Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam? Giải pháp để có thể thực hiện tốt các quy định về tạm giữ tạm giam?
Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam là những cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc tạm giữ tạm giam được tiến hành đúng với quy định của pháp luật và việc quản lý tạm giữ, tạm giam được phân theo các cấp như cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quân khu, cấp bộ. Mỗi cấp sẽ có nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam khác nhau. Vậy cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam được pháp luât quy định như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý: Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam
Căn cứ theo quy định tại điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015 quy định cụ thể:
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng:
a) Giúp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 63 và Điều 64 của Luật này;
b) Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
c) Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
d) Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ;
đ) Thanh tra, kiểm tra về tạm giữ, tạm giam theo thẩm quyền;
e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam;
g) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu:
a) Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh, thủ trưởng cấp quân khu quản lý công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trên địa bàn;
b) Tổ chức thi hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam;
c) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đối với trại tạm giam, nhà tạm giữ;
d) Quyết định việc điều chuyển người bị tạm giữ, tạm giam giữa các cơ sở giam giữ trong phạm vi tỉnh, quân khu;
đ) Thanh tra, kiểm tra về tạm giữ, tạm giam theo thẩm quyền;
e) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác tạm giữ, tạm giam theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Công an cấp huyện, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân:
a) Giúp Trưởng Công an cấp huyện, thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự khu vực quản lý công tác thi hành tạm giữ, tạm giam trên địa bàn;
b) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đối với nhà tạm giữ;
c) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp trên;
d) Trực tiếp quản lý nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện, Cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ đối với buồng tạm giữ của đồn biên phòng;
b) Tổng kết công tác thi hành tạm giữ và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo.
Như trên chúng ta có thể thấy nhiệm vụ quyền hạn của các cấp từ trung ương tới địa phương được quy định rất cụ thể theo từng cấp. Theo đó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam, cán bộ làm công tác điều tra tội phạm, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu pháp luật và cho nhân dân. Bên cạnh đó, biên soạn, in, cấp phát sách, tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cho lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đơn vị làm công tác tham mưu, trực tiếp làm công tác tạm giữ, tạm giam; cán bộ làm công tác điều tra tội phạm.
Cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, gắn việc triển khai thi hành Luật với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó theo quy định tại khoản 4 như quy định trên có nêu về Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành tạm giữ đối với buồng tạm giữ của đồn biên phòng có nghĩa là kiểm soát định kì, đột xuất căn cứ Điều 17 Thông tư liên tịch số 08/2021/TTLT-BQP-BCA-Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thi hành tạm giữ tại buồng tạm giữ thuộc đồn Biên phòng, nếu không trực tiếp kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ban hành văn bản yêu cầu Trưởng buồng tạm giữ tự kiểm tra việc tạm giữ và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành tạm giữ; thông báo tình hình thi hành tạm giữ; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Giải pháp để có thể thực hiện tốt các quy định về tạm giữ tạm giam
Thứ nhất, Tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Luật tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2019; Quy chế số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện kiểm sát tối cao về việc ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự;
Hai là, Thực hiện xây dựng và phối hợp giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, Cơ quan quản lý giam giữ, Cơ quan thi hành án hình sự để có thể tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý giam giữ với các cơ quan tiến hành tố tụng và kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị, nhằm mục đích để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, cũng như đảm bảo an toàn cho công tác quản lý tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù tại Nhà tạm giữ theo quy định của pháp luật
Ba là: Thực hiện các giải pháp như dụng các phương thức kiểm sát gắn với hoạt động thực tế ở từng đơn vị để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát để thực hiện việc đảm bảo kiểm sát toàn diện, có trọng tâm, phát hiện kịp thời các vi phạm và có biện pháp xử lý hiệu quả theo đúng quy định mà pháp luật đề ra. Ngoài ra cần phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Kiểm sát viên phải kịp thời nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật trong Nhà tạm giữ, Cơ quan thi hành án hình sự để có thể phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật.
Bốn là, cần tăng cường kiểm sát theo các hình thức kiểm sát được đề ra nhằm kịp thời phát hiện vi phạm và áp dụng các biện pháp pháp luật để loại trừ vi phạm để đảm bảo chế độ, chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện đúng quy định của pháp luật đề ra.
Năm là, Nâng cao trách nhiệm pháp lý và kỹ năng kiểm sát của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Kiểm sát viên phải nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật trong Nhà tạm giữ nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam.
Sáu là: Tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về kỹ năng kiểm sát phát hiện vi phạm, tạo điều kiện để kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên có điều kiện củng cố và cập nhật các kiến thức, quy định mới của pháp luật để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm sát. Song song với công tác đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ cần phải quan tâm về chế độ chính sách, trang thiết bị, đồ dùng bảo hộ, cũng như phương tiện kỹ thuật cần thiết đảm bảo điều kiện làm việc cho công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam” dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.