Quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng

Khái quát về người đề nghị cấp giấy phép xây dựng? Quyền của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng? Nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng?

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý chứng minh tính tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức hoạt động xây dựng khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Với tư cách là một chủ thể trong quan hệ với nhà nước được đề nghị cấp giấy phép xây dựng, tổ chức cá nhân đề nghị được pháp luật trao các quyền và buộc phải thực hiện các nghĩa vụ, tạo cơ sở cho họ chủ động tham gia vào quan hệ, bảo vệ quyền lợi của mình cũng như bảo vệ lợi ích cho nhà nước. Vậy pháp luật xây dựng quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Luật LVN Group.

LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Văn bản hợp nhất Luật Xây dựng năm 2020.

1. Khái quát về người đề nghị cấp giấy phép xây dựng?

Nguyên tắc chung về cấp giấy phép xây dựng được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 89 Luật Xây dựng, cụ thể: “Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”. Theo quy định này, mọi công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Người đề nghị cấp giấy phép xây dựng là cá nhân, tổ chức (chủ đầu tư) thực hiện các thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng khi đáp ứng các điều kiện luật định. Vấn đề đặt ra là mặc dù người đề nghị có thể đa dạng, nhưng việc được cấp giấy phép hay không còn phải được xem xét, theo đó, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị sẽ khác với điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị và cũng khác với điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ.

2. Quyền của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng?

Quyền của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng là cách thức xử sự được nhà nước ghi nhận và bảo vệ. Quyền của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng được quy định tại khoản 1, Điều 106 Luật Xây dựng, cụ thể:

Thứ nhất, quyền được yêu cầu cơ quan cấp giấy phép xây dựng giải thích, hướng dẫn và thực hiện đúng các quy định về cấp giấy phép xây dựng. 

Cơ quan cấp giấy phép xây dựng bao gồm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đây là các cơ quan được trang bị kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, do vậy việc người đề nghị cấp giấy phép có quyền yêu cầu cơ quan này làm rõ các vấn đề, chỉ dẫn hay thực hiện theo đúng các quy định là điều dễ hiểu và hoàn toàn hợp lí, đây là quyền của cơ bản của công dân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các quy định về cấp giấy phép xây dựng rất đa dạng, đó có thể là quy định chung, quy định về điều kiện cấp giấy phép, quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Việc yêu cầu là quyền, do đó, trong bất cứ trường hợp nào, cá nhân, tổ chức cũng có thể yêu cầu giải thích, hướng dẫn, thực hiện và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền là phải thực hiện mà không được từ chối, nhũng nhiễu.

Quyền yêu cầu giải thích, hướng dẫn, thực hiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo đảm hoạt động cấp giấy phép là hợp pháp, nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ hai, quyền được khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng.

Khiếu nại là việc người đề nghị cấp giấy phép xây dựng đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong quá trình cấp giấy phép xây dựng khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Khởi kiện là việc người đề nghị cấp giấy phép xây dựng gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan này bảo vệ quyền lợi cho mình khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp giấy phép xây dựng

Tố cáo là việc người đề nghị cấp giấy phép xây dựng báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp giấy phép xây dựng.

Đây đều là những quyền cơ bản của công dân nói chung và người đề nghị cấp giấy phép xây dựng nói riêng, là quyền để người đề nghị chủ động bảo vệ quyền lợi của chính mình, giúp phát hiện các sai sót, vi phạm trong việc cấp giấy phép xây dựng, từ đó rút kinh nghiệm trong công tác quản lý cấp giấy phép xây dựng.

Thứ ba, quyền được khởi công xây dựng công trình theo quy định của Luật này.

Đây là quyền phát sinh khi người đề nghị cấp giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Việc khởi công xây dựng ngoài điều kiện phải có giấy phép thì phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định tại Điều 107, chẳng hạn: Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng; ó mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng; Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của pháp luật;…..

Việc trao quyền chỉ mang tính chất ấn định và ghi nhận của pháp luật trên giấy, thực tế bảo đảm quyền đến đâu phải do người đề nghị cấp giấy phép xây dựng chủ động thực hiện bằng năng lực của mình và tinh thần trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm quyền cho họ. Mối quan hệ giữa quyền của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là mối quan hệ đối ứng, quyền của bên này được bảo đảm bằng nghĩa vụ của bên còn lại.

3. Nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng?

Nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng là cách thức xử sự mà pháp luật buộc người đề nghị cấp giấy phép xây dựng phải thực hiện. Nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Khoản 2, Điều 106, cụ thể:

Thứ nhất, nghĩa vụ nộp đầy đủ hồ sơ và lệ phí cấp giấy phép xây dựng.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng trong các trường hợp cụ thể sẽ có sự khác nhau, ví dụ: Đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

– Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

– Bản vẽ thiết kế xây dựng;

– Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ là nghĩa vụ đầu tiên để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và xem xét, đánh giá và đưa ra quyết định về việc có cấp giấy phép xây dựng hay không. Việc thiếu một trong các tài liệu, giấy tờ sẽ dẫn đến hồ sơ không hợp lệ, người đề nghị cấp giấy phép xây dựng phải chuẩn bị lại.

Lệ phí cấp giấy phép xây dựng ở mỗi tỉnh là có sự khác nhau do Hội đồng nhân dân quyết định, ví dụ:

– Ở TP. Hồ Chí Minh, Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ: 75.000 đồng/giấy phép; Cấp giấy phép xây dựng các công trình khác: 150.000 đồng/giấy phép.

– Ở Bình Dương, Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ: 50.000 đồng/giấy phép; Cấp giấy phép xây dựng các công trình khác: 100.000 đồng/giấy phép.

Nhìn chung, mức lệ phí giữa các tỉnh là không có sự khác nhau nhiều, có nhiều tỉnh áp dụng mức lệ phí như nhau, hoặc nếu có chênh lệch thì tỉ lệ rất ít.

Thứ hai, nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

Đây là nghĩa vụ phát sinh đồng thời với nghĩa vụ 1, nếu đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì các tài liệu trong hồ sơ phải chính xác- tức là chính xác về tính pháp lý, chính xác về số liệu kỹ thuật,…; trung thực tức là khách quan, không lừa dối, hoặc không rõ ràng khiến cho cơ quan có thẩm quyền hiểu sai nội dung của hồ sơ đề nghị mà tiến hành cấp giấy phép xây dựng không hợp pháp.

Thứ ba, nghĩa vụ thông báo ngày khởi công xây dựng.

Theo điểm e, Khoản 1, Điều 107 Luật Xây dựng: “Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.” Đây là điều kiện để chủ đầu tư được tiến hành khởi công xây dựng, nghĩa vụ này không áp dụng đối với việc khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ.

Thứ tư, nghĩa vụ thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng.

Nội dung giấy phép xây dựng là điều mà pháp luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền “cho phép” chủ đầu tư thực hiện, việc thực hiện khác với nội dung, vượt quá nội dung giấy phép đều bị coi là vi phạm pháp luật và chắc chắc chủ đầu tư phải chịu các trách nhiệm pháp lý nhất định. Nội dụng của giấy phép xây dựng thể hiện một số vấn đề như tên công trình thuộc dự án; địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng;….

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com