Mức xử phạt vượt đèn đỏ (Run a red light/ Run the red light) ? Vượt đèn đỏ được dịch sang tiếng Anh có nghĩa là gì? Một số thuật ngữ pháp lý có liên quan? Quy định về đèn tín hiệu giao thông? Cách tính mức tiền vi phạm? Những trường hợp được vượt đèn đỏ theo quy định mới nhất?
Hiện nay, số lượng phương tiện giao thông đang ngày một gia tăng. Nhất là khi đời sống mỗi hộ gia đình được nâng cao, nhiều gia đình có đến 2-3 xe máy hoặc ô tô. Nhiều người khi tham gia giao thông vẫn bất chấp quy định pháp luật gây ra hàng loạt vụ tai nạn thương tâm. Một trong những lỗi vi phạm luật giao thông phổ biến nhất hiện nay đó là chính là lỗi vượt đèn đỏ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết quy định về mức xử phạt về vượt đèn đỏ là bao nhiêu. Chính vì lẽ đó, Luật LVN Group gửi đến quý bạn đọc bài viết dưới đây để làm rõ hơn về quy định pháp luật về mức xử phạt đèn đỏ và không tuân thủ đèn tín hiệu.
LVN Group tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.0191
Căn cứ pháp lý
– Luật giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2018;
– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ngày 30 tháng 12 năm 2019;
– Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT của Bộ giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ngày 31/12/2019;
1. Vượt đèn đỏ được dịch sang tiếng Anh có nghĩa là gì? Một số thuật ngữ pháp lý có liên quan
Run a red light/ Run the red light: Vượt đèn đỏ
Traffic light: đèn giao thông
Green light: đèn xanh
Yellow light: đèn vàng
Red light: đèn đỏ
Traffic-light violation: Vi phạm đèn giao thông
Failure to stop at a stop sign: Không dừng được ở biển báo dừng
2. Quy định về đèn tín hiệu giao thông
Mục đích của đèn tín hiệu giao thông là phân bổ luồng đường một các có trật tự. Nhất là những giờ cao điểm để tránh ùn tắc cũng như là nguy hiểm cho người tham gia điều khiển phương tiện. Quy định rõ tại Điểm a Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, sửa đổi 2018 như sau:
“Điều 10. Hệ thống báo hiệu đường bộ
…
3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.”
Vượt đèn đỏ là việc người lái xe điều khiển phương tiện giao thông tiếp tuc di chuyển khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ (có nghĩa yêu cầu các phương tiện dừng lại). Khi tham gia giao thông gặp đèn đỏ phải dừng trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Do vậy, hành vi vượt đèn đỏ là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật và người nào vượt đèn đỏ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Mức xử phạt vượt đèn đỏ theo quy định mới nhất
Giao thông đường bộ sẽ bao gồm nhiều loại phương tiện tham gia giao thông khác nhau. Tùy theo loại phương tiện vi phạm mà sẽ có mức xử phạt tương ứng trong từng trường hợp cụ thể. Luật LVN Group đã tổng hợp một số quy định mới nhất theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể
Phương Tiện | Mức phạt | Căn cứ |
Xe máy | 600.000 – 1.000.000 đồng
Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng GPLX: 01-03 tháng |
Điểm g Khoản 4 Điều 6;
Điểm b Khoản 10 Điều 6 |
Xe máy kéo, xe máy chuyên dùng | 01 – 02 triệu đồng
Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng GPLX khi điều khiển xe máy kéo, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng |
Điểm đ Khoản 5 Điều 7; Điểm a Khoản 10 Điều 7 |
Ô tô |
03 – 05 triệu đồng Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng GPLX: 01-03 tháng |
Điểm a Khoản 5 Điều 5; Điểm b Khoản 11 Điều 5 |
Xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ |
100.000 – 200.000 đồng |
Điểm đ Khoản 2 Điều 8; |
Người đi bộ |
60.000 – 100.000 đồng |
Điểm b Khoản 1 Điều 9 |
4. Cách tính mức tiền vi phạm
Căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:
“4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”
Do vậy, có thể hiểu mức vi phạm hành chính là mức trung trình của khung tiền phạt được quy định đối vói hành chi đó. Luật LVN Group đưa ra một ví dụ cụ thể sau đây để quý bạn đọc dễ theo dõi:
Mức phạt cụ thể = (Mức phạt tối đa + Mức phạt tối thiểu)/2
Mức phạt vượt đèn đỏ đối với người điều khiển xe máy thông thường sẽ là (600.000 + 1.000.000) : 2 = 800.000 đồng.
Lưu ý: Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt (tức 600.000 đồng);
Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt (1.000.000 đồng).
5. Những trường hợp được vượt đèn đỏ theo quy định mới nhất
Chấp hành của người điều khiển giao thông
Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi năm 2018 quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ cụ thể:
“1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.”
Ngoài ra Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự ( Khoản 4.1 Điều 4 QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT) như sau:
– Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
– Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
– Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
– Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Theo nguyên định, khi đi đường gặp đèn đỏ thì phải dừng xe, chờ đến khi đèn chuyển sang màu xanh mới tiếp tục được đi tiếp. Tuy nhiên, nếu CSGT hướng dẫn cho phép được đi thẳng khi có đèn đỏ thì người đi đường phải chấp hành sự điều khiển này.
Xe ưu tiên
Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
– Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
– Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
– Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
– Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
– Đoàn xe tang.
(Theo quy định Điều 22, Luật giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi năm 2018).
Tuy nhiên, đối với từng loại xe ưu tiên khác nhau mà có kèm theo những yêu cầu cơ bản như: Khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông và những trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Có đèn tín hiệu, biển báo cho phép tiếp tục di chuyển
Khi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép, người tham gia giao thông được phép rẽ hoặc đi thẳng dù có đèn đỏ:
– Có đèn tín hiệu màu xanh được lắp đặt kèm theo báo hiệu được ưu tiên rẽ. Đây thường là một đèn phụ, hình mũi tên màu xanh được lắp phía dưới cột đèn giao thông.
– Có biển báo giao thông, thường là biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông cho phép các xe được rẽ khi đèn đỏ.
Có vạch kẻ kiểu mắt võng
Vạch kẻ đường này thường có màu vàng, được đan xen với nhau, xuất hiện ở làn xe trong cùng của đường đi. Trong khu vực vạch này, các xe đi trên đường bắt buộc phải rẽ phải, không được phép đi thẳng hoặc dừng đỗ.
Những trường hợp đặc biệt khác
Theo quy định tại 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định rõ, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong các trường hợp sau sẽ không bị xử phạt:
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
– Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Vượt đèn đỏ gây tai nạn chết chết người xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
e) Làm chết 02 người;
f) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
f) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3 .Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định trên, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Ngoài ra, bị hại có quyền yêu cầu người gây ra tai nạn bồi thường thiệt hại
Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi bổ sung có quy định:
“Điều 13. Bồi thường thiệt hại
Người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Trên đây là nội dung đến quy định về mức xử phạt vượt đèn đỏ theo pháp luật mới nhất. Trường hợp cần LVN Group tư vấn, tham gia tranh tụng tại Tòa, bạn đọc vui lòng liên hệ Luật LVN Group để được hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.