Quy định về định giá, định giá lại kê biên để thi hành án

 Định giá, định giá lại tài sản kê biên là gì? Quy định về định giá, định giá lại kê biên để thi hành án?

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là một trong những giải pháp có hiệu quả nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án, bảo đảm hiệu lực của bản án quyết định và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật trước thái độ không chấp hành án của người phải thi hành án. Trong đó có biện pháp định giá, định giá lại tài sản kê biên để thi hành án. Vậy định giá, định giá lại kê biên để thi hành án được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật LVN Group sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Quy định về định giá, định giá lại kê biên để thi hành án”.

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

– Cơ sở pháp lý:

+ Luật thi hành án dân sự 2008.

+ Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Quy định vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
+ Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự.

1. Định giá, định giá lại tài sản kê biên là gì?

Định giá tài sản kê biên là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại Mục 6 Chương III Luật thi hành án dân sự 2008, do đó, định giá, định giá lại tài sản kê biên mang đầy đủ những đặc điểm của biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Theo đó, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp thi hành án dân sự dùng quyền lực của Nhà nước buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của họ, do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án. Biện pháp cưỡng chế thi hành án có những đặc điểm như sau:

+ Thứ nhất, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự thể hiện quyền năng đặc biệt của Nhà nước và được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh của nhà nước. Việc cưỡng chế thi hánh án nói chung và cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Người được thi hành án không có quyền tự mình dùng sức mạnh để buộc người phải thi hành án thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của toà án.

Ở nước ta, thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự thuộc về các cơ quan thi hành án dân sự của nhà nước. Do vậy, khi cần thiết phải cưỡng chế để thi hành án thì chỉ có chấp hành viên đại diện cho cơ quan thi hành án dân sự mới là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế và lựa chọn biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự phù hợp. Tuy vậy, theo xu thế xã hội hoá thi hành án dân sự, việc cưỡng chế thi hành án dân sự nhà nước cũng có thể giao cho chủ thể khác không thuộc cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc cưỡng chế.+ Thứ hai, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án nhằm buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của toà án. Trong thi hành án dân sự, các đương sự có quyền tự định đoạt, do vậy nhà nước luôn khuyến khích các đương sự trong việc tự nguyện thi hành án. Việc người phải thi hành án tự nguyện thi hành án trước khi người được thi hành án có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án là thể hiện của tinh thần thượng tôn pháp luật và là một cách hành xử văn minh. Tuy vậy, thực tế thi hành án dân sự cho thấy không phải tất cả các bản án, quyết định của toà án sau khi có hiệu lực pháp luật đều được người phải thi hành án tự nguyện thi hành.

Trong những trường hợp này, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án được xem là giải pháp cuối cùng và cần thiết nhằm buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án của họ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người được thi hành án và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trước thái độ không chấp hành án của người phải thi hành án.

+ Thứ ba, đối tượng của biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là tài sản hoặc hành vi của người phải thi hành án. Khác với cưỡng chế thi hành án hình sự, đối tượng của biện pháp cưỡng chế thi hành án hình sự là quyền tự do thân thể hoặc tính mạng của con người còn đối tượng của biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự chỉ là tài sản hoặc hành vi của người phải thi hành án.

Theo quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008, các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự như khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lí tiền, giấy tờ có giá; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án; buộc chuyển giao vật, quyền tài sản; buộc phải thực hiện hoặc không được thực hiện hành vi nhất định đều không nhằm mục đích trừng trị người phải thi hành án mà chỉ nhằm mục đích buộc họ phải thực hiện những nghĩa vụ dân sự của mình đối với người được thi hành án.

+ Thứ tư, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, người bị áp dụng ngoài việc phải thực hiện các nghĩa vụ trong bản án, quyết định do toà án tuyên họ còn phải chịu mọi chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự. Người phải thi hành án có bổn phận thi hành các nghĩa của họ đã được xác định trong bản án, quyết định. Việc người phải thi hành án không tự nguyện thi hành nghĩa vụ thi hành án của họ dẫn tới việc chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án là do lỗi của họ. Do vậy, họ phải có trách nhiệm gánh chịu các phí tổn phát sinh từ việc tổ chức cưỡng chế thi hành án.

+ Thứ năm, các biện pháp cưỡng chế được chấp hành viên quyết định áp dụng không những có hiệu lực đối với người phải thi hành án dân sự mà còn có hiệu lực cả đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là quyết định được chấp hành viên ban hành nhằm mục đích thi hành các bản án, quyết định của toà án được tuyên nhân danh quyền lực nhà nước nên mọi chủ thể liên quan đến thi hành án dân sự phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định này. Ví dụ, theo quy định tại Điều 78 Luật thi hành án dân sự 2008, khi chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án thì cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi trả thu nhập cho người phải thi hành án cũng phải thực hiện quyết định này. Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến thi hành án không thi hành quyết định này thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

2. Quy định về định giá, định giá lại kê biên để thi hành án.

– Định giá tài sản kê biên: Sau khi kê biên tài sản, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành xác định giá trị của tài sản kê biên nhằm thực hiện nghĩa vụ dân sự của người phải thi hành án. Việc xác định giá trị tài sản kê biên có thể được tiến hành theo sự thỏa thuận của các đương sự thông qua tổ chức thẩm định giá hoặc do chấp hành viên tự xác định.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 98 Luật thi hành án dân sự 2008 thì việc xác định giá trị tài sản kê biên được tiến hành như sau:

+ Trường hợp nếu ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản thì chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó và giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá.

+ Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì chấp hành viên kí hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

+ Trường hợp đương sự không thỏa thuận được về giá và cũng không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc kí hợp đồng dịch vụ và việc thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động thi hành án thì chấp hành viên kí hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong thời hạn năm  ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản.

– Định giá lại tài sản kê biên: Theo quy định tại Điều 99 Luật thi hành án dân sự 2008 thì việc định giá lại sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp chấp hà viên có vi phạm nghiêm trọng quy định về định giá tài sản d đến sai lệch kết quả định giá tài sản hoặc đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật thi hành án dân sự 2008 thì chấp hành viên tự xác định giá trong các trường hợp sau đây:

+ Không thực hiện được việc kí hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá.

+ Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá.

Theo quy định tại Điều 99 Luật thi hành án dân sự 2008 thì việc tổ chức định giá lại tài sản kê biên được tiến hành trong các trường hợp chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định về định giá dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.

Do đó, có thể thấy được định giá, định giá lại tài sản kê biên là một trong các biện pháp quan trọng nhằm để bảo vệ triệt để quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng sẽ buộc người thi hành án phải thực hiện một cách thực tế, đầy đủ nghĩa vụ dân sự của họ, từ đó thực sự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com