Thẩm quyền, mức chi phí và thủ tục đổi tên khai sinh cho con

Điều kiện thay đổi tên? Thẩm quyền, mức chi phí và thủ tục khi thực hiện đổi tên khai sinh cho con?

Thủ tục hành chính là một trong các thủ tục pháp lý khá rườm rà tại nước ta. Tuy nhiên, biết được điều đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã luôn không ngừng nâng cao và cải tiến bộ máy nước ta cũng như rút gọn bớt các thủ tục không cần thiết. Trong đó, vấn đề về hộ tịch là một thủ tục được nhiều người quan tâm và trong đó chính là thủ tục thay đổi tên khai sinh. Vậy, thẩm quyền, mức chi phí và thủ tục đổi tên khai sinh cho con được quy định như thế nào? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề nêu trên.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015;
  • Luật Hộ tịch năm 2014;
  • Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;
  • Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ  tịch;
  • Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí hộ tịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

1. Điều kiện thay đổi tên

Khai sinh là một thủ tục hành chính được thực hiện đầu tiên đối với mỗi cá nhân từ lúc mới sinh ra. Chính vì vậy, việc khai sinh rất quan trọng đối với mỗi cá nhân vì nó liên quan đến nhiều vấn đề nhân thân như tên, họ, giới tính…Và hiện nay, vì một số lý do nào đó mà có nhiều cá nhân muốn thay đổi tên trong giấy khai sinh. Và theo quy định của Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong các trường hợp sau đây:

– Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Ví dụ như trong họ có 2 đến 3 người cùng tên mà việc trùng tên này ảnh hưởng đến sự tôn kính của con cháu dành cho ông bà.

+  Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

+ Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

+ Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

+ Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

+ Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính. Tức là những cá nhân do một số nguyên nhân nào đó mà dẫn đến việc khai giới tính trong giấy khai sinh nhầm lẫn từ nam chuyển thành nữ, hoặc ngược lại. Một số trường hợp khác với công nghệ hiện đại và việc thay đổi hooc môn sinh lý dẫn đến người này phải đi  chuyển giới thì việc khai lại tên có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

+ Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Lưu ý: Đối với những trường hợp đăng ký thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người đó. Vì ở độ tuổi này các em đã có nhận thức nhất định nào đó, các em hiểu được tên gọi là gì và mong muốn nguyện vọng của em đối với nhu cầu đổi tên. Và việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.

2. Thẩm quyền, mức chi phí và thủ tục khi thực hiện đổi tên khai sinh cho con

Thứ nhất, thay đổi tên cho người chưa đủ 14 tuổi

Một, thẩm quyền

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước. Đối với trường hợp này thì cơ quan có thẩm quyền sẽ là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc cư trú của cá nhân có thẩm quyề giải quyết việc thay đổi tên.

Hai, mức phí

Mức phí để thực hiện thủ tục xin thay đổi tên là 15.000 đồng.

Ba, cách thức thực hiẹn

  • Người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện. Việc ủy quyền phải có văn bản bản ủy quyền được hai bên ký và ghi rõ họ tên.
  • Người thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã/phường có thẩm quyền hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính đến địa chỉ.
  • Ngoài ra, đối với việc nộp hồ sơ công dân có thể nộp trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công tại tỉnh/thành phố nơi mình sinh sống.

Tư, thời hạn giải quyết

03 ngày làm việc đối với yêu cầu thay đổi hộ tịch; trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 06 ngày làm việc.

Năm, thủ tục thực hiện thay đổi tên cho con

Bước 1: Người có yêu cầu thay đổi hộ tịch nộp hồ sơ tại UBND cấp xã có thẩm quyền.

Bước 2: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy tiếp nhận; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.

Bước 3: Nếu thấy việc thay đổi hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức Tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã. Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý giải quyết thì ký Trích lục hộ tịch tương ứng (Trích lục thay đổi hộ tịch) cấp cho người yêu cầu; công chức Tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi vào Sổ đăng ký thay đổi xác định lại dân tộc; cùng người yêu cầu ký vào Sổ. Trường hợp thay đổi thông tin hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức Tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn; bổ sung thông tin hộ tịch vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung; chuyển kết quả cho Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Trường hợp không đủ điều kiện thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, UBND cấp xã có văn bản từ chối cấp Trích lục hộ tịch tương ứng (Trích lục thay đổi hộ tịch).

Bước 4: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả trả kết quả cho công dân theo đúng với thời gian ghi trong phiếu hẹn.

Sáu, hồ sơ thực hiện

  1. Tờ khai đăng ký thay đổi theo mẫu.
  2. Giấy tờ làm căn cứ thay đổi (nếu có)
  3. Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực.
  4. Giấy khai sinh (bản chính) trong trường hợp thay đổi liên quan đến Giấy khai sinh để công chức Tư pháp-hộ tịch ghi thông tin thay đổi hộ tịch (đối với trường hợp còn bản chính).
  5. Giấy tờ phải xuất trình

– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký thay đổi hộ tịch.

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký thay đổi hộ tịch (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

Thứ hai, đăng ký thay đổi đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên

Một, thẩm quyền

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi. Đối với trường hợp này thì cơ quan có thẩm quyền sẽ là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi tên.

Hai, lệ phí

Lệ phí đối với việc thay đổi tên cho đối tượng từ đủ 14 tuổi trở lên tại thành phố Đà Nẵng là 25.000 đồng.

Ba, thời hạn giải quyết

03 ngày làm việc đối với việc thay đổi hộ tịch. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh.

Bốn, cách thức thực hiện

  • Người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện;
  • Người thực hiện đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện có thẩm quyền hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính.
  • Ngoài ra, thủ tục này có thể được nộp trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công tại tỉnh/thành phố nơi bạn đăng ký khai sinh.

Năm, trình tự thủ tục

Bước 1: Người có yêu cầu thay đổi hộ tịch nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện có thẩm quyền.

Bước 2: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và viết giấy tiếp nhận; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.

Bước 3: Phòng Tư pháp kiểm tra, xác minh hồ sơ, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký Trích lục thay đổi hoặc văn bản từ chối cấp Trích lục thay đổi tương ứng (trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thay đổi hộ tịch) cấp cho người có yêu cầu,  công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc và cùng người đi đăng ký hộ tịch ký vào Sổ; chuyển kết quả cho Bộ phận tiếp nhận trả kết quả

Bước 4: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả trả kết quả cho cá nhân.

Sáu, hồ sơ thực hiện

  1. Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc theo mẫu.
  2. Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi tên ví dụ như hồ sơ bệnh án chuyển giới để làm cơ sở thay đổi từ nam sang nữ hoặc ngược lại.
  3. Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực.
  4. Xuất trình các giấy tờ sau:

– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc chứng minh quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký thay đổi tên.

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký trong trường hợp cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc không phải tại UBND cấp huyện nơi đăng ký hộ tịch trước đây (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật LVN Group về thẩm quyền. mức chi phí và thủ tục đổi tên khai sinh cho con. Trường hợp có thắc mắc xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com