Lương là gì? Cơ cấu tiền lương? Đơn giá tiền lương? Ý nghĩa của tiền lương? Các quy định về tiền lương mới nhất?
Quan hệ lao lao động và các thỏa thuận làm việc có trả công khác là các quan hệ rất phổ biến trong thực tế, nhất là trong thời đại kinh tế phát triển như hiện nay. Vậy nếu chỉ xét riêng các khoản tiền trả cho người lao động, người được thuê làm việc thì các khoản tiền nào được gọi là tiền lương và các khoản tiền nào không phải là tiền lương? Pháp luật quy định về cơ cấu, đơn giá và ý nghĩa của tiền lương như thế nào?
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật lao động do Quốc Hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019;
– Nghị định 20/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 02 năm 2020 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 12 năm 2020 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
– Thông tư 04/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động–Thương binh và Xã hội ban hành ngày 25 tháng 5 năm 2020 hướng dẫn thực hiện quy định về đơn giá khoán, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
– Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động–Thương binh và Xã hội ban hành 12 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con,
1. Tiền lương là gì?
Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động 2019, cụ thể:
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Lưu ý: Bộ Luật lao động hiện hành quy định hai trường hợp khi các bên có thỏa thuận làm việc với nhau, đó là các bên (1) Người làm việc có quan hệ lao động và (2) Người làm việc không có quan hệ lao động. Do đó, tiền lương chỉ được sử dụng trong quan hệ lao động, còn người làm việc không có quan hệ lao động thì gọi là thù lao, tiền công, .v.v, các tên gọi khác mà không phải là tiền lương.
Tiền lương trong tiếng Anh là: “Salary“
2. Cơ cấu tiền lương:
Từ quy định về tiền lương được nêu ở mục 1, cơ cấu tiền lương sẽ gồm các phần sau đây:
Tiền lương = Mức lương + Phụ cấp + Các khoản bổ sung khác.
Trong đó:
– Mức lương: Là số tiền người lao động nhận được cho công việc mình làm theo thỏa thuận được ghi trong hợp đồng lao động;
– Phụ cấp: Bộ luật lao động không định nghĩa phụ cấp là gì, tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì phụ cấp bao gồm các khoản sau:
+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Nguyên tắc trả lương trong quan hệ lao động được căn cứ theo một số quy định sau:
+ Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc theo tháng, tuần, ngày, giờ theo thởa thuận trong hợp đồng lao động, cụ thể:
+ Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc;
+ Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
+ Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
+ Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
– Tiền lương theo sản phẩm được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
– Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Một số quy định khác liên quan đến tiền lương:
– Tiền lương thử việc: Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
– Tiền lương khi chuyển sang công việc khác: Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
3. Đơn giá tiền lương:
Tương tự đối với phụ cấp, đơn giá tiền lương cũng không được Bộ luật lao động định nghĩa cụ thể là gì. Đơn giá tiền lương được nêu tại Điều 98, Chương VI của Bộ luật lao động 2019, theo đó, đơn giá tiền lương được hiểu là mức tiền lương của ngày, giờ làm việc hoặc tiền lương theo sản phẩm, sau đó nhân với hệ số quy định để tính tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Cụ thể:
3.1 Đối với tiền lương làm thêm giờ:
+ Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian. Cụ thể:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | x | Số giờ làm thêm |
+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm. Cụ thể:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% | x | Số sản phẩm làm thêm |
Trong đó:
+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
+ Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
3.2 Tiền lương làm việc vào ban đêm:
– Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
– Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định như trên, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
– Tiền lương làm việc vào ban đêm
3.3. Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm:
+ Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian. Cụ thể:
Trong đó:
– Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường được xác định theo điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
– Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định như sau:
+ Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, được tính ít nhất bằng 100% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm); ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm);
+ Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ hằng tuần, được tính ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường;
+ Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, được tính ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường.
+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm. Cụ thể:
Trong đó, đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được xác định như sau:
– Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, được tính ít nhất bằng 100% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động không làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm); ít nhất bằng 150% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường đối với trường hợp người lao động có làm thêm giờ vào ban ngày của ngày đó (trước khi làm thêm giờ vào ban đêm);
– Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ hằng tuần, được tính ít nhất bằng 200% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường;
– Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, được tính ít nhất 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường.
4. Ý nghĩa của tiền lương:
Với cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển như ngày nay thì tiền được xem là loại tài sản không thể thiếu được. Nhiều người cho rằng có tiền thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Chính vì vậy mà mọi người đều cố gắng làm việc để có thể được trả lương và sử dụng để chi trả các khoản sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Và tiền lương chính là yếu tố cơ bản để quyết định thu nhập tăng hay giảm của người lao động. Cụ thể đối với người lao động thì tiền lương chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của họ và gia đình họ. Mọi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng đã kéo theo con người cũng phải ra sức làm việc để nhận lại số tiền mà bản thân đã bỏ công sức ra làm việc. Với số tiền này họ có thể trang trải những chi phí như tiền thuê nhà, mua nhà, chi phí xăng xe, chi phí ăn uống, học hành cho con cái, tiền khám chữa bệnh, tiền nuôi dưỡng cha mẹ,…
Đối với người sử dụng lao động thì tiền lương chính là một yếu tố thể hiện tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc trả lương cần phải đảm bảo nguyên tắc công bằng chính xác, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động thì mới có thể tạo nên sự khích lệ, sự cạnh tranh với nhau từ đó giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động. Cụ thể như tăng số lượng sản phẩm, dịch vụ được bán ra thị trường, thu hút được những khách hàng lớn…Do đó, việc trả lương còn phụ thuộc vào khả năng chi trả và ý muốn trả công của công ty cho người lao động trong tương quan với sự đóng góp của họ.
Đối với xã hội thì tiền lương có thể ảnh hưởng quan trọng đến các nhóm xã hội và các tổ chức khác như quỹ từ thiện, các nhóm từ thiện hoặc cụ thể hơn là số tiền hoặc số người tham gia vào hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn sẽ nhiều hơn. Ngoài ra khi tiền lương được nhận ổn định hoặc tăng hơn sẽ kích thích người dân sử dụng những dịch vụ, sản phẩm có chất lượng hơn, có cơ hội được đầu tư kinh doanh, thực hiện nhiều giao dịch có giá trị lớn hơn…
Do đó, tiền lương có vai trò rất quan trọng đối với quốc gia thông qua con đường thuế thu nhập và góp phần làm tăng nguồn thu hằng năm của Chính phủ cũng như góp phần giúp cho chính phủ điều tiết được thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội.