Nhà ở thương mại là gì? Quy định về nhà ở thương mại?

Nhà ở thương mại là gì? Quy định về nhà ở thương mại?

Hiện nay, ở Việt Nam nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng cao theo nhịp độ dân số, tăng theo sự biến động của quan hệ kinh tế mới và vấn đề hội nhập quốc tế. Hoạt động tạo lập nhà ở của cá nhân, tổ chức ngày càng sôi động, khẩn thiết hơn thông qua nhiều phương thức. Trong đó có hình thức mua bán nhà ở thương mại là căn cứ phổ biến để xác lập quyền sở hữu nhà ở cho cá nhân và các chủ thể khác.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191             

– Cơ sở pháp lý: 

+ Luật nhà ở 2014.

+ Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở.

+ Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở.

1. Nhà ở thương mại là gì?

– Nhà ở là tư liệu sinh hoạt và là nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Xã hội càng văn minh, hiện đại thì chỗ ở mà chính xác hơn là nhà ở càng có vai trò quan trọng. Nhà ở không phải chỉ là một vật thể kiến trúc đơn thuần đảm bảo nhu cầu ở của con người mà còn là một vật thể biểu thị các giá trị văn hóa, lịch sử của một dân tộc, một quốc gia và cả nhân loại.

Nhà ở có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân trong xã hội, quyền có nhà để ở được xem là một trong những quyền cơ bản của mỗi công dân. Điều 22 Hiến pháp 2013 có ghi nhận như sau: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”. Tại Điều 4 Luật nhà ở năm 2014, cũng có quy định: “Hộ gia đình, cá nhân có quyền có chỗ ở thông qua việc đầu tư xây dựng, mua, thuê, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi, mượn, ở nhờ, quản lý nhà ở theo ủy quyền và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”.

– Theo khoản 1 điều 3 Luật nhà ở năm 2014 thì “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cả nhân” Theo đó, nhà ở phải đáp ứng các nhu cầu tối thiểu như phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh,… Phải đáp ứng các quy chuẩn về mặt kỹ thuật, nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng và sức khoẻ cho người sử dụng như: phòng chống nước, hơi ẩm và các chất độc hại; bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập; an toàn sử dụng kính; chiếu sáng; thông gió; chống ồn; đáp ứng khả năng chịu lực của nhà ở và công trình công cộng; hệ thống thiết bị điện, thang máy; phòng chống cháy nổ; hệ thống cấp thoát nước..

– Tóm lại, nhà ở là công trình xây dựng gắn liền với đất, được tạo lập từ quá trình lao động của con người, có không gian làm nơi cư trú, sinh sống cho các cá nhân, hộ gia đình. Nhà ở là loại tài sản bất động sản có giá trị lớn, nhà ở có thể được phân thành nhiều loại trong đó có nhà ở thương mại.

– Khái niệm nhà ở thương mại: Thực hiện các chính sách và mục tiêu phát triển nhà ở là đầu tư xây dựng mới nhà ở, bảo đảm cho công dân có chỗ ở phù hợp với khả năng thu nhập của từng đối tượng khác nhau và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Từng bước cải thiện chỗ ở của các tầng lớp dân cư, thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường bất động sản nhà ở, góp phần phát triển đô thị và nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc. Việc đầu tư tạo lập các công trình nhà ở thương mại đã thể hiện được các chủ trường đó.

Theo khoản 4 Luật nhà ở năm 2014: “Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường”. Nhà ở thương mại là nhà ở do các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển để bán, cho thuê theo nhu cầu của thị trường. Không giống với các loại nhà ở khác, nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng là để kinh doanh (mua bán, cho thuê) nhằm mục đích lợi nhuận. Tìm kiếm lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư khi bỏ vốn ra đầu tư phát triển nhà ở thương mại, nếu không xuất phát từ mục tiêu đó nhà ở được tạo lập sẽ không được gọi là nhà ở thương mại mà sẽ được gọi với một tên khác. Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế phát triển nhà ở thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở và chất lượng nhà ở ngày càng cao của nhân dân.

– Đây là biện pháp quan trọng nhằm xóa bỏ bao cấp về nhà ở, thực hiện xã hội hóa nhà ở. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước có đăng ký kinh doanh nhà ở hoặc có Giấy chứng nhận đầu tư đều được quyền tham gia đầu tư phát triển nhà ở thương mại. Khi tham gia đầu tư phát triển nhà ở thương mại, các tổ chức và cá nhân trên phải thực hiện các quy định về phát triển nhà ở theo dự án, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, quy hoạch chi tiết của dự án, số lượng nhà ở bán, cho thuê; số lượng nhà ở đã bán, cho thuê, số lượng nhà ở còn lại, giá bán, giá cho thuê; phương thức thanh toán; thủ tục đăng ký mua, thuê nhà ở, điều kiện được mua, thuê nhà ở Đồng thời, phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua và bàn giao cho người mua.

– Nhà ở thương mại hình thành do chủ đầu tư bỏ vốn ra tạo lập nhưng họ không ở mà bán, cho thuê, cho thuê mua để kiếm lời. Với cách hiểu như vậy, Luật Nhà ở năm 2104 giải thích: “Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bản, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường” (khoản 4 Điều 3).

Bên cạnh các đặc điểm chung của nhà ở, nhà ở thương mại còn có một số đặc điểm riêng cơ bản sau đây:

– Một là, về hình thức tạo lập. Nhà ở thương mại được hình thành chủ yếu do chủ đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại (chủ thể kinh doanh nhà ở thương mại) là người có giấy phép kinh doanh nhà ở thương mại bỏ vốn đầu tư thông qua hình thức xây dựng hoặc mua lại, thuê lại, thuê mua lại nhà ở của tổ chức, cá nhân.

– Hai là, về mục đích. Nhà ở thương mại là đối tượng của hoạt động kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại. Điều này có nghĩa là chủ sở hữu nhà ở thương mại không sử dụng vào mục đích để ở mà bán, cho thuê, cho thuê mua hoặc bán lại, cho thuê lại, cho thuê mua lại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu để thu lợi nhuận.

– Ba là, giao dịch bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại được xác lập giữa chủ đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại hoặc chủ sở hữu nhà ở thương mại với tổ chức, cá nhân có nhu cầu dựa trên cơ sở giá cả hình thành bởi cơ chế thị trường. Điều này có nghĩa là việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại dựa trên các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường bao gồm quy luật giá trị, quy luật “cung – cầu” v.v. Người mua, thuê, thuê mua nhà ở thương mại dường như không được hưởng bất kỳ sự ưu đãi, miễn giảm nào về giá cả khi tham gia giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại (trừ mua bán nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp)…

– Bốn là, đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở thương mại là bất cứ tổ chức, cá nhân nào có đủ năng lực tài chính, đáp ứng các yêu cầu của chủ sở hữu nhà ở thương mại cũng như điều kiện về giá cả do cơ chế thị trường xác định v.v.v…

2. Quy định của pháp luật về nhà ở thương mại:

– Cũng như nhà ở chung cư thì nhà ở thương mại cũng phải được xếp theo từng loại và tiêu chuẩn về từng diện tích loại nhà ở thương mại riêng. Theo đó, pháp luật quy định về loại nhà ở và tiêu chuẩn về diện tích của từng loại nhà ở thương mại sẽ do hủ đầu tư dự án quyết định lựa chọn nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc nhà ở và nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc xây dựng và phát triển nhà ở thương mại, nếu với căn hộ chung cư thì việc xây dựng đó phải được thiết kế khép kín, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín và có diện tích sàn căn hộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Đối với nhà ở riêng lẻ thì phải xây dựng theo đúng quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế được phê duyệt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành.

– Về quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại thì được quy định rất rõ tại các Điều 24 và Điều 25 Luật nhà ở 2014. Theo đó, có thể thấy được rằng hình thức kinh doanh nhà ở thương mại hiện nay diễn ra rất phổ biến và đây là loại hình kinh doanh rất quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Kinh doanh nhà ở thương mại là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng, thuê để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhà ở thương mại với sự trợ giúp của các tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản nhằm mục đích sinh lợi. Theo đó, kinh doanh nhà ở thương mại còn có một số đặc điểm riêng cơ bản sau đây:

– Một là, phân khúc thị trường kinh doanh nhà ở thương mại có sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, địa phương trong cả nước.

– Hai là, ở các đô thị, vùng ven đô hoặc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển thì kinh doanh nhà ở thương mại chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà chung cư, nhà cao tầng. Bởi lẽ, đây là những khu vực có tốc độ tăng dân số chóng mặt (bao gồm tăng dân số cơ học và tăng dân số sinh học); trong khi quỹ đất đai lại có hạn.

– Ba là, kinh doanh nhà ở thương mại ngày càng chú trọng đến việc hoàn thiện đồng bộ các cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nhằm mang lại sự tiện ích tối đa cho khách hàng. Để lôi kéo, thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm nhà ở thương mại trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt giữa các chủ đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại; trong điều kiện giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại có xu hướng tăng môi trường sống “xanh – sạch – đẹp” đáp ứng nhu cầu và chất lượng sống tốt nhất cho khách hàng.

– Bốn là, kinh doanh nhà ở thương mại cố gắng đáp ứng ở mức độ cao nhất các nhu cầu, thị hiếu, khả năng tài chính, sở thích khác nhau của khách hàng bằng việc tung ra thị trường các sản phẩm nhà ở thương mại với chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú.

– Năm là, để thu hút sự quan tâm và đáp ứng thị hiếu của khách hàng, chủ đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại thường đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các vị trí đắc địa, vị trí vàng; giao thông đi lại thuận tiện cho việc sinh sống, làm việc, kinh doanh, dịch vụ.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com