Về quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán? Cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về chứng khoán và thị trường chứng khoán? Nội dung quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán? Trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán?
Quản lý nhà nước luôn được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Và Nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định, phát triển của chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với đất nước. Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã trở thành một điều không thể thiếu.
LVN Grouptư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
1. Về quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng và khách thể quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đạt mục tiêu đặt ra trong điều kiện biến động của môi trường.
Quản lý nhà nước là hoạt động quản lý vĩ mô thuộc hệ thống tổ chức quốc gia, là sự quản lý của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế- chính trị- xã hội theo hướng điều tiết và định hưởng.
Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán là hoạt động quản lý ở tầm vĩ mô của cơ quan nhà nước đối với loại hàng hóa đặc biệt là chứng khoán và thị trường giao dịch của nó- thị trường chứng khoán, nhằm mục đích phát huy hiệu quả, vai trò tích cực của loại hình thị trường này.
Quản lý nói chung, quản lý nhà nước nói riêng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội và do đời sống kinh tế- xã hội đòi hỏi. Mà thị trường chứng khoán có vai trò vô cùng quan trọng, là nơi tập trung nguồn vốn cho đầu tư và phát triển kinh tế, do đó có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư nói riêng và nền kinh tế nói chung. Và thị trường chứng khoán là một thị trường cao cấp, nơi tập trung nhiều đối tượng tham gia với mục đích, sự hiểu biết và lợi ích khác nhau; các giao dịch và các sản phẩm tài chính được thực hiện với giá trị rất lớn. Đặc tính này khiến thị trường chứng khoán cũng là môi trường dễ xảy ra những hoạt động kiếm lời không chính đáng, những hành vi gian lẫn, những công bằng gây tổn thất cho các nhà đầu tư và nguy hiểm hơn đó chính là gây náo loạn thị trường, gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Do đó, mà quản lý nhà nước đối với chứng khoán và thị trường chứng khoán là tất yếu, xuất phát từ vai trò của nhà nước cũng như đặc tính của chứng khoán và thị trường chứng khoán.
2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán hay còn gọi với tên gọi khác là chủ thể quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông thường, mỗi quốc gia đều thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tùy từng quốc gia, cơ quan này có những tên gọi và mô hình tổ chức, quản lý khác nhau.
Ở Việt Nam, cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành về chứng khoán là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính.
3. Nội dung quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
Xét về đối tượng quản lý, hoạt động quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán gồm hai bộ phận cơ bản là quản lý nhà nước đối với chứng khoán và quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Hoạt động quản lý gồm các nội dung:
Thứ nhất là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; hoạch định chính sách, kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán.
Pháp luật là công cụ quản lý hữu hiệu đối với bất kì nhà nước nào. Do đó, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một nội dung quan chính trong quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đồng thời, để thị trường phát triển ổn định, đúng hướng, việc quản lý phải dựa trên cơ sở các chính sách, kế hoạch và chiến lược đã được đề ra.
Thứ hai, cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép liên quan đến việc phát hành, niêm yết, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán và thu lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật. Đây thực chất là cơ chế quản lý việc tham gia hoạt động phát hành, niêm yết, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của các chủ thể thông qua một trong hai cơ chế: cơ chế đăng ký và cơ chế cấp phép. Cơ chế cấp phép đặt ra các điều kiện và thủ tục chặt chẽ nhằm đảm bảo sự an toàn cho thị trường chứng khoán.
Thứ ba, tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức và các tổ chức trung gian, tổ chức, phụ trợ hoạt động trên thị trường chứng khoán. Để thị trường có thể vận hành nhịp nhàng, việc tổ chức và quản lý giao dịch là điều tất yếu. Mặt khác, để đảm bảo nguyên tắc trung gian được tôn trọng, đem lại sự công bằng cho các nhà đầu tư, vấn đề quản lý các tổ chức trung gian và tổ chức phụ trợ trên thị trường chứng khoán cũng cần được quan tâm.
Thứ tư, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Do thị trường chứng khoán là nơi dễ xảy ra những hoạt động kiếm lời không chính đáng, những hành vi gian lận, nên công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động minh bạch, công khai và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Hoạt động thanh tra được tập trung chủ yếu vào vấn đề tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường.
Thứ năm, đào tạo nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán. Hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đòi hỏi phải có một lượng kiến thức tương đối bởi nó chứa hàm nhiều nguy cơ rủi ro. Yêu cầu này đặt ra không chỉ đối với những người quản lý mà với tất cả các chủ thể tham gia thị trường nói chung từ tổ chức phát hành cho tới nhà đầu tư và các tổ chức trung gian phụ trợ khác. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng công tác tổ chức, vận hành thị trường cũng như tuyên truyền, phổ cập kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán là hoạt động luôn được chú trọng.
Thứ sáu, hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Xu thế hội nhập kinh tế quốc về đã được thừa nhận như một đòi hỏi tất yếu. Là thành phần của nền kinh tế, bộ phận quan trọng của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán không thể phát triển ngoài xu thế chung đó. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
4. Trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán:
Tại Điều 8 của Luật Chứng khoán năm 2019 đã nêu lên trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, thì đóng vai trò cao nhất là Chính phủ- cơ quan cao nhất trong việc quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông thường, Chính Phủ chính là cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán đồng thời đưa ra những quyết định quan trọng về thị trường chứng khoán trong những trường hợp luật định.
Sau Chính Phủ chính thì cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán là Bộ Tài Chính. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Bộ Tài Chính có nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán. Đóng vai trò là cơ quan quản lý Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước, thì Bộ Tài chính có trách nhiệm về sự phát triển, ổn định của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, thì Bộ Tài chính còn có nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nhận thức được tầm quan trọng của việc thu hút vốn qua kênh thị trường chứng khoán, ngay khi nền kinh tế đất nước bắt đầu chuyển mình sang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ đã quan tâm tới việc tạo dựng khung pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường chứng khoán. Từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn trong giai đoạn thai nghén, việc soạn thảo các văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã được xúc tiến. Và từ khi ra đời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán trình chình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành hoặc Bộ Tài chính tiến hành trình các văn bản do Ủy ban Chứng Khoán đề nghị lên Chính Phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành theo quy định.
Và nhiệm vụ nữa có Bộ Tài chính đó chính là chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Như ở trên đã nói, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc quản lý của Bộ Tài chính, nên quy định trách nhiệm này của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý.
Cuối cùng, thì điều 8 của Luật Chứng khoán năm 2019 còn quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Như vậy, trách nhiệm về quản lý chứng khoán và thị trường chứng khoán không chỉ dừng lại ở một cấp, hay chỉ do cơ quan chuyên trách về quản lý chứng khoán thực hiện mà còn được chia ra cho nhiều cơ quan khác nhau.