Mức chi trả và thủ tục chi trả bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới - Biểu mẫu
Văn Phòng Luật LVN
Trang chủ - DG - Mức chi trả và thủ tục chi trả bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

Mức chi trả và thủ tục chi trả bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

Mức bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc? Thủ tục yêu cầu chi trả bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới? Quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự mới nhất?

Hiện nay, bên cạnh những giấy tờ mà chủ phương tiện phải có như giấy phép lái xe, đăng ký xe thì bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là một trong những loại giấy tờ mà chủ phương tiện bắt buộc phải có khi tham gia giao thông. Việc tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là giải pháp để chia sẻ rủi ro khi xảy ra thiệt hại liên quan đến phương tiện giao thông. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về mức chi trả và thủ tục chi trả bảo hiểm?

1. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 22/2016/TT-BTC Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận bảo hiểm) là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự duy nhất giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi xe cơ giới được cấp 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm) cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Việc thanh toán phí bảo hiểm hoặc cam kết thanh toán phí bảo hiểm được thực hiện như sau:

– Trường hợp phí bảo hiểm dưới 50 triệu đồng: Chủ xe cơ giới thanh toán 01 lần tại thời Điểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

– Trường hợp phí bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng: Chủ xe cơ giới thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán 01 lần, thời hạn thanh toán không quá 10 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

– Trường hợp phí bảo hiểm từ 100 triệu đồng trở lên: Chủ xe cơ giới thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp bảo hiểm việc thanh toán phí bảo hiểm như sau:

+ Lần 1: Thanh toán 50% tổng phí bảo hiểm trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm;

+Lần 2: Thanh toán 50% phí bảo hiểm còn lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

– Việc thanh toán phí bảo hiểm phải được xác nhận bằng một trong các hình thức sau: Biên lai thu phí bảo hiểm; hóa đơn thu phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm; xác nhận thanh toán phí bảo hiểm của chủ xe cơ giới trên Giấy chứng nhận bảo hiểm (đối với trường hợp chủ xe cơ giới đã thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ); các hình thức chứng từ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: 

Trường hợp chủ xe cơ giới không thanh toán đủ phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày chủ xe cơ giới phải thanh toán phí bảo hiểm. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới về việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và hoàn lại cho chủ xe cơ giới phần phí bảo hiểm đã thanh toán thừa (nếu có) hoặc yêu cầu chủ xe cơ giới thanh toán đủ phí bảo hiểm đến thời Điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm không phải hoàn phí bảo hiểm trong trường hợp đã xảy ra sự kiện bảo hiểm và phát sinh trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trước khi hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt.

Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm bị chấm dứt.

Hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực kể từ thời Điểm chủ xe thanh toán đủ phí bảo hiểm và được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bằng văn bản.

Người tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được bồi thường thiệt hại trong phạm vi sau đây:

– Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra.

– Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra.

2. Mức chi trả của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Theo quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC, mức chi trả bảo hiểm được xác định như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc bồi thường:

– Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

– Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.

Thứ hai, về mức trách nhiệm bảo hiểm: Điều 9 Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định về mức trách nhiệm bảo hiểm như sau:

Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Cụ thể như:

– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.

– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào Mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Mức bồi thường bảo hiểm được xác định cụ thể như sau:

– Mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người theo quy định kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BTC hoặc theo thoả thuận (nếu có) giữa chủ xe cơ giới và người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định. Trường hợp có quyết định của toà án thì căn cứ vào quyết định của toà án nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định 

– Trường hợp nhiều xe cơ giới gây tai nạn dẫn đến các thiệt hại về người, mức bồi thường được xác định theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng tổng mức bồi thường không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

Đối với vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba thì mức bồi thường bảo hiểm về người đối với các đối tượng thuộc bên thứ ba bằng 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BTC

– Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

– Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định 

– Trường hợp chủ xe cơ giới đồng thời tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính theo hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực bảo hiểm trước.

Lưu ý:

Mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BTC được xác định như sau:

Một là, các trường hợp giải quyết bồi thường 100 triệu đồng bao gồm:

– Chết

– Tổn thương não gây di chứng sống kiểu thực vật

Hai là, các trường hợp tổn thương bộ phận cơ thể, mức bồi thường được xác định:

Số tiền bồi thường = Tỷ lệ tổn thương x 100 triệu đồng

3. Thủ tục chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự

3.1. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 22/2016/TT-BTC, người có yêu cầu bồi thường phải chuẩn bị hồ sơ bồi thường bao gồm các tài liệu sau: 

Thứ nhất, tài liệu liên quan đến xe, lái xe (Bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính):

– Giấy đăng ký xe.

– Giấy phép lái xe.

– Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác của lái xe.

– Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Thứ hai, tài liệu chứng minh thiệt hại về người (Bản sao của các cơ sở y tế hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm), tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số các tài liệu sau:

– Giấy chứng thương.

– Giấy ra viện.

– Giấy chứng nhận phẫu thuật.

– Hồ sơ bệnh án.

– Giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong).

Thứ ba, tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản:

– Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra do chủ xe thực hiện tại các cơ sở do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định hoặc được sự đồng ý của doanh nghiệp bảo hiểm.

– Các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Thứ tư, bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn:

– Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn.

– Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có).

– Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn.

– Thông báo sơ bộ kết quả Điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.

– Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).

Lưu ý: 

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có các tài liệu đã nêu ở trên và thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng, hồ sơ bồi thường phải có các tài liệu sau:

– Biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra tai nạn. Biên bản xác minh vụ tai nạn phải có các nội dung sau:

+ Thời gian, địa Điểm xảy ra tai nạn;

+ Thông tin do chủ xe cơ giới hoặc lái xe gây tai nạn, nạn nhân hoặc đại diện của nạn nhân, các nhân chứng tại địa Điểm xảy ra tai nạn (nếu có) cung cấp. Các đối tượng cung cấp thông tin phải ghi rõ họ tên, số chứng minh thư, địa chỉ;

+ Mô tả hiện trường vụ tai nạn và thiệt hại của phương tiện bị tai nạn (kèm theo bản vẽ, bản ảnh).

– Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập.

– Các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).

3.2. Trình tự, thủ tục chi trả bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để yêu cầu bồi thường

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập Hồ sơ bồi thường. 

Bước 2: Nộp hồ sơ và giải quyết yêu cầu bồi thường

Sau khi hoàn tất hồ sơ, người yêu cầu nộp hồ sơ đến đơn vị bảo hiểm để giải quyết

Đơn vị bảo hiểm có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thủ tục chi trả bồi thường theo quy định

Lưu ý:

Theo Điều 15 Nghị định 22/2016/TT-BTC thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường quy định như sau:

– Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

– Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu và các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho doanh nghiệp bảo hiểm.

– Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

– Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ xe cơ giới biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

– Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên quyền khởi kiện không còn giá trị.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com