Quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác - Biểu mẫu
Văn Phòng Luật LVN
Trang chủ - DG - Quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác

Quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là gì? Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản?

Quyền sở hữu là một trong những quyền gắn liền với chủ sở hữu tài sản, là quyền bất khả xâm phạm một cách tương đối. Mọi hành vi hủy hoại hoặc cố làm hư hỏng tài sản của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ để xử phạt vi phạm. Hành vi hủy hoặc hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng các cấu thành tội phạm tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1.Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là gì?

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, khiến tài sản bị mất hoặc giảm sút giá trị, giá trị sử dụng so với ban đầu.

2.Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong Tiếng anh là gì?

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trong Tiếng anh là “Deliberate destruction of property”.

3.Quy định của Bộ luật hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản?

Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm,

3.Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

3.1. Dấu hiệu khách thể của tội phạm.

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác đối với tài sản được luật hình sự bảo vệ.

Đối tượng tác động là tài sản. Thường là vật

3.2. Dấu hiệu khách quan của tội phạm.

Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm là: hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Trong đó: hủy hoại là hành vi làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại đến mức làm mất hẳn giá trị hoặc giá trị sử dụng , mất hẳn công năng, hoặc bị tiêu hủy hoàn toàn (ví dụ như đốt giấy tờ có giá, đập vỡ chiếc bình có giá trị,..). Cố ý làm hư hỏng là hành vi  làm tài sản của người khác bị mất một phần, giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục, sửa chữa lại được, nhưng không được hoàn thiện như ban đầu. (ví dụ như đập phá xe ô tô, ném đá vào cửa kính của nhà,..)

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tài sản trị giá  từ 2 triệu  đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: đó có thể là  làm náo động một địa bàn nhất định, gây xáo trộn cuộc sống bình thường của người dân, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ,  mà nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình sẽ bị lâm vào tình trạng khó khăn.

+ Tài sản là di vật, cổ vật: Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

 Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

Giá trị tài bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị hủy hoại hoặc bị làm hư hỏng.

3.3. Mặt chủ quan của tội phạm.

Người thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Mục đích của người thực hiện tội phạm là mong muốn hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Mục đích này dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là cách thức để đạt được mục đích khác thì không phạm tội này mà tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Ví dụ: Người phạm tội đốt nhà với mục đích giết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội là tội hủy hoại tài sản (Điều 178) và tội giết người (Điều 123).

3.4. Dấu hiệu chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của tội phạm là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.

3.5. Hình phạt áp dụng.

– Khung hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

– Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:

+ Có tổ chức:  Là trường hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm và đòi hỏi phải có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án.

+ Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng:

+ Tài sản là bảo vật quốc gia: Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học

+ Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác: “Chất nguy hiểm về cháy nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hóa, vật tư dễ xảy ra cháy nổ”.

+ Để che giấu tội phạm khác:

+ Vì lý do công vụ của người bị hại:

+ Tái phạm nguy hiểm:  Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc  đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

– Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, nếu ây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Khung hình phạt tăng nặng thứ ba: bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, nếu gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

– Khung hình phạt bổ sung:  bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hình phạt cao nhất mà người phạm tội có thể bị áp dụng là 20 năm tù.

So với Điều 143 của Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có những sự thay đổi tích cực như sau:

-Thứ nhất, hành vi gây thiệt hại tài sản được cấu thành tội phạm cơ bản là 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp luật định thay vì năm trăm nghìn đồng như trước đây.

– Thứ hai, trong các dấu hiệu định khung tăng nặng hình phạt, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ đi các tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và thay vào đó là thiệt hại cụ thể được tính bằng tiền.

– Thứ ba, hình phạt cao nhất mà người phạm tội có thể bị áp dụng trong Bộ luật hình sự năm 1999 là tù chung thân, nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 là tù 20 năm.

Một trong những khó khăn khi xác định cá nhân có phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hay không là việc định giá tài sản và xác định thiệt hại tài sản trên thực tế. Điều này thực sự khó khăn khi có sự biến động giá thị trường, cũng như cân bằng giá trị, giá trị sử dụng của tài sản đối với chủ sở hữu.

Thực tế cho thấy, việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ít khi bị truy tố riêng mà thường được truy tố bên cạnh một tội khác, do người phạm tội thường dùng đây là “công cụ” để thực hiện mục đích lớn hơn của mình.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com