Nuôi dưỡng là gì? So sánh giữa nuôi dưỡng và cấp dưỡng?
Nuôi dưỡng và cấp dưỡng là hai thuật ngữ pháp lý được sử dụng chủ yếu trong Luật Hôn nhân và gia đình để cùng nhắc về những nghĩa vụ quan trọng áp dụng đối với một số chủ thể nhất định. Sự tương thích trong một vài khía cạnh khiến cho nhiều người nhầm lẫn giữa nuôi dưỡng và cấp dưỡng, nhưng cần khẳng định rằng, nuôi dưỡng và cấp dưỡng dưới góc độ pháp lý là hoàn toàn khác nhau.
Tổng đài LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
1. Nuôi dưỡng là gì?
Khái niệm về nuôi dưỡng không được giải thích trong bất kỳ văn bản pháp lý nào mà chỉ được nhắc đến như một nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, thể hiện tình yêu thương, gắn kết, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người ta thường nghe nuôi dưỡng gắn liền với cha mẹ nuôi dưỡng con cái nên người, tuy nhiên mối quan hệ nuôi dưỡng không chỉ đơn thuần như vậy, mà nó là sự dung hòa của tất cả các chủ thể, trong đó có nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa cha mẹ và con (kể cả cha dượng, mẹ kế;); con và cha mẹ; bên nhờ mang thai hộ và con trong người mang thai hộ; ông bà nội, ông bà ngoại và cháu và ngược lại; anh chị em với nhau; Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột. Mối quan hệ nuôi dưỡng rộng hơn so với cấp dưỡng.
Nuôi dưỡng là nghĩa vụ pháp lý mà một người hoặc một số người thức hiện việc trực tiếp sử dụng tiền, tài sản của mình để đáp ưng nhu cầu thiết yếu của người sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Chứng minh về nghĩa vụ nuôi dưỡng, theo Luật Hôn nhân và gia đình, nghĩa vụ nuôi dưỡng được quy định như sau:
“1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.” (Điều 71)
Nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa cha mẹ đối với con chưa thành niên là nghĩa vụ trọng tâm nhất khi nghiên cứu về pháp luật hôn nhân gia đình về nuôi dưỡng. Bởi con chưa thành niên là đối tượng được nhà nước quan tâm, bảo vệ và luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho họ, đây là những “mầm non tương lai” của đất nước, phải được chăm sóc và nuôi dưỡng trong môi trường tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất, phù hợp với phát triển tâm sinh lý nhất.
Thông thường, con khi sinh ra thì cả bố mẹ đều đã có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà không phải xét đến bất cứ yếu tố nào, do đó có thế thấy, nuôi dưỡng thường gắn với nhiều người nuôi dưỡng một người hoặc nhiều người nuôi dưỡng nhiều người.
Đối với mối quan hệ giữa anh, chị, em: “Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.” (Điều 105).
Thực tiễn pháp luật hôn nhân gia đình quy định về nuôi dưỡng rất hời hợi, nếu như cấp dưỡng được dành hẳn một chương để quy định thì nuôi dưỡng chỉ được nhắc đến trong quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Điều này về cơ bản rất khó để áp dụng các cơ sở pháp lý, đặc biệt là trong việc xác định hành vi vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Quy định của pháp luật không khẳng định nghĩa vụ nuôi dưỡng có thể được chuyển giao hay thay thế hay không. Nhưng theo lý luận thì có thể khẳng định nghĩa vụ này không thể chuyển giao được bởi trước hết là nghĩa vụ này phát sinh giữa những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng và việc nuôi dưỡng phát sinh dựa trên không xác định được người nuôi dưỡng chính sau đó dần dần xác định cụ thể, không ai có thể thay thể người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trừ khi người nuôi dưỡng không còn đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ, nhưng thực tế là rất ít.
