Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là gì? Nội dung quy định của pháp luật về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng?
Tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta đang ở mức báo động trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội phát triển, hàng loạt các nhà máy, khu công nghiệp “trỗi dậy”, hoạt động không ngừng nghỉ đã tác động tới không khí, nước, đất đai. Từ đó, hệ thống pháp luật buộc phải đặt ra các chế tài nhằm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đây là cách thức tối ưu nhất cho tới thời điểm hiện tại để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ lấy nội dung: Quy định xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để làm đề tài phân tích và bình luận.
Tổng đài LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường.
1. Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là gì?
Ô nhiễm môi trường là thuật ngữ được sử dụng phố biến và là tình trạng mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Để giải thích về ô nhiễm môi trường sẽ có nhiều cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau, nhưng để có cái nhìn thống nhất, tác giả đưa ra khái niệm dưới góc độ pháp lý theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể: “Ô nhiễm môi trườnglà sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.” Tính nghiêm trọng trong ô nhiễm môi trường được xác định dựa trên nhiều yếu tố và đôi khi không phải là một điều gì đó quá rõ ràng.
Khái niệm về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được giải thích tại khoản 1, Điều 104 Luật Bảo vệ môi trường, tuy nhiên, cụ thể hơn về định nghĩa này, Nghị định 40/2019/NĐ-CP quy định rằng: “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ sở có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động theo quy định của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường“
Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các cơ sở có hành vi vi phạm pháp pháp luật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
2. Nội dung quy định của pháp luật về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng?
Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được quy định tại Điều 104 Luật Bảo vệ môi trường, các Điều 33, Nghị định 19/2015/NĐ-CP; bên cạnh đó là quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP; quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2016; quy định về bồi thường thiệt hại ở Bộ luật dân sự. Như vậy, có thể thấy, việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khá phức tạp và cần có sự kết hợp giữa các căn cứ pháp lý khác nhau nhằm xác định đúng người, đúng hành vi và đúng chế tài xử phạt.
Quy định tại Điều 104 Luật bảo vệ môi trường phản ánh một số vấn đề như: giải thích thế nào là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiệm trọng; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt gì ?; trình tự rà soát, phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trách nhiệm tổ chức xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với tính áp dụng thực tế cao, tác giả sẽ chỉ tập trung phân tích trách nhiệm pháp lý mà cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải gánh chịu.
Khoản 2, Điều 104 Luật Bảo vệ môi trường có quy định: “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.“. Như vậy, hình thức xử lý mà cơ sở phải gánh chịu là xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thải chất thải vệ sinh hầm cầu, hóa chất độc, các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường trái quy định về bảo vệ môi trường. (Khoản 1, Điều 19, Nghị định 155/2016/NĐ-CP).
– Hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết bản tóm tắt kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại địa điểm hoạt động hoặc không gửi bản tóm tắt kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đến Ủy ban nhân dân cấp xã để được niêm yết công khai hoặc không gửi kế hoạch, báo cáo định kỳ tiến độ thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường cho cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (Điểm a, Khoản 7, Điều 19, Nghị định 155/2016/NĐ-CP).
Việc áp dụng hình thức xử phạt gì và mức phạt như thế nào được quy định đầy đủ trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bên cạnh hình phạt chính là hình phạt tiền, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm; đình chỉ hoạt động cơ sở, … bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường.
Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tùy vào mức độ của hành vi và hậu quả thực tế mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường tại Điều 235 Bộ luật hình sự.
Nội dung thứ hai khi nhắc tới quy định của pháp luật về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đó là: Nguyên tắc và căn cứ xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nội dung này được ghi nhận tại Điều 33 Nghị định 19/2015/NĐ-CP.
Về nguyên tắc: “Việc xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được tiến hành khách quan, công bằng, đúng pháp luật; căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và mức độ vi phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường….“. Tính khách quan thể hiện ở việc xác định cơ sở phải dựa trên các yếu tố tự nhiên, vốn có, không dựa vào ý chí chủ quan mà dựa trên tính thực tế của hành vi và các quy chuẩn kỹ thuật; công bằng ở đây được so sánh giữa các cơ sở gây ô nhiễm với nhau và đúng pháp luật là đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục rà soát, phát hiện và xử lý.
Pháp luật đã quy định đầy đủ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đây là căn cứ để xác định tính nghiêm trọng của hành vi, tức là tính ô nhiễm có đạt đến mức ô nhiễm nghiêm trọng mà pháp luật “yêu cầu”.
Các yếu tố xác định mức độ vi phạm của hành vi gây ô nhiễm môi trường:
Thứ nhất, đối với hành vi xả nước thải, khí thải, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, bao gồm: Lượng nước thải, lưu lượng khí thải, bụi của cơ sở; số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của các thông số môi trường đặc trưng và số các thông số môi trường đặc trưng vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải có trong nước thải, khí thải, bụi của cơ sở. (Điểm a, Khoản 2)
Thứ hai, đối với hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, bao gồm: Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, độ rung; đối tượng chịu tác động; thời điểm và địa điểm diễn ra hành vi. (Điểm b, Khoản 2)
Thứ ba, đối với hành vi chôn lấp, thải vào đất, môi trường nước các chất gây ô nhiễm ở thể lỏng, rắn, bùn không đúng quy định làm môi trường đất, nước, không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh, bao gồm: Số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước biển, không khí xung quanh và môi trường đất của các thông số môi trường do các hành vi này gây ra. (Điểm c, Khoản 2)
Các yếu tố xác định mức độ vi phạm của hành vi được xây dựng dựa trên thực tế và tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, việc đặt ra các yêu tố xác định mức độ là tuân thủ nguyên tắc trong việc xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đảm bảo xác định đúng đối tượng, đúng hành vi và có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, vừa có tác dụng răn đe, vừa có tác dụng giáo dục và điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức khác.