Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận? Quy định của pháp luật về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng?
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay còn gọi là hôn ước đã được thừa nhận rộng rãi và áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Pháp luật quy định chế độ tài sản của vợ chồng được thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo luật định, trong đó, chế độ tài sản theo luật định chỉ áp dụng khi vợ chồng không có thỏa thuận về chế độ tài sản. Chế độ tài sản của vợ chông theo thỏa thuận được chính thức thừa nhận lần đầu tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ tập trung phân tích quy định trọng tâm của chế định này đó là: Quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng.
LVN Group tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
1. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận?
Chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản bao gồm tất cả các quy định về quan hệ sở hữu tài san của vợ chồng, gồm: căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với các loại tài sản đó và nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng.
Ở Việt Nam, có rất nhiều quan điểm khác nhau về định nghĩa chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay còn gọi là hôn ước. Tuy nhiên, dù hiểu theo quan điểm nào, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là chế độ tài sản xác lập theo thỏa thuận của vợ chồng được thể hiện bằng văn bản, do vợ chồng cùng nhau thỏa thuận từ trước khi kết hôn về chế độ tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận chỉ phát sinh hiểu lực kể từ thời điểm đăng ký kết hôn và thông thường có hiệu lực đến thời điểm hôn nhân chấm dứt. Trong trường hợp vợ chồng sửa đổi, bổ sung, thậm chí lựa chọn thay đổi toàn bộ nội dung chế độ tài sản theo thỏa thuận thì chế độ tài sản đã xác lập có thể chấm dứt hiệu lực theo thỏa thuận của các bên ngay khi hôn nhân đang tồn tại.
Từ đó, có thể đưa ra khái niệm về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận một cách đầy đủ như sau: Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là chế độ tài sản của vợ chồng xác lập theo thỏa thuận của vợ chồng bằng văn bản được lập từ trước khi kết hôn quy định về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng, gồm: căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với các loại tài sản đó và nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là một trong hai loại chế độ tài sản của vợ chồng được ghi nhận trong pháp luật về hôn nhân và gia đình. Bởi vật, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có đầy đủ các đặc điểm của chế độ tài sản của vợ chồng. Bên cạnh đó, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận còn có những đặc điểm riêng:
– Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận do hai bên vợ chồng tự do thỏa thuận một cách tự nguyện, bình đẳng.
– Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận phải được lập thành văn bản trước khi kết hôn, tuy nhiên nó chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kỳ hôn nhân.
– Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có phần đề cao quyền lợi cá nhân của vợ, chồng hơn so với chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
– Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận không bắt buộc phải được thiết lập mà do sự chủ động lựa chọn của các bên trước khi kết hôn, nó không làm hạn chế quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, không ảnh hưởng đến nghĩa vụ đối với con.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đời sống hiện nay, sự phát triển của các điều kiện kinh tế- xã hội, cũng như sự cần thiết trong việc tương thích với pháp luật trong nước và thế giới. Luật Hôn nhân và gia đình đã thừa nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có một số ý nghĩa quan trọng như sau:
– Việc thực nhận chế độ tài sản ước định đã bảo đảm quyền tự định đoạt của công dân về sở hữu tài sản.
– Việt Nam thừa nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là xu hướng tất yếu để pháp luật nói chung, pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng, phù hợp, tương thích hơn với pháp luật nước ngoài.
– Ghi nhận thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể giúp vợ chồng chủ động trong hoạt động kinh doanh, hạn chế rủi ro về tài sản có thể xảy đến với gia đình, bảo vệ tài sản riêng của mỗi bên, mang lại sự minh bạch trong quan hệ tài sản của vợ chồng, đồng thời hướng tới xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
– Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thừa nhận giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba- những người khác có liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.
– Trong trường hợp vợ chồng có yêu cầu phân chia tài sản, việc thừa nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận giúp Tòa án giải quyết việc phân chia tài sản một cách công bằng và nhanh chóng.
2. Quy định của pháp luật về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng?
Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 47, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Đây cũng được coi là quy định về hình thực thể hiện của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, cụ thể: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.“
Như vậy, khi hai bên lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập thành văn bản. Không những thế, văn bản này bắt buộc phải được lập trước khi kết hôn. Quy định này phù hợp với nguyên tắc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng: nếu khi kết hôn mà vợ chồng không có thỏa thuận lập chế độ tài sản thì chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật mặc nhiên áp dụng.
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng liên quan đến quyền lợi của vợ, chồng, các con và quyền lợi của người thứ ba. Do đó, việc lập chế độ tài sản của vợ chồng phải theo thể thức công chứng. Công chứng viên, là người có chuyên môn trong lĩnh vực hợp đồng, giao dịch, sẽ giúp cho vợ chồng có được những thỏa thuận phù hợp với hoàn cảnh của họ và phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên trong điều kiện có những địa phương chưa có tổ chức hành nghề công chứng nên để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Luật Hôn nhân và gia đình quy định thỏa thuận của vợ chồng về chế độ tài sản phải được công chứng hoặc chứng thực.
Sau khi đã được lập, văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vẫn chưa phát sinh hiệu lực ngay cả khi đã được công chứng hoặc chứng thực. Văn bản này chỉ phát sinh hiệu lực, hay nói cách khác chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận chỉ được chính thức xác lập kể từ ngày vợ chồng đăng ký kết hôn và chỉ tồn tại trong thời kỳ hôn nhân do chế độ tài sản của vợ chồng luôn gắn liền với hôn nhân. Trong trường hợp việc kết hôn không xảy ra, thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân mặc nhiên bị vô hiệu.
Có ý kiến cho rằng, luật quy định vợ chồng phải lập văn bản về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trước khi kết hôn nhưng sau đó vẫn cho phép sửa đổi, bổ sung thỏa thuận là không hợp lý. Văn bản thỏa thuận có thể sửa đổi, bổ sung, có thể lập mới sau khi kết hôn, tức là không bắt buộc giữ nguyên, hay bất di bất dịch thì cũng có thể được lập sau khi kết hôn. Do đó, cần quy định văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng có thể lập trước hoặc sau khi vợ chồng kết hôn (trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân).
Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan, quy định của pháp luật như trên là phù hợp. Bởi lẽ, sau khi vợ chồng đã kết hôn mà không xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì chế độ tài sản pháp định mặc nhiên được áp dụng. Lúc này vợ chồng muốn thỏa thuận về tài sản có thể áp dụng các quy định về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định cụ thể tại các Điều 39, 40. 41, 42 Luật Hôn nhân và gia đình. Hay nói cách khác, việc vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản pháp định hay chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được thể hiện trước khi kết hôn bởi đó là dấu mốc quan trọng để đánh dấu việc xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, là cơ sở thuận lợi cho việc áp dụng các quy định của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba tham gia giao dịch với một bên vợ hoặc chồng. Hơn nữa, đây cũng là xu hướng chung được nhiều nước quy định trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan,…