Ủy ban văn hóa, giáo dục là gì? Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hóa, giáo dục?
Hoạt động của Quốc hội để đạt được hiệu quả tối ưu nhất luôn cần đến sự hỗ trợ, giúp sức của các cơ quan thường trực, trong đó phải kể đến các Ủy ban được Quốc hội thành lập và ghi nhận trong Luật Tổ chức quốc hội. Nghiên cứu về các Ủy ban, nội dung trọng tâm nhất là nhiệm vụ, quyền hạn, vì đây là nội dung quyết định đến việc Ủy ban được làm gì và phải làm gì trong hoạt động chuyên trách của mình. Hệ thống dữ liệu của Luật LVN Group đã cung cấp khá đầy đủ về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban thường trực. Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ có sự phân tích cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hóa, giáo dục (Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng).
LVN Group tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.0191
Cơ sở pháp lý: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
1. Ủy ban văn hóa, giáo dục là gì?
Ủy ban văn hóa, giáo dục là cách gọi đã có sự sửa đổi được ghi nhận tại Điểm b Khoản 16 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020, trước đây, Ủy ban này có tên là “Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”, cách gọi chỉ làm ngắn gọn đi tên của Ủy ban mà không làm thay đổi bản chất, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như lĩnh vực chuyên trách mà Ủy ban này đảm nhận.
Ủy ban văn hóa, giáo dục là một trong 09 Ủy ban Thường trực của Quốc hội, là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ quốc hội về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và các lĩnh vực khác liên quan.
Hiện nay, các thành viên khóa XV của Ủy ban văn hóa, giáo dục gồm có 01 Chủ nhiệm; 04 Phó chủ nhiệm và 03 Ủy viên Thường trực.
Các lĩnh vực mà Ủy ban văn hóa, giáo dục đảm nhận có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia có nền văn hóa đa dạng, bản sắc dân tộc mạnh mẽ như Việt Nam, hoạt động của Ủy ban phải thực sự hiệu quả, quyết liệt nhằm đặt ra những khuôn khổ cho sự vận hành và phát triển của nền văn hóa giáo dục vừa tiên tiến, hiện đại, vừa truyền thống và gìn giữ bản sắc.
2. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hóa, giáo dục?
Nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hóa, giáo dục được quy định tại Điều 75 Luật Tổ chức quốc hội. Theo đó, Ủy ban văn hóa, giáo dục có 05 nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản, trong đó, nhiệm vụ là những hoạt động mà Ủy ban phải thực hiện để đảm bảo đúng chức năng, còn quyền hạn là quyền hợp pháp gắn liền với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tác động lên một đối tượng, chủ thể nhất định.
Thứ nhất, thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và các dự án khác do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.
Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh đối với các lĩnh vực chuyên trách là nhiệm vụ được ghi nhận đối với tất cả các Ủy ban thường trực của Quốc hội. Hoạt động này có ý nghĩa trong việc đảm bảo chất lượng của dự thảo luật, dự án pháp lệnh về cả mặt nội dung lẫn hình thức trình bày. Nếu hoạt động này diễn ra không hiệu quả, hời hợt có thể dẫn đến tình trạng ban hành dự án luật, dự thảo pháp lệnh tràn lan hoặc văn bản sau khi ban hành đã bị xử lý gây thiệt hai cho niềm tin và cả tài sản của xã hội cũng như ngân sách nhà nước. Một khi các dự thảo được xây dựng hợp lý, hợp pháp, đồng bộ, cũng đồng nghĩa với việc tạo dựng được một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và lành mạnh cho sự phát triển của toàn xã hội.
