Một người có được thi tuyển công chức, viên chức ở nhiều nơi không?

Một người có được thi tuyển công chức, viên chức ở nhiều nơi không? Tham gia thi tuyển công chức, viên chức cùng lúc nhiều nơi có vi phạm gì không?

Hiện nay, công chức, viên chức được tuyển dụng phổ biến thông qua hình thức thi tuyển nhằm lựa chọn được những người có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí được tuyển dụng. Vậy, một người có được thi tuyển công chức, viên chức ở nhiều nơi không?

1. Khái niệm công chức, viên chức

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Sửa đổi tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai, viên chức theo quy định tại Điều 2 Luật viên chức năm 2010 là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện thi tuyển của công chức, viên chức

2.1. Điều kiện thi tuyển đối với công chức

Theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008, việc tuyển dụng công chức phải đảm bảo căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Đồng thời việc tuyển dụng cũng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Một là, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Hai là, bảo đảm tính cạnh tranh.

Ba là, tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm.

Bốn là, ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.

Để thực hiện việc đăng ký dự tuyển công chức, cá nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (Sửa đổi bổ sung tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019), cụ thể như sau:

Thứ nhất, các cá nhân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức phải có đủ điều kiện:

– Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

– Đủ 18 tuổi trở lên;

– Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;

– Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;

– Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

– Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;

– Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, ngoài các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức đã nêu ở trên, cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển nhưng không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập và báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt trước khi tuyển dụng.

Lưu ý:

Cá nhân không đủ điều kiện để đăng ký dự tuyển công chức nếu thuộc cac trường hợp sau đây:

– Không cư trú tại Việt Nam;

– Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc

Theo quy định tại Điều 39 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức bao gồm:

– Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;

– Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý;

– Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý;

– Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị – xã hội tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.

2.2. Điều kiện thi tuyển đối với viên chức

Cũng như tuyển dụng công chức, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập và tuân thủ đúng nguyên tắc tuyển dụng quy định tại Điều 21 Luật viên chức năm 2010 như sau: 

Một là, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật.

Hai là, bảo đảm tính cạnh tranh.

Ba là, tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Bốn là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Năm là, ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số.

Để thực hiện đăng ký dự tuyển viên chức, cá nhân phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, cá nhân đăng ký dự tuyển không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 22 Luật viên chức năm 2010 như sau:

– Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

– Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

– Có đơn đăng ký dự tuyển;

– Có lý lịch rõ ràng;

– Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

– Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

– Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Thứ hai, người đăng ký dự tuyển ngoài đáp ứng các điều kiện trên còn phải tuân thủ điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau:

– Điều kiện đăng ký dự tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.

– Người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Lưu ý

Những cá nhân nằm trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật viên chức năm 2010 sẽ không được đăng ký dự tuyển viên chức, cụ thể như sau:

– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng

Khi đăng ký dự tuyển viên chức, cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các tài liệu được quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2012/TT-BNV, cụ thể như sau:

– Đơn đăng ký dự tuyển viên chức theo mẫu quy định

– Bản Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt;

– Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe chứng nhận theo quy định.

– Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có) được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực.

Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển và thẩm quyền tổ chức thực hiện tuyển dụng được quy định tại Điều 24 Luật viên chức năm 2010 như sau: 

– Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

– Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng.

3. Việc thi tuyển công chức, viên chức của cá nhân ở nhiều địa phương

Như ở trên đã đề cập, cá nhân chỉ cần đáp ứng các điều kiện cụ thể được quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Điều 22 Luật viên chức năm 2010. Đồng thời không nằm trong những trường hợp không được đăng ký dự tuyển thì đều có thể đăng ký thi tuyển.

Đồng thời trong quy định của pháp luật cũng nêu rõ: cơ quan sử dụng công chức, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, vị trí việc làm nhưng không được trái với quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy, quy định này không cấm một người đăng ký dự thi công chức, viên chức ở nhiều nơi nếu như cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển dụng không xác định thêm điều kiện này.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com