Tái hôn là gì? Có nên tái hôn không? Điều kiện để được tái hôn? Thủ tục tái hôn với chồng cũ, vợ cũ? Đăng ký kết hôn online có được không?
“Có nên tái hôn với chồng, vợ cũ?” – Chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Đó là trăn trở của không ít những người đã lỡ dở trong hôn nhân. Vậy tái hôn là gì? Các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về tái hôn như thế nào?
Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
1. Tái hôn là gì?
Tái hôn có thể hiểu là việc cặp vợ chồng sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn thì muốn quay lại với nhau, xác lập lại quan hệ hôn nhân.
Luật hôn nhân và gia đình hiện nay không có quy định nào đề cập về khái niệm tái hôn. Thuật ngữ này chỉ tồn tại trong đời sống hàng ngày, theo cách gọi của người dân. Theo Từ điển Tiếng Việt từ “tái” được hiểu là lại, làm lại hay trở lại, “hôn” được hiểu là hôn nhân.
2. Có nên tái hôn không?
Ly hôn có thể do bất đồng về quan điểm sống, điều kiện kinh tế, con chung, công việc, gia đình hai bên, v..v. Vì do nóng giận nên cái “tôi” trong mỗi người quá lớn, dẫn đến điều không mong muốn là ly hôn. Nhưng đến một ngày họ nhận ra, không thể tìm kiếm được một người có một người hiểu mình, chia sẻ, đồng cam chịu khổ những tháng ngày khó khăn. Họ nhận ra, con cái là cầu nối gắng kết hạnh phúc gia đình quay trở lại. Cần có trách nhiệm để chăm sóc, hoặc vì một lý do nào đó lại mong muốn “tái hôn”.
Tái hôn có thể là đôi bên biết sống độ lượng, khoan dung với nhau và với con cái, chấp nhận những hạn chế và khiếm khuyết của người bạn đời, dần tạo sự hòa hợp về tâm, sinh lý, đạo đức và lối sống. Khi gặp phải chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, mỗi người không nên lôi quá khứ của nhau ra bình luận, so sánh. Vợ chồng luôn cảm thông, chia ngọt sẻ bùi. Có như thế mới giữ được hạnh phúc thật sự. Tái hôn đòi hỏi ý thức và sự nỗ lực gấp nhiều lần của mỗi người trong cuộc. Để vững vàng trong suốt hành trình và đi hết con đường này, ngoài nỗ lực vượt khó của hai người trong cuộc, còn cần đến sự ủng hộ, giúp sức của những người thân yêu bên cạnh hai người.
Hoặc đôi khi đó cũng là sự lặp lại những câu chuyện của quá khứ, người đó không thay đổi tính cách hoặc quan điểm sống mặc dù đã cho nhau cơ hội.
Chúng tôi tin, tái hôn là việc quan trọng của vợ hoặc chồng cũ. Do vậy, quyết định nên hay không nên tái hôn vẫn là do chính chúng ta, lắng nghe con tim, cho nhau cơ hội. Tuy nhiên, việc tái hôn cũng cần phải đáp ứng các điều kiện của quy định pháp luật. Mời quý bạn đọc tham khảo nội dung điều kiện kết hôn, trình tự thủ tục để kết hôn theo nội dung dưới đây.
3. Điều kiện để được tái hôn:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn”.
Như vậy, khi hai bên chủ thể đã ly hôn và muốn quay lại với nhau thì bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kết hôn thì mới được pháp luật công nhận và bảo hộ. Bởi khi 2 bên ly hôn đã chấm dứt quan hệ hôn nhân, trở thành người tự do. Do đó muốn được pháp luật bảo vệ cần đăng ký kết hôn lại hoàn toàn hợp lý.
Ngoài ra, hai bên cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được đăng ký kết hôn lại.
Cũng giống như khi kết hôn, 2 bên chủ thể nam nữ cần đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định để kết hôn với nhau, cụ thể tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Các trường hợp cấm kết hôn được quy định tại khoản 2 Điều 5 luật này được quy định như sau:
“1. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;..”