Nội dung dự án luật, dự án pháp lệnh là các nội dung về lĩnh vực mà Ủy ban văn hóa, giáo dục chuyên trách và được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao, đó là lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng (trọng tâm) hoặc lĩnh vực khác liên quan. Như đã phân tích ở mục 1, đây đều là những lĩnh vực quan trọng và có ý nghĩa, làm sao phải là sự kết hợp quản lý có sự hiện đại duy trì nét truyền thống, đồng thời bảo vệ triệt để thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Một số dự án luật được thẩm tra như: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Thư viên;…
Thứ hai, giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách về văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tôn giáo, du lịch, thể thao trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; giám sát việc thực hiện chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Giám sát là hoạt động trọng tâm khi nhắc đến hoạt động của các Ủy ban thường trực quốc hội đối với từng lĩnh vực cụ thể. Hoạt động giám sát chủ yếu được nhắc đến ở đây là giám sát thực hiện pháp luật, thực hiện chính sách, triển khai thực hiện của các cơ quan hành pháp. Việc giám sát cũng giống như các Ủy ban khác đó là việc thành lập các tổ công tác, đoàn kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị hoặc tiếp nhận các báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu từ các đơn vị được giám sát. Hoạt động giám sát có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vừa thể hiện chức năng, địa vị pháp lý mà Ủy ban văn hóa, giáo dục đảm nhận, vừa là cơ sở để xử lý vi phạm cũng như tiếp thu những hạn chế phát sinh trong quá trình thực hiện pháp luật.
Thứ ba, giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Hoạt động giám sát mang tính chất gần như thẩm tra, nhưng ở mức độ thấp hơn, việc giám sát này nhằm đảm báo trình tự thủ tục ban hành, hình thức và đặc biệt là nội dung về các lĩnh vực lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Đây là cách để Ủy ban văn hóa, giáo dục có khả năng tác động, góp ý, thể hiện quan điểm làm hoàn thiện hơn các văn bản hướng dẫn Luật, pháp lệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Hoạt động giám sát này về hình thức khá đa dạng, đó có thể là giám sát trực tiếp hoặc giám sát gián tiếp, việc giám sát trực tiếp cho phép Ủy ban văn hóa giáo dục được trực tiếp cử người tham gia vào hoạt động ban hành văn bản; giám sát gián tiếp được thực hiện thông qua việc tiếp nhận văn bản và có các phản hồi lại đối với chủ thể.
Thứ tư, trình dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Trình dự án luật đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là nhiệm vụ căn bản, cũng là nhiệm vụ điển hình khi nhắc đến Ủy ban văn hóa, giáo dục. Việc trình dự án luật, pháp lệnh đều là các văn bản quy phạm do Ủy ban văn hóa, giáo dục chủ trì soạn thảo. Các văn bản được Ủy ban văn hóa, giáo dục thẩm tra ở trên như Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Thư viên đều do Ủy ban này chủ trì soạn thảo.
Thứ năm, kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và về phát triển văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, du lịch, thể thao, chính sách đối với thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Kiến nghị là quyền hạn phát sinh dựa trên các nhiệm vụ đã được nêu rõ ở trên. Việc kiến nghị chỉ thực hiện khi phát hiện các hành vi hoặc hoạt động của của quan hữu quan và về các lĩnh vực chuyên trách mà Ủy ban đảm nhận là trái với quy định của pháp luật. Chỉ trao quyền kiến nghị bởi, Ủy ban không phải là cơ quan hành pháp, việc tiếp nhận và xử lý phải do cơ quan thi hành pháp luật thực hiện nhằm đảm bảo tránh chồng lấn thẩm quyền, cũng như đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình áp dụng pháp luật.
Bằng việc tìm hiểu quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban văn hóa, giáo dục nói riêng và nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban khác nói chung, có thể thấy rằng, thực chất, nhiệm vụ quyền hạn mà pháp luật trao cho các Ủy ban là không khác nhau, đều là thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, giám sát, trình dự án luật, pháp lệnh hay kiến nghị, điểm tạo nên khác biệt là lĩnh vực mà mỗi Ủy ban đảm nhiệm. Vì vậy, người đọc chỉ cần nắm vững được nhiệm vụ, quyền hạn của một Ủy ban thường trực, thì có thể nắm bắt được tất cả nhiệm vụ của các Ủy ban còn lại.