường hợp rủi ro xảy ra trên thực tế hoặc các biến cố mà các bên không mong muốn. Bảo hiểm được hiểu là một loại bảo đảm cho quá trình tái sản xuất và đời sống của xã hội được diễn ra bình thường và nhanh chóng.
Bên cạnh đó thì bảo hiểm còn được xem là một cách thức trong quản trị rủi ro và điều này thuộc nhóm biện pháp tài trợ rủi ro, bảo hiểm được sử dụng để đối phó với những rủi ro có tổn thất, thông thường sẽ là tổn thất về tài chính và nhân mạng.
Thông qua đó, ta hiểu bảo hiểm tài sản được hiểu một cách đơn giản là loại hình bảo hiểm phi nhân thọ, khi các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm tài sản thì cá nhân, tổ chức này cần để ý đến hợp đồng bảo hiểm tài sản trước khi thực hiện ký kết để đảm bảo quyền lợi của chính mình.
1.2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là gì?
Hợp đồng bảo hiểm tài sản được hiểu là hợp đồng bảo hiểm mà đối tượng bảo hiểm là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản theo quy định cụ thể tại Điều 40 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Hợp đồng bảo hiểm tài sản được hiểu là một loại văn bản thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm tài sản sẽ có trách nhiệm cần phải đóng một khoản tiền nhất định còn được gọi là phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cần phải trả tiền bảo hiểm cho các chủ thể là người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro với tài sản đã được mua bảo hiểm. Đối tượng tài sản được bảo hiểm trên thực tế bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản khác theo như quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, hiểu đơn giản thì hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bán bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm sẽ có trách nhiệm phải đóng phí bảo hiểm hoặc là một khoản tiền để chi trả cho việc mua bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm.
Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, khi thực hiện giao kết hợp đồng thì các bên xác định ngay được giá trị bảo hiểm của đối tượng bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm tài sản theo quy định pháp luật được định nghĩa là giá trị thực tế của tài sản ở thời điểm tham gia bảo hiểm cộng với phí bảo hiểm.
Giá trị bảo hiểm tài sản cũng chính là cơ sở để xác định số tiền bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm là số tiền người được bảo hiểm yêu cầu bảo hiểm cho tài sản đó và được bảo hiểm chấp nhận theo quy định cụ thể tại Điều 41 Luật kinh doanh bảo hiểm.
2. Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản:
2.1. Các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản:
Các loại hợp đồng bảo hiểm tài sản bao gồm:
– Thứ nhất: Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị:
Theo Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đưa ra định nghĩa và quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị với nội dung cụ thể như sau:
Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được hiểu là loại hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ không được giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.
Đối với trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm cần phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan. Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm.
– Thứ hai: Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị:
Theo Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đưa ra định nghĩa và quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị với nội dung cụ thể như sau:
Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được hiểu là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Đối với trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.
– Thứ ba: Hợp đồng bảo hiểm trùng:
Theo Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã đưa ra định nghĩa và quy định về hợp đồng bảo hiểm trùng với nội dung như sau:
Hợp đồng bảo hiểm trùng được hiểu là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm với hai doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết trước đó trong hợp đồng bảo hiểm. Tổng số tiền bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật sẽ không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ có ba loại hợp đồng bảo hiểm tài sản cụ thể. Mỗi loại đã được định nghĩa và có các quy định cụ thể khác nhau về cách áp dụng và trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm.
2.2. Căn cứ bồi thường và hình thức bồi thường:
Theo Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 có quy định cụ thể nội dung sau đây:
– Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cần phải trả cho các chủ thể lag người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật sẽ được xác định dựa trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế của chủ thể đó, trừ trường hợp có các bên thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí được dùng để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
– Số tiền bồi thường cụ thể mà doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả cho các chủ thể là người được bảo hiểm sẽ không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
– Bên cạnh đó thì ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ còn phải trả cho các chủ thể là người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật.
Hình thức bồi thường:
Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có thể thỏa thuận một trong các hình thức bồi thường cụ thể sau đây:
– Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có thể thỏa thuận lựa chọn hình thức bồi thường là sửa chữa tài sản bị thiệt hại
– Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có thể thỏa thuận lựa chọn hình thức bồi thường là thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác.
– Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có thể thỏa thuận lựa chọn hình thức bồi thường là trả tiền bồi thường.
Đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thỏa thuận được về hình thức bồi thường thì việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng tiền theo đúng quy định pháp luật.
Còn đối với trường hợp bồi thường theo những trường hợp thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác và trả tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại sau khi đã thay thế hoặc bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của tài sản đó.
Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn:
Theo Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2010 quy định cụ thể về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn có nội dung như sau:
“1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Trong trường hợp người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tuỳ theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất.”
Quy định về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia bảo hiểm cũng như tránh các tổn thất, rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm tài sản của các bên.