Nguyên tắc hoạt động hàng hải theo Bộ luật hàng hải

Nguyên tắc hoạt động hàng hải theo Bộ luật hàng hải? Phân tích các nguyên tắc hoạt động hàng hải?

Chúng ta đều biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế rất lớn về biển với đường bờ biển dài hơn 3000km. Cũng nhờ đó mà ngành hàng hải càng có cơ hội phát triển hơn với điều kiện chiếm ưu thế như vậy và ngày nay, ngành hàng hải có một vai trò vô cùng quan trọng, đóng góp một phần lớn trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Luật Hàng hải Việt Nam đã xuất hiện từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện, bổ sung thêm những chế định mới để phù hợp với thời đại hội nhập, mở cửa giao thương tự do buôn bán, thúc đẩy nền kinh tế. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về nguyên tắc hoạt động hàng hải theo Bộ luật hàng hải.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

1. Nguyên tắc hoạt động hàng hải theo Bộ luật hàng hải:

Nguyên tắc hoạt động hàng hải được quy định tại Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015 ( Có hiệu lực từ ngày 01/7/2017).

Theo Điều 6 Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015 các nguyên tắc hoạt động hàng hải được quy định như sau:

“1. Hoạt động hàng hải phải tuân theo quy định của Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015, quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Hoạt động hàng hải phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ lợi ích, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Hoạt động hàng hải phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải.

4. Hoạt động hàng hải phải bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo, phát triển bền vững môi trường và cảnh quan thiên nhiên.”

Như vậy, pháp luật nước ta đã ban hành quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động hàng hải. Các chủ thể khi tham gia vào lĩnh vực hàng hải cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc được nêu trên.

2. Phân tích các nguyên tắc hoạt động hàng hải:

Pháp luật đã quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động hàng hải với nội dung như sau:

– Thứ nhất: Nguyên tắc đầu tiên đó là hoạt động hàng hải phải tuân theo quy định của Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015, quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 được ban hành đã quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học. Đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi, cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa chỉ áp dụng trong trường hợp có quy định cụ thể của Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng hải thì áp dụng quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015. Các chủ thể khi tham gia vào lĩnh vực hàng hải cần tuân thủ theo quy định của Bộ Luật hàng hải Việt Nam 2015.

+ Điều ước quốc tế được hiểu là những thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

Gia nhập điều ước quốc tế là một hành động của chủ thể luật quốc tế đồng ý chấp nhận sự ràng buộc với điều ước quốc tế mà chủ thể đó chưa phải là thành viên. Gia nhập điều ước quốc tế chỉ được đặt ra đối với điều ước đa phương cho phép gia nhập. Thủ tục gia nhập do từng điều ước quy định. Các chủ thể khi gia nhập điều ước quốc tế thì cần tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo pháp luật Việt Nam về điều ước quốc tế, phụ thuộc vào từng điều ước quốc tế cụ thể mà thẩm quyền quyết định việc gia nhập điều ước quốc tế có thể thuộc về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ.

Một trong những nguyên tắc cơ bản ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam đó là tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Thứ hai: Một nguyên tắc nữa rất quan trọng đó là hoạt động hàng hải phải bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ lợi ích, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Cục hàng hải Việt Nam trong gia đoạn hiện nay cũng tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hàng hải trên cơ sở hạ tầng cảng biển hiện có để cho các tàu lớn giảm tải vào cảng biển Việt Nam. Cục hàng hải Việt Nam cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố của Bộ Giao thông vận tải và Cục An ninh nội địa của Bộ Công an đi kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, phòng chống khủng bố tại một số cảng biển trong cả nước. Không những thế còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát trong khu vực đơn vị quản lý, đề cao cảnh giác với các đối tượng bên ngoài câu kết, móc nối phá hoại. Ngoài ra đã ban hành các biện pháp, chính sách chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, dập tắt ngay từ đầu những biểu hiện gây mất an toàn hàng hải, an ninh hàng hải.

+ Chủ quyền được hiểu là quyền làm chủ tuyệt đối của quốc gia độc lập đối với lãnh thổ của mình. Chủ quyền của quốc gia ven biển là quyền tối cao của quốc gia được thực hiện trong phạm vi nội thủy và lãnh hải của quốc gia đó.

Quyền chủ quyền được hiểu là các quyền của quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó vì mục đích kinh tế, bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió. Quyền chủ quyền có nguồn gốc từ chủ quyền lãnh thổ, trong khi quyền tài phán là hệ quả của quyền chủ quyền, có tác dụng hỗ trợ, tạo môi trường để thực hiện quyền chủ quyền được tốt hơn.

Quyền tài phán được hiểu là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng, như: cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó.

Theo Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở bên dưới các vùng biển đó.

Ta nhận thấy, việc bảo vệ lợi ích, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nguyên tắc rất quan trọng của hoạt động hàng hải. Việc bảo vệ lợi ích, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia là những quy định bắt buộc mà các quốc gia ký kết phải nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc, nhằm tạo sự thống nhất, trật tự, giữ gìn an ninh, an toàn, tự do hàng hải chung trên biển. Không những thế, các quốc gia phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, không vì lợi ích kinh tế, lợi ích quốc gia mình mà bỏ qua lợi ích chung của khu vực, thế giới, vi phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, lãnh hải của quốc gia khác đã được quy định trong Công ước, gây phức tạp tình hình an ninh trên biển.

Các quốc gia cũng cần thấy rõ trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện Công ước; kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng bành trướng, cường quyền, hành vi vi phạm quy định của Công ước, thiếu tôn trọng, bỏ qua luật pháp quốc tế. Mọi vướng mắc, nảy sinh, phải cùng nhau đàm phán cả song phương và đa phương, giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo sự thống nhất, đồng thuận. Không được manh động, sử dụng bạo lực bởi điều đó sẽ không mạng lại lợi ích chung cho các bên.

– Thứ ba: Hoạt động hàng hải phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội được hiểu cơ bản là một hệ thống các phân tích, đánh giá và lựa chọn thể hiện những quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu của một quá trình phát triển mong muốn và sự nhất quán về con đường và các giải pháp cơ bản để thực hiện.

Bản chất và cũng là chức năng chính của chiến lược phát triển là sự lựa chọn hướng và cách đi tối ưu mang tính tổng thể trong lộ trình phát triển dài hạn.

Hoạt động hàng hải phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải là một nguyên tắc phù hợp với thực tiễn tình hình của đất nước ta.

– Thứ tư: Hoạt động hàng hải phải bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo, phát triển bền vững môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Đây là nguyên tắc cuối cùng được ghi nhận trong pháp luật hàng hải về hoạt động hàng hải. Vấn đề môi trường và cảnh quan thiên nhiên luôn là một trong số những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, việc hoạt động hàng hải phải bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo, phát triển bền vững môi trường và cảnh quan thiên nhiên theo đúng quy định của pháp luật.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com