Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra? Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra?
Hiện nay, trong hoạt động điều tra thì việc Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra đóng vai trò rất quan trọng, nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra của cơ quan điều tra tuân thủ đúng quy định của bộ luật tố tụng hình sự và luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự nhằm mục đích phát hiện và khiến nghị những điểm bất cập và sai phạm của cơ quan điều tra trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra và từ đó khắc phục sai phạm trong hoạt động điều tra. Vậy Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? Việc Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra do ai thực hiện? Dưới đây công ty Luật LVN Group chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý: Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra
Thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra được quy định tại Điều 11 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:
” Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và Điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.
1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra nhằm bảo đảm cho hoạt động Điều tra của Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này; phải phát hiện kịp thời và yêu cầu, kiến nghị Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động Điều tra.
2. Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, thông qua quy định này chúng ta thấy Viện kiểm sát tham gia kiểm sát quá trình điều tra vụ án hình sự bắt đầu từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc khi cơ quan tiến hành tố tụng kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cùng bản kết luận điều tra cho Viện kiểm sát đề nghị truy tố hoặc vụ án được đình chỉ điều tra. Viện kiểm sát giám sát trực tiếp mọi hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự; kiểm sát các hoạt động tư pháp trong quá trình điều tra vụ án hình sự nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.
Ngoài ra thì Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra thông qua các hoạt động cụ thể như kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết thông tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan điều tra hay kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, các hoạt động điều tra và lập hồ sơ vụ án hình sự của cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra,…. Pháp luật quy định Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra phải gửi các quyết định, hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật. Theo đó trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát của mình, nếu phát hiện vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền áp dụng các biện pháp hoặc kiến nghị với cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra chấm dứt hành vi vi phạm tố tụng.
2. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra
Căn cứ theo quy định tại điều 9. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Cụ thể:
” 1. Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục trinh sát biên phòng; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng; Đồn biên phòng.
2. Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.
3. Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.
4. Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.
5. Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.
6. Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) và Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện); Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam.
7. Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra gồm có Trại giam, đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.”
Như vậy, pháp luật đề ra hệ thống những cơ quan tiến hành hoạt động điều tra gồm có cơ quan của Bộ đội biên phòng, cơ quan của Hải quan, cơ quan của Kiểm lâm, cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan của Kiểm ngư, cơ quan của Công an nhân dân và cơ quan khác trong Quân đội nhân dân, mỗi cơ quan điều tra như đã nêu này sẽ thực hiện một nhiệm vụ trong hoạt động điều tra mang tính dặc thù như Cảnh sát biển sẽ điều tra những vụ án về vi phạm pháp luật trên biển, tội phạm trên biển và những hoạt động khác cơ liên quan trong khu vực biển để ngăn chặn và xử lý tội phạm theo đúng quy định mà pháp luật đề ra.
Căn cứ dựa trên quy định này chúng ta có thể thấy cơ quan điều tra có các hoạt động điều tra cơ bản để phòng, chống tội phạm ngày càng được quan tâm. Đặc biệt là điều tra cơ bản phục vụ phòng, chống tội phạm theo chức năng của lực lượng Công an cơ sở đang đặt ra hết sức cấp thiết. Bên cạnh đó thì công tác điều tra cơ bản, Công an cơ sở sẽ nắm chặt tình hình, từ đó cung cấp hỗ trợ tạo điều kiện cho việc triển khai các biện pháp, công tác nghiệp vụ khác.
Nhận thức được vai trò của hoạt động điều tra cơ bản đối với lực lượng cảnh sát điều tra trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phòng, chống tội phạm, nhằm tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, đặc biệt là hoạt động điều tra cơ bản góp phần phục vụ việc thực hiện các hoạt động chuyên môn theo phạm vi chức năng, đồng thời làm cơ sở vững chắc tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và thu được những kết quả nhất định góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững sự ổn định chính trị – xã hội ở địa bàn cơ sở phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động Điều tra” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn đọc.