Đấu thầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ công? Quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu? Quy trình lựa chọn nhà thầu?
Đấu thầu là một trong các hình thức lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ mang lại nhiều ưu điểm vượt bậc. Việc đấu thầu không chỉ được áp dụng trong hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ thông thường mà còn được áp dụng trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ công. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ cung cấp các thông tin về đấu thầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ công.
Tổng đàiLVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191
1. Đấu thầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ công
Mua sắm được hiểu là hành động bỏ tiền để đổi lấy (thu lại) một sản phẩm hàng hóa hoặc một dịch vụ nào đó. Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này dù trực tiếp hay gián tiếp đều phục vụ cho nhu cầu của con người (cá nhân, tập thể hoặc cả công đồng). Nguồn vốn bỏ ra để mua sắm có thể từ ngân sách Nhà nước hoặc từ các tổ chức, cá nhân khác. Mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng vốn Nhà nước được coi là “mua sắm công”, vì nó sử dụng vốn thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân để mua sắm phục vụ lợi ích cộng đồng.
Để hạn chế sự thất thoát, lãng phí khi sử dụng nguồn vốn nhà nước, thì đấu thầu là một trong những phương thức giao kết hợp đồng được sử dụng thường xuyên. Theo pháp luật đấu thầu của Việt Nam, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu để thực hiện gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước. Kết quả của sự lựa chọn là có hợp đồng được ký kết với các điều khoản quy định chi tiết trách nhiệm của hai bên. Một bên nhà thầu phải thực hiện các nhiệm vụ như nêu trong hồ sơ mời thầu có thể là dịch vụ tư vấn, cung cấp hàng hóa hoặc chịu trách nhiệm xây dựng,…; một bên là chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, nghiệm thu và thanh toán tiền.
Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 32/2019/NĐ- CP quy định về khái niệm sản phẩm, dịch vụ công như sau: “Sản phẩm, dịch vụ công là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; xây dựng; lao động thương binh và xã hội; tư pháp và các lĩnh vực khác theo quy định của Chính phủ. Sản phẩm, dịch vụ công bao gồm dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm, dịch vụ công ích.”
Như vậy, có thể hiểu đấu thầu cung cấp sản phẩm và dịch vụ công hay còn được gọi với tên gọi khác là “đấu thầu mua sắm công” là hoạt động mua sắm sử dụng vốn Nhà nước thông qua hình thức đấu thầu. Trong hoạt động đấu thầu này, thì nội dung đấu thầu mua sắm rất rõ ràng. Hoạt động đấu thầu này nhằm thực hiện công việc thuộc các dự án được duyệt để đạt được mục tiêu cơ bản về tăng trưởng kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tăng cường mức sống của dân sư,… theo các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế,….Đối với từng gói thầu cụ thể, thì mục tiêu thể hiện qua việc lựa chọn các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện việc cung cấp hàng hoa, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tư vấn), dịch vụ xây dựng các công trình, đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Trong hoạt động mua sắm sản phẩm và dịch vụ công, bên mời thầu (hay bên mua) là các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn nhà nước. Đó chỉ có thể là các tổ chức đại diện cho vốn Nhà nước, chứ không thể là các cá nhân.
Việc mua sắm sử dụng nguồn tiền do Nhà nước quản lý được thực hiện với mục đích đó chính là nhằm duy trì sự hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội và của các doanh nghiệp nhà nước hoặc để thực hiện những dự án đầu tư với các khoản chi không có tính chất định kỳ, không có tính lặp lại. Việc sử dụng nguồn tiền từ ngân sách nhà nước để mua sắm hàng hóa, thiết bị, sử dụng dịch vụ cần phải được thực hiện theo một quy trình nhất định với mục đích nhất định để bên mua mời nhiều bên tham dự nhằm so sánh, lựa chọn một bên bán có sản phẩm phù hợp với nhu cầu và giá cả hợp lý nhất.
2. Quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu
Việc lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu nói chung và đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nói riêng được bên mời thầu thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của gói thầu. Hiện có các hình thức đấu thầu sau:
Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bất kì nhà thầu nào đủ điều kiện có thêm tham gia dự thầu nếu có mong muốn. Hình thức này không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia.
Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà chỉ có một số nhà thầu nhất định được mời tham dự thầu. Bên mời thầu thường áp dụng hình thức này trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc yêu cầu về kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu trên thị trường có khả năng đáp ứng được. Khi thực hiện đấu thầu hạn chế, bên mời thầu phải mời tối thiểu ba nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệp đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu. Các nhà thầu được xác định có đủ khả năng thực hiện gói thầu và có mong muốn tham dự gói thầu sẽ được bên mời thầu đưa vào danh sách ngắn.
Chào hàng cạnh tranh là hình thức thường được áp dụng khi bên mời thầu muốn mua sắm những loại hàng hóa thông dụng sẵn có trên thị trường với những đặc tính kỹ thuật đã được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng, các gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng đơn giản hay các gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt và có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ.
Chỉ định thầu là hình thức đấu thầu mà chỉ có một nhà thầu được lựa chọn để thực hiện yêu cầu của bên mời thầu. Hình thức này chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định.
Mua sắm trực tiếp là hình thức đấu thầu áp dụng đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa mà bên mời thầu mời một nhà thầu trước đó đã trúng thầu thông qua hình thức đầu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế để thực hiện gói thầu mới của mình có hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác.
Tự thực hiện là hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có đủ năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính và đảm bảo kinh nghiệm đáp ứng tất cả các yêu cầu của giá thầu. Đây chính là việc tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu tự thực hiện gói thầu, không lựa chọn nhà thầu nào khác, khi đó họ vừa đóng vai trò là chủ đầu tư, vừa là nhà thầu.
Tham gia thực hiện cộng đồng là hình thức lựa chọn nhà thầu trong cộng đồng dân sự, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu đó. Những trường hợp áp dụng hình thức này đó chính là gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo cho các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, khói thầu có quy mô nhỏ mà công đồng dân sự, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương có thể đảm nhiệm.
Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, là hình thức đấu thầu áp dụng trong trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu nào khác và được người có thẩm quyền trình Chính phủ xem xét, quyết định phương án đấu thầu.
3. Quy trình lựa chọn nhà thầu
Để tiến hành các bước trong quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu, trước hết nhu cầu mua sắn sản phẩm, dịch vụ công phải được xây dựng trên cơ sở quy định của pháp luật về đầu tư công. Luật Đầu tư công năm 2019 đã xác định các đối tượng đầu tư công trong đó bao gồm cả lĩnh vực đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, chính trình, tổ chức chính trị- xã hội. Các dự án đó phải được hình thành trên cơ sở phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch có liên quan, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác,….
Các nhà thầu tham gia vào đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, đó chính là các điều kiện cơ bản nhất mà các nhà thầu phải đáp ứng để có tư cách hợp lệ tham dự đấu thầu tại Việt Nam.
Mỗi hình thức lựa chọn nhà thầu có quy trình đấu thầu cụ thể khác nhau. Nhưng nhìn chung mỗi hình thức đấu thầu đều được thực hiện theo quy trình gồm ba nước; chuẩn bị đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Ở một bước của quy trình đấu thầu lại bao gồm những nội dung công việc và thời gian thực hiện khác nhau tùy theo hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng.
Theo quy định của pháp luật đấu thầu hiện hành, thì phương thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: Phương thức một giai đoạn, một túi hồ sơ; phương thức một giai đoạn, hai túi hồ sơ; phương thức hai giai đoạn, một túi hồ sơ và phương thức hai giai đoạn, hai túi hồ sơ. Mỗi phương thức thì được áp dụng đối với hình thức đấu thầu nhất định. Hiện quy trình đấu thầu đối với từng phương thức được áp dụng theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn chi tiết.