Về sử dụng ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường? Chi đầu tư cho bảo vệ môi trường?
Bảo vệ môi trường là hoạt động được đặt lên hàng đầu của mỗi quốc gia. Để thực hiện được hoạt động bảo vệ môi trường thì cần phải có nguồn tiền duy trì liên tục, thường xuyên, khi đó mới đảm bảo được tính liên tục, hiệu quả của bảo vệ môi trường. Pháp luật hiện hành quy định về việc dành ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ cung cấp các thông tin về chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Về sử dụng ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường
Chi ngân sách nhà nước dùng cho bảo vệ môi trường là việc dùng một khoản tiền nhất định thuộc ngân sách nhà nước dùng để thực hiện cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 cũng khẳng định chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đều thuộc chi thường xuyên cả ở ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Và tại Điều 147 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về các hoạt động trong bảo vệ môi trường mà được dùng ngân sách nhà nước, cụ thể thì chi hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường gồm:
– Hoạt động xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường.
Từ việc phân tích hiện trạng môi trường, điều kiện địa lý, tự nhiên, xã hội và sinh thái trong vùng quy hoạch, phân vùng môi trường; các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra các định hướng về quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử trong cùng quy hoạch. Đồng thời với đó là việc tiến hành xác lập các tiêu chí chung nhằm quản lý thống nhất về môi trường, tạo quy định để các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp với các điều kiện về địa lý, tự nhiên, sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa các định hướng và giải pháp thực hiện trên ba trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Quy hoạch bảo vệ môi trường phải được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường phải dựa trên hiện trạng tự nhiên, kinh tế, xã hội để phân vùng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường, quản lý chất thải, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và không được trái với các quy hoạch cơ bản hiện có. Với vai trò quan trọng như vậy, thì việc xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường chính là hoạt động trọng tâm, cần phải có sự đầu tư phù hợp từ quá trình xây dựng để đảm bảo rằng chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn và trong tương lai.
Chi ngân sách cho hoạt động thẩm định quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Bên cạnh hoạt động xây dựng thì quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược còn cần phải qua quá trình thẩm định. Hoạt động thẩm định này được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định và phải trải qua những trình tự, thủ tục nhất định. Hoạt động thẩm định có vai trò vô cùng quan trong, ví dụ như việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược chính là căn cứ để quyết định chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ; cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng; cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Việc thẩm định, phê duyệt này chính là cơ sở nhằm đảm bảo các quy hoạch được xây dựng, các dự án khi được cấp phép đáp ứng được các yêu cầu về môi trường đã được luật định. Do vậy, mà hoạt động thẩm định luôn được nhà nước quan tâm, chú trọng, và được sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện.
Chi ngân sách cho hoạt động quan trắc môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường và báo cáo môi trường;
Chi ngân sách cho hoạt động hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quản lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học; đào tạo, truyền thông về bảo vệ môi trường; phổ biến và đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Quản lý chất thải là quá trình phòng ngừa, giảm thiểu và giám sát, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải”. (Khoản 15 Điều 3) Hoạt động quản lý chất thải là một quá trình nhằm xử lý và tiêu hủy chất thải đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các chủ nguồn thải giảm lượng chất thải phát sinh trên thực tế, hạn chế tới mức tối đa nhưng ảnh hưởng xấu của chất thải gây ra cho chất lượng môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người. Thực tế cho thấy các chi phí cho hoạt động này khá cao, đồng thời khi các chất thải không được quản lý, xử lý kịp thời, theo đúng tiêu chuẩn, quy định thì sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, việc chi ngân sách nhà nước cho hoạt động này là vô cùng hợp lý.
Thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Hay như hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường cũng là những hoạt động vô cùng quan trọng. Khi có các sự cố môi trường xảy ra, thì việc khắc phục ô nhiễm, hậu quả xảy ra cần được thực hiện kịp thời để tránh hậu quả lan rộng. Bên cạnh đó, hoạt động phòng ngừa cũng vô cùng quan trọng, tất cả vì mục đích giảm thiểu tối đa những hậu quả, rủi ro có thể xảy ra. Những hoạt động này sẽ do ngân sách nhà nước thực hiện.
Ngoài ra, thì ngân sách nhà nước còn có thể được sử dụng cho các hoạt động quản lý bảo vệ môi trường khác.
2. Chi đầu tư cho bảo vệ môi trường
Tại Khoản 2 Điều 147 Luật Bảo vệ môi trường quy định như sau:
“Chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường gồm chi cho các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải, xây dựng và trang bị trạm quan trắc và phân tích môi trường do Nhà nước quản lý; đầu tư phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học; cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm, trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi công cộng, khu vực công ích.”
Chi đầu tư phát triển được hiểu là việc chi cho những dự án phát triển, “chi cho tương lai”, thông thường, các dự án được chi đầu tư phát triển có thời gian thực hiện dài, có tính dự trù. Như các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải đều là những dự án lớn, có vai trò quan trọng trong việc xử lý chất thải, đảm bảo ô nhiễm môi trường. Hay như việc đầu tư các phương tiện, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường cũng thuộc đầu tư phát triển do đây chính là việc Nhà nước chuẩn bị trước cho những sự cố, ô nhiễm, suy thoái có thể xảy ra bất cứ lúc nào để kịp thời ứng phó.
Biến đổi khí hậu là vấn đề mà toàn nhân loại đang ứng phó, do vậy mà cần phải có khoản dự trù kinh phí để kịp thời hành động khi biến đổi khí hậu xảy ra. Các hoạt động như cải tạo nguồn nước bị ô nhiễm, trồng và chăm sóc cây xanh tại nơi công cộng, khu vực công ích chính là các hoạt động lâu dài, không thể thực hiện hết trong một dự án, nên việc pháp luật quy định chi đầu tư phát triển cho hoạt động này vô cùng hợp lý.
Tại Khoản 3 Điều 147 quy định việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Thực tế hiện nay Nhà nước luôn chú trọng đến việc chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường, không chỉ dừng lại ở việc chi thường xuyên mà còn cả chi cho đầu tư phát triển. Thực tiễn những năm gần đây, thì tỷ lệ chi của ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước, đây là một tỷ lệ khá lớn. Việc chi ngân sách lớn đã giúp cho việc bảo vệ môi trường được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn, và được thực hiện theo sát với đường lối, chủ trương của Đảng.