Cả hai bên cần đáp ứng các điều kiện mà pháp luật đưa ra. Việc tái hôn phải được dựa trên sự tự nguyện cả 2 bên chứ không phụ thuộc yếu tố chủ quan hay khách quan nào tác động cả. Đồng thời xác định rõ ràng cả 2 phía vợ cũ hoặc chồng cũ có đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp nào không. Nếu một bên đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp thì họ sẽ không tiến hành tái hôn được.
4. Thủ tục tái hôn với chồng cũ, vợ cũ:
Bởi tái hôn đồng nghĩa với đăng ký kết hôn từ đầu. Do đó, hai người nam nữ muốn tái hôn cần phải cùng có mặt tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi một trong hai người đăng ký kết hôn hoặc UBND cấp huyện nếu việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Lúc này, cần chuẩn bị các loại giấy tờ quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ CP gồm:
– Tờ khai đăng ký kết hôn (Mẫu tại Thông tư 15/2015/TT-BTP);
– CMND/CCCD/Hộ chiếu hai bên nam nữ;
– Hộ khẩu, sổ tạm trú hai bên nam nữ;
– Giấy xác nhận tình trạng độc thân (Nếu kết hôn ở nơi bên nào cư trú bên đó không cần giấy xác nhận tình trạng độc thân);
– Thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi một trong hai bên cư trú (thường trú hoặc tạm trú)
– Trình tự giải quyết:
+) Hai bên nam nữ nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
+) Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ, giấy tờ nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn;
+) Công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
– Thời hạn giải quyết: Tối đa không quá 05 ngày làm việc.
5. Đăng ký kết hôn online có được không?
Hiện nay, tại Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai việc đăng ký kết hôn qua mạng.
Bởi sự đơn giản, nhanh chóng cũng như tiết kiệm thời gian đi lại. Vậy làm thủ tục đăng ký kết hôn online ra sao? Cách đăng ký kết hôn online thế nào? Luật LVN Group giới thiệu các bước đăng ký kết hôn online tại Tp. Hà Nội.
Bước 1: Truy cập vào trang chủ Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến Thành phố Hà Nội tại link: https://dichvucong.hanoi.gov.vn/.
Sau đó chọn “Đăng ký trực tuyến”
Tiếp đó, bạn gõ “Kết hôn” vào phần từ khoá, sau đó chọn “Tìm kiếm”, phía dưới sẽ hiện ra tên thủ tục “đăng ký kết hôn”.
Bạn ấn “thực hiện” để thực hiện thao tác trên tờ khai đăng ký kết hôn trực tuyến.
Bước 2: Điền thông tin theo mẫu tờ khai đăng ký kết hôn trực tuyến.
Bạn cần điền đầy đủ thông tin của hai bên nam, nữ theo yêu cầu. Với những trường thông tin có dấu * là trường bắt buộc nhập thông tin.
Sau khi điền đầy đủ thông tin vào tờ khai đăng ký kết hôn ở trên, bạn cần gửi đính kèm file ảnh Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy tờ chứng minh nhân thân, nơi cư trú của hai bên nam nữ để làm căn cứ cho Công chức tư pháp – hộ tịch xem xét về điều kiện kết hôn.
Bước 3: Sau khi điền đầy đủ thông tin, bạn nhấn vào nút Tiếp tục để xem lại thông tin đã điền.
Bước 4: Sau khi đã kiểm tra thông tin và chính xác, bạn nhập Mã Xác Nhận và nhấn vào nút Gửi thông tin.
Thông tin đăng ký thành công sẽ đi đến trang hướng dẫn các bước tiếp theo để hoàn tất hồ sơ. Thông tin đăng ký mà bạn cung cấp sẽ được gửi đến hộp thư điện tử mà bạn đã điền trong biểu mẫu.
Bạn có thể lưu lại mã hồ sơ để tra cứu tình trạng tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký kết hôn trực tuyến chưa đầy đủ hoặc có yêu cầu khác, bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết để bổ sung hoàn chỉnh thủ tục này.
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn online như trên, hai bên nam, nữ sẽ được thông báo về việc ký giấy chứng nhận kết hôn khi đủ điều kiện kết hôn.