Thực tế, quyền nuôi dưỡng có thể bị hạn chế trong một số trường hợp cụ thể, điển hình là trường hợp, cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình, theo đó: ” Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;…“
Quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp vợ chồng ly hôn và xác định người trực tiếp nuôi con. Điều này nhằm bảo vệ triệt để quyền của con chưa thành niên tránh bị lạm dụng nuôi dưỡng để thực hiện các hành vi nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của con cái.
2. So sánh giữa nuôi dưỡng và cấp dưỡng:
Nuôi dưỡng và cấp dưỡng đều là nghĩa vụ mà các thành viên trong gia đình có trách nhiệm phải thực hiện và đều được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này bởi nuôi dưỡng và cấp dưỡng đều là nghĩa vụ của các chủ thể có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng và hôn nhân (bao gồm: giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột)
Bên cạnh đó, điều kiện phát sinh hai nghĩa vụ này cũng có nét tương đồng với nhau như: người được nuôi dưỡng, cấp dưỡng không có khả năng tự nuôi mình và chủ thể còn lại có khả năng để nuôi dưỡng, cấp dưỡng. (Người được nuôi dưỡng, cấp dưỡng là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.)
Do đó, để phân biệt hai nghĩa vụ này phải dựa vào yếu tố không gian giữa chủ thể của quan hệ cấp dưỡng và nuôi dưỡng. Luật Hôn nhân và gia đình quy định khi người có quan hệ nuôi dưỡng không cùng sống chung với nhau thì giữa họ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng. Đây chính là điểm mấu chốt có thể phân biệt nghĩa vụ cấp dưỡng và nuôi dưỡng. Việc xem xét về không gian là cùng sống chung hay không cùng sống chung được xác định dựa trên thực tế mà không có bất kỳ giải thích cụ thể nào. “Không cùng sống chung” là họ không ăn chung, không có quỹ tiêu dùng chung mà không căn cứ vào việc họ có ở chung nhà với nhau hay không.
Một điểm khác nhau về giữa nuôi dưỡng và cấp dưỡng là trách nhiệm pháp lý nếu trống tránh nghĩa vụ. Trong đó, nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ phát sinh giữa những người không cùng sống chung mà còn phát sinh cả trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Khi đó, nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu như một chế tài đối với người không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng những người thân thích theo quy định của pháp luật. (Khoản 2, Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình). Bên cạnh đó, người vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015. Còn đối với trường hợp vi phạm nghĩa vụ về cấp dưỡng thì cá nhân người cấp dưỡng sẽ phải gánh chịu các hậu quả pháp lý kể cả việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mối quan hệ giữa nghĩa vụ nuôi dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng thể hiện rõ ở giai đoạn ly hôn và sau ky hôn, khi tòa án đã xác định ai là người trực tiếp nuôi con, khi đó, người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là được xác định là người nuôi dưỡng, còn cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đồng thời, nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt khi người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng.
Như vậy, có thể thấy rằng, nuôi dưỡng và cấp dưỡng là mối quan hệ khẳng khít, tìm hiểu về cấp dưỡng thì không thể bỏ qua ý nghĩa của nuôi dưỡng và ngược lại. Ở một chừng mực nào đó, cấp dưỡng được coi là một hình thức nuôi dưỡng đặc biệt mà ở đó không có sự tiếp xúc thường xuyên để tác động tâm lý hoặc thay đổi nhận thức mà chỉ dùng tiền, tài sản để đóng góp và duy trì cuộc sống thiết yếu cho người được cấp dưỡng, nuôi dưỡng. Thực tế, nuôi dưỡng mang lại nhiều giá trị hơn so với cấp dưỡng, nhưng cấp dưỡng là yếu tố để giải quyết triệt để tất cả những khó khăn mà nuôi dưỡng có thể có, là phương thức pháp lý bảo vệ cuối cùng mà pháp luật hôn nhân và gia đình ghi nhận nhằm đảm bảo cho các đối tượng yếu thế được sống một các tốt đẹp và có ích cho xã hội.