Quy định bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử

Khái quát về bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử? Quy định bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử?

Với sức tiêu thụ rượu, bia lớn gần như dẫn đầu các quốc gia Đông Nam Á, điều này đã dẫn đến sự ra đời của nhiều cơ sở cung cấp, bán rượu, bia nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như tìm kiếm lợi nhuận khổng lồ cho chính họ. Việc bán rượu, bia có thể được thực hiện theo các phương thức khác nhau để mang lại hiệu quả tốt nhất, trong đó xu hướng nổi bật đó là theo hình thức thương mại điện tử, với cách tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được quản lý khá chặt chẽ theo quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. (Chưa có hiệu lực, có giá trị tham khảo).

1. Khái quát về bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử?

Thương mại điện tử là hình thái hoạt động và trao đổi thông tin thương mại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lí nhà nước và giữa các cơ quan quản lí nhà nước với nhau bằng các phương pháp điện tử, diễn ra trên mạng Internet.

Khái niệm về hoạt động thương mại điện tử còn được giải thích tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 52/2013/NĐ-CP, theo đó: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Rượu, bia là đối tượng tác động trực tiếp và là hàng hóa được tiến hành trao đổi, buôn bán thực hiện theo hình thức thương mại điện tử, hoạt động này được diễn ra trên các website thương mại điện tử để kết nối giữa người mua và người bán. Bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử là hoạt động của thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động bán rượu, bia của mình.

2. Quy định bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử?

Quy định cụ thể nhất về bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử được ghi nhận tại Điều 16 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử. Trong đó ghi nhận 04 điều kiện cơ bản:

Thứ nhất, đáp ứng quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 15 và Điều 18 của Luật này.

Nội dung được ghi nhận trong các Khoản 4, 5 Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm:

Một là, điều kiện cấp phép mua bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên (Khoản 4), bao gồm: (1) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; (2) Đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu. Trong một bài viết về kinh doanh rượu, Luật LVN Group đã có sự phân tích cụ thể về các điều kiện này, trong bài viết này, tác giả nói một cách khái quát rằng, việc đáp ứng các điều kiện này chủ yếu xuất phát từ thủ tục, đó là hoạt động đăng ký kinh doanh để cơ quan nhà nước có thể thực hiện việc quản lý hiệu quả, đồng thời, kinh doanh rượu, bia cũng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các loại hình mua bán rượu ví dụ như bán buôn, bán lẻ, bán tiêu dùng tại chỗ,…

Hai là,  “việc quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.” (Khoản 5), cụ thể cho quy định này, Điều 31c Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương, quy định 03 điều kiện: (1)  Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; (2) Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; (3) Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Nhìn chung quy định về điều kiện này không quá thực sự khắt khe hay khó khăn, chủ yếu là các thủ tục mà cơ sở kinh doanh phải tiến hành để nhà nước công nhân, cho phép hoạt động và quản lý hiệu quả.

Ba là, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia (Điều 18), theo đó: “Rượu, bia được kinh doanh, lưu hành tại Việt Nam phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.“. Đây là quy định bắt buộc, việc vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn hay chất lượng có thể buộc cơ sở kinh doanh phải gánh chịu các hậu quả pháp lý bắt buộc. Bởi rượu, bia là sản phẩm có ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng nếu sử dụng không hợp lí, việc không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là bán rượu giả không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội.

Như vậy, dù bán rượu, bia theo hình thức nào thì việc đáp ứng các điều kiện cơ bản về bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên và dưới 5,5 độ là bắt buộc, đây là các điều kiện “cứng” dù trong tình huống nào cũng phải được áp dụng.

Thứ hai, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Vì là hoạt động thực hiện thông qua hình thức thương mại điện tử, do đó, việc chịu sự điều chỉnh của pháp luật thương mại điện tử là điều hiển nhiên và cũng là điều kiện quan trọng để quyết định có thể thực hiện thông qua hình thức bán hàng này không. Nội dung được quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử được ghi nhận cụ thể trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và trong tương lai, khi Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử có hiệu, thì các quy định này sẽ trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, đảm bảo cho hoạt động thương mại điện tử nói chung và bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử nói riêng.

Thứ ba, thực hiện biện pháp theo quy định của Chính phủ để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia.

Đây là nội dung khá trọng tâm, một trong các điều kiện quan trọng nhằm ngăn chặn hành vi bán hàng và mua hàng là rượu, bia đối với đối tượng không được phép sử dụng. Tại Điều 6 Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định rất cụ thể về nội dung này, theo đó: “Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác bán rượu, bia phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia bảo đảm các yêu cầu sau đây:….”, chẳng hạn:

1. Có ứng dụng khai báo tên, tuổi của người truy cập trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin; khai báo các thông tin về tên, địa chỉ cư trú của người mua, thông tin thanh toán qua tài khoản, thẻ ngân hàng hoặc các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác khi người đó thực hiện giao dịch mua rượu, bia.

Đây là yêu cầu quan trọng đầu tiên để nắm bắt được thông tin của người mua hàng, đặc biệt là tuổi. Tuy nhiên, ứng dụng này phải được thiết lập làm sao để tránh tình trạng khai gian dối hoặc sử dụng thông tin của người khác để đặt hàng. Mặc dù quy định đặt ra, nhưng thực tế triển khai sẽ còn đặt ra nhiều thách thức đối với người bán rượu, bia. Nhưng ở một chừng mực nào đó, việc phát hiện và xử lý vi phạm là rất khó, vì về cơ bản người bán hàng cũng mong muốn bán được nhiều hàng mà không để tâm đến việc bán cho đối tượng nào.

2. Thông tin về sản phẩm rượu, bia trên website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân bán rượu, bia không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi; các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng dành riêng cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập chưa đủ 18 tuổi.

Đây cũng là một yêu cầu khá thiết thực và có khả năng thực hiện hiệu quả do sự liên kết và ngắt liên kết là yếu tố có thể được thực hiện thông qua hoạt động của con người. Một trong những điểm cần chú ý là việc không liên kết, quảng bá, chỉ mang tính chất tương đối, thông thường việc quảng cáo còn xuất phát từ người dùng tài khoản cố tình xâm nhập hoặc tham gia vào các chương trình, trang web có quảng cáo rượu, bia.

3. Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người đó, bảo đảm người nhận hàng phải từ đủ 18 tuổi trở lên khi giao hàng.

Yêu cầu này nhằm xác định chính xác người nhận hàng, đây là kết quả của yêu cầu 1, nếu như việc người nhận hàng là người bị nghi ngờ về độ tuổi, tức là ở yêu cầu 1 chưa bảo đảm, điều này một lần nữa ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán rượu bia.

Thứ tư, áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo giải thích tại khoản 1, Điều 4, Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là dịch vụ thanh toán) bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Việc đặt ra hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng có ý nghĩa trong việc kiểm soát hoạt động mua và nhận hàng đối với người chưa đủ 18 tuổi.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com