Quy định chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Quy định về chương trình giáo dục phổ thông? Quy định về sách giáo khoa giáo dục phổ thông?

Giáo dục phổ thông là một trong các cấp độ, trình độ đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quan trọng nhất, quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ của cá nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới. Để đạt được điều đó phù thuộc rất nhiều vào tính hiệu quả của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan. Trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ có sự phân tích cụ thể, chi tiết nhất về quy định của pháp luật hiện hành về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Luật Giáo dục năm 2019.

Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Giáo dục phổ thông là cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông.

1. Quy định về chương trình giáo dục phổ thông?

Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản chính sách của Nhà nước thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lý chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông. Khái niệm này được xây dựng dựa trên cách giải thích về chương trình giáo dục nói chung được quy định tại Khoản 1, Điều 8, Luật Giáo dục và được ghi nhận chính thức trong Chương trình giáo dục phổ thông, chương trình tổng thể đã được phê duyệt.

Quy định về chương trình giáo dục phổ thông được ghi nhận tại Điều 31, Luật Giáo dục, trong đó, nội dung trọng tâm là các yêu cầu phải đảm bảo của chương trình giáo dục phổ thông phải đảm bảo theo Khoản 1, cụ thể có 05 yêu cầu như sau:

Một là, thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông.

Mục tiêu giáo dục phổ thông là một bộ phận của mục tiêu giáo dục nói chung, trong đó chú trọng về sự phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Thực tiễn pháp luật cho thấy, mục tiêu giáo dục phổ thông không được quy định trong các văn bản pháp luật, tuy nhiên, với vị trí là cấp giáo dục quan trọng nhất, vì vậy mục tiêu giáo giục phổ thông thực hiện triệt để nhất mục tiêu giáo dục nói chung.

Do giáo dục phổ thông bao gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở, giáo dục trung học phổ thông, do đó, việc thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với các cấp giáo dục đào tạo này, trong đó:

– Chương trình giáo dục tiểu học nhằm hình thành những yếu tố căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần và trí tuệ và bước đầu là sự định hướng tư tưởng là chính.

– Chương trình giáo dục trung học cơ sở nhằm phát triển lên một bậc các phẩm chất, năng lực được hình thành từ giáo dục tiểu học và chuẩn bị nền tảng để thực hiện chương trình giáo dục trung học phổ thông.

– Chương trình giáo dục trung học phổ thông nhằm giúp phát triển toàn diện và phát huy hết năng lực của học sinh từ các cấp giáo dục trước, khả năng định hướng nghề nghiệp và khả năng hòa nhập trong tương lai trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ.

Hai là, quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong cả nước.

Những phẩm chất mà học sinh cần đạt được đó là yêu quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè và con người nói chung, trung thực, trách nhiệm, chăm chỉ. Năng lực học sinh cần đạt được bao gồm năng lực chung, năng lực chuyên môn và năng lực đặc biệt (năng khiếu). Tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng cấp học mà biểu hiện NL ở các mức độ khác nhau, được phát triển theo đặc điểm của học từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Ví dụ: biểu hiện của NL “Tự định hướng nghề nghiệp” trong nhóm năng lực tự chủ và tự học (Các năng lực chung) ở các cấp học có sự thay đổi rõ rệt nhất.

Ba là, quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông. Phương pháp được sử dụng là tích cực hóa các hoạt động của người học, trong đó, giáo viên là người chủ động tổ chức, hướng dẫn, học sinh là người tiến hành thực hiện. Còn đối với việc đánh giá kết quả giáo dục nhằm đánh giá chính xác, kịp thời năng lực của học sinh, sự thay đổi, tiến bộ, từ đó đưa ra các phương án giảng dạy tối ưu và hiệu quả nhất.

Bốn là, thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo được sự đồng bộ, công bằng, bình đẳng đối với mọi học sinh trong cả nước, tuy nhiên, do điều kiện địa phương và các cơ sở giáo dục là khác nhau, pháp luật cho phép việc điều chỉnh áp dụng linh hoạt nhưng không làm mất đi bản chất hay lợi dụng để hạ thấp mục tiêu giáo dục phổ thông.

Năm là, được lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và thực nghiệm trước khi ban hành; được công bố công khai sau khi ban hành.

Trước khi ban hành chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong cả nước cũng như từ các chuyên gia tư vấn quốc tế và công bố dự thảo chương trình trên mạng Internet để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã được Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông xem xét, đánh giá và thông qua.

2. Quy định về sách giáo khoa giáo dục phổ thông?

Theo quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT, sách giáo khoa được giải thích là “xuất bản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nội dung quy định về sách giáo khoa giáo dục phổ thông được ghi nhận tại Điều 32, Luật Giáo dục, trong đó thể hiện rằng:

a) Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử;

Đây có thể xem là yêu cầu quan trọng nhất đối với sách giáo khoa, từ đây, sách giáo khoa được coi là tài liệu học tập “vững chắc” nhất, trọng tâm nhất chi phối tới tất cả các tài liệu tham khảo hoặc nâng cao về kiến thức cho học sinh. Sách giáo khoa được coi là sự “hiện thân” và thể hiện hết những mục tiêu, định hướng nội dung học tập, nghiên cứu cho học sinh. Bản thân sách giáo khoa luôn được các cơ sở giáo dục phải đảm bảo cho học sinh và học sinh luôn phải làm chủ nó trong quá trình học tập.

“b) Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật;” . Việc lựa chọn số sách giáo khoa trên một môn học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, làm thế nào để ghi nhận những nội dung học tập cần thiết muốn học sinh tiếp nhận. Trong biên soạn sách giáo khoa cần tiếp thu ý kiến của xã hội để hoàn thiện và dễ dàng nắm bắt được nhu cầu học tập cơ bản cũng như tiếp xúc với nhiều quan điểm mới và hiệu quả.

“c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;” Việc trao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân với tư cách là cơ quan quản lý hành chính nhà nước về mọi mặt, để thực hiện việc lựa chọn thống nhất, ổn định trên địa bản. Tuy nhiên, sách giáo khoa thường áp dụng đồng bộ trên cả nước.

“d) Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.” Quy định này vừa tạo tính linh hoạt vừa mang tính quản lý, giúp địa phương chủ động trong việc biên soạn tài liệu giáo dục với mong muốn thực hiện hoạt động giáo dục phù hợp nhất, nhưng quan trọng của hoạt động này phải được thẩm định chặt chẽ và được chủ thể có thẩm quyền phê duyệt.